A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giải thưởng du lịch: Cần cách nhìn toàn diện

09:35 | 10/05/2018

Kỷ niệm 58 năm thành lập ngành du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa khởi động Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2018. Nhìn vào danh mục giải thưởng có thể thấy Tổng cục Du lịch đã quan niệm đúng, nhưng chưa đầy đủ.

Khách du lịch tới miền cao phía Bắc.

Cơ cấu giải thưởng du lịch Việt Nam năm 2018 gồm các tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở cung ứng dịch vụ khách du lịch xuất sắc. Theo đó có 8 loại giải thưởng dành cho: Doanh nghiệp lữ hành; Cơ sở lưu trú du lịch; Doanh nghiệp vận tải khách du lịch; Nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch; Cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch, khu du lịch; Sân gôn; doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh du lịch.

Ngay cả Việt Nam - một đất nước còn nghèo, người Việt Nam đi du lịch nước ngoài đã không còn là để mua sắm như trước mà hầu hết là đi du lịch trải nghiệm. Đối với các nước phát triển và giàu có, du lịch trải nghiệm là yêu cầu lớn nhất – thậm chí là duy nhất của người đi du lịch. Người ta đến Hà Nội không phải để ăn và ở, mà để đi thăm phố cổ, Văn Miếu Quốc Tử Giám, các làng nghề nổi tiếng và thưởng thức văn hóa ẩm thực của người Hà Nội…

Cũng như thế, đến Quảng Ninh du khách muốn khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ, tráng lệ của vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới. Đến Đồng bằng sông Cửu Long là để thưởng thức đờn ca tài tử, thăm chợ nổi Cái Răng và hệ thống sông rạch chằng chịt riêng có của vùng đất này. Đến Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Tây Nguyên, Tây Bắc… du khách muốn khám phá, trải nghiệm cuộc sống của cư dân bản địa, những tập tục, tín ngưỡng và những lễ hội dân gian, truyền thống… của vùng đất mà họ đặt chân đến. Rất nhiều tua du lịch hấp dẫn du khách như tập làm nông dân, tập làm ngư dân… Dịch vụ home stay cũng đang được rất nhiều du khách ưa chuộng. Dịch vụ này phát triển ở nước ngoài từ lâu, nhưng ở Việt Nam thì mới rầm rộ từ mười, mười lăm năm nay.

Ở phía Bắc dịch vụ home stay phát triển một cách tự phát ở Mai Châu (Hòa Bình) từ thời chống Mỹ. Khi đó khách du lịch chủ yếu là các chuyên gia và gia đình họ) của các nước xã hội chủ nghĩa khi ấy điều kiện đi lại, di chuyển gặp nhiều khó khăn, thế là thế hệ làm du lịch đầu tiên của Mai Châu đã nghĩ ra cách cải thiện điều kiện ăn ở để khách du lịch có thể nghỉ ngay tại nhà họ, trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. Biện pháp có tính chất tình thế này khiến khách du lịch rất ưa chuộng và cuộc sống của người dân cũng được cải thiện. Bây giờ thì dịch vụ này hết sức phát triển ở phía Bắc như ở Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang… Ở miền Trung và miền Nam cũng vậy.

Nếu tính về điều kiện ăn ở thì home stay không thể so sánh với các khách sạn 4 sao, 5 sao, nhưng tại sao vẫn hấp dẫn du khách - ngày càng hấp dẫn du khách hơn và chắc chắn sẽ trở thành xu thế chủ yếu của du lịch trong tương lai. Nói như vậy để thấy giải thưởng của ngành du lịch mới chỉ thấy ngọn mà chưa thấy gốc, chưa thấy những điều kiện căn cốt, cơ bản tạo nên sự phồn vinh của ngành mình.

Có thể những người lãnh đạo ngành du lịch sẽ biện hộ: những yếu tố cảnh quan, môi trường, lễ hội, phong tục tập quán, những sinh hoạt văn hóa… không thuộc phạm vi quản lý của ngành du lịch. Nhưng nên nhớ không phải ngẫu nhiên mà Nhà nước lại xếp văn hóa và du lịch nằm chung một Bộ. Nên chăng ngành du lịch và văn hóa cần bắt tay nhau để cùng khen thưởng những địa phương, những khu sinh thái, những vườn quốc gia, những vùng văn hóa đã tạo nên bản sắc và thành tựu của ngành mình. (Cần phân biệt vùng văn hóa với những thiết chế văn hóa mà ngành văn hóa xây dựng và quản lý).

Đây chính là tài nguyên của đất nước, là tài sản mà ông cha trải bao đời đã tạo dựng và để lại cho chúng ta hôm nay. Nếu chưa thỏa thuận được với ngành văn hóa, thì bên cạnh các giải thưởng, ngành du lịch nên có những động thái tôn vinh. Ví dụ tôn vinh Ban quản lý khu phố cổ Hà Nội, Ban quản lý danh thắng và di tích Hạ Long, nhân dân thành phố Hội An… đã có công lao và đóng góp to lớn cho sự tồn tại và phát triển của ngành du lịch.

Sự tôn vinh này cũng góp phần làm bớt đi phần nào sự vô cảm (và có phần vô ơn) của ngành du lịch đối với những môi trường, điều kiện đã tạo nên sự phát đạt của ngành mình. Người ta thường nói ngành du lịch chỉ “hớt ngọn” chứ chưa đầu tư trở lại những nơi, những địa danh đã tạo nên thu nhập cho mình. Một vùng văn hóa, một khu di tích, danh thắng… mà ngành du lịch năm năm, tháng tháng… đưa du khách đến và thu lợi nhuận… ngành đã đầu tư trở lại bao nhiêu, đã xứng đáng và hợp lý chưa?

Sự kiện dân Đường Lâm (Hà Nội) nhiều lần xin trả lại danh hiệu làng cổ là tín hiệu cho thấy họ không có lợi gì (thậm chí còn có hại) trong khi ngành du lịch đang khai thác danh hiệu của họ. Nên chăng thành lập công ty cổ phần làng cổ Đường Lâm (cổ phần của từng gia đình chính là giá trị ngôi nhà cổ của họ). Kết quả kinh doanh sẽ chia theo cổ phần. Như thế ngành du lịch có lợi và người dân, địa phương cũng có lợi. Như vậy du lịch mới phát triển bền vững và người dân của vùng di sản, vùng di tích sẽ trở thành công tác viên, là chủ nhân của các dịch vụ du lịch.

Lâu nay vẫn có sự chưa thật sự đồng thuận giữa ngành du lịch và những địa phương làm chủ những miền đất hứa mà ngành du lịch đến khai thác. Chúng tôi nghĩ chính là sự chưa rõ ràng, minh bạch giữa quyền lợi và nghĩa vụ của ngành du lịch với quyền lợi và nghĩa vụ của địa phương,  của cư dân địa phương đã tạo dựng và sở hữu các môi trường du lịch. Qua việc công bố dự kiến các giải thưởng Du lịch năm 2018 chúng tôi thấy mâu thuẫn này vẫn chưa được giải quyết. Chỉ khi nào xử lý được triệt để vấn đề này thì du lịch và địa bàn nuôi dưỡng du lịch mới có thể phát triển bền vững.

Trần Bảo Hưng

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ