A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đánh thức tiềm năng du lịch ở huyện Krông Năng

14:14 | 11/12/2018

Mặc dù có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái cũng như văn hóa, nhưng các điểm đến ở huyện Krông Năng vẫn chưa thực sự hấp dẫn du khách.

Làm thế nào để phát triển ngành du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế là vấn đề mà chính quyền địa phương nơi đây đang trăn trở.

Tiềm năng phong phú

Địa hình dốc và mạng lưới sông suối bao quanh đã tạo cho Krông Năng nhiều cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, khí hậu mát mẻ thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Đó là thác Thủy Tiên (được công nhận là di tích danh thắng cấp Quốc gia năm 2009), thác Sơn Long (đang được Ban Quan lý Di tích tỉnh nghiên cứu, lập hồ sơ công nhận là di tích thắng cảnh cấp tỉnh), đập Đông Hồ... Bên cạnh đó, Krông Năng còn hấp dẫn bởi những vùng cà phê, cao su, mắc ca… xanh hút tầm mắt. Đặc biệt là từ cà phê, mắc ca… có khả năng phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp về tham quan, tìm hiểu quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê ở các trang trại cà phê, mắc ca.

Gói bánh chưng trong Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc tại huyện Krông Năng tháng 3-2018.

Huyện Krông Năng là một trong những địa phương của tỉnh có đời sống văn hóa phong phú, nơi lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 23 dân tộc cùng chung sống với nhiều di tích lịch sử gắn với nhiều lễ hội truyền thống. Hằng năm, các thôn, buôn trên địa bàn huyện tổ chức long trọng và trang nghiêm các lễ hội đặc trưng của đồng bào đáp ứng một phần đời sống tinh thần, tâm linh của người dân, như: lễ cúng bến nước, lễ cúng cơm mới của người Êđê, lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc – Ea Tam của người Tày, Nùng. Các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc khá độc đáo như: hát k'ưt, ay ray, hát then, quan họ, hòa tấu nhạc cụ, múa M’kăm Prốk, mời rượu, múa khiên. Bên cạnh đó, việc khôi phục các nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ… cũng được chính quyền địa phương quan tâm và tích cực triển khai vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thu hút du khách đến tham quan và mua sản phẩm. Đây chính là thế mạnh để địa phương khai thác, phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.

Nỗ lực kêu gọi đầu tư

Theo UBND huyện Krông Năng, không chỉ là một trong những danh thắng đẹp nhất của tỉnh, thác Thủy Tiên còn chứa đựng những giá trị to lớn về mặt tài nguyên sinh thái, bởi xung quanh thác là khu rừng nguyên sinh Ea Puk nằm kề với Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Thực hiện chủ trương lập quy hoạch Danh lam thắng cảnh thác Thủy Tiên (theo Công văn 1358/BVHTTDL-DSVH ngày 5-4-2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc này,  UBND huyện Krông Năng đã triển khai lập quy hoạch Danh lam thắng cảnh thác Thủy Tiên, xã Ea Puk. Theo đó, giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đại diện làm chủ đầu tư triển khai lập quy hoạch Danh thắng thác Thủy Tiên theo đúng quy định hiện hành. Hiện nay, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đang tiến hành công tác lập quy hoạch để kêu gọi đầu tư.

Huyện Krông Năng tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch tại thác Sơn Long

Theo Kết quả khảo sát các điểm du lịch mới đây của huyện, địa bàn xã Ea Tam tài nguyên khá phong phú, thuận lợi để phát triển cả về du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng. Là nơi quần tụ của nhiều dân tộc đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến nay vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc, nền văn hóa Tày – Nùng với Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc ở Ea Tam được tổ chức thường niên đã đóng góp thêm vào sự phong phú và đa dạng của Văn hóa Tây Nguyên.

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có thác Sơn Long là đầu nguồn của Thác Thuỷ Tiên với chiều dài từ suối đến đỉnh khoảng 300 mét, chênh lệch độ cao từ chân thác so với đỉnh khoảng 180 mét với hệ sinh thái và thực vật phong phú, khí hậu trong lành; phần đỉnh có cột nước (thác) cao gần 10 mét. Đặc biệt, ở địa bàn xã có làng Quảng Hòa, thôn Tam Điền (được hình thành khi người dân tộc Nùng sống tại huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng di cư đến khai hoang tại địa phương từ những năm 1980 đến 1990) vẫn giữ nguyên vẹn các nét sinh hoạt truyền thống như: ở nhà sàn bốn mái, mặc trang phục thổ cẩm truyền thống của người Nùng An (Cao Bằng), những bộ quần áo chàm tự dệt với quần ống rộng, áo bó chẽn, hai tà trước sau, các nếp sinh hoạt văn hóa, tâm linh. Giữa làng có con đường nhỏ vắt giữa lưng chừng đồi, hai dãy nhà sàn đều có cổng hướng ra đường làng, các ngôi nhà sàn đều có kiến trúc giống nhau. Người dân trong làng chủ yếu là tự cung tự cấp các sản phẩm thịt gà sạch, lợn sạch, các loại rau củ quả giống địa phương. Với những đặc điểm riêng có, đây là ngôi làng rất phù hợp để phát triển điểm du lịch văn hóa cộng đồng.

 Từ làng Quảng Hòa có một lối đi tắt dài khoảng 1,5 km để đi đến thác Sơn Long. Nếu được đầu tư đúng hướng, có thể kết hợp hai địa điểm trên để phát triển thành một tuyến du lịch bao gồm: du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái, mạo hiểm. Đây cũng chính là định hướng đầu tư mà chính quyền địa phương đang nỗ lực kêu gọi từ các nguồn lực xã hội.

Để từng bước phát triển du lịch huyện Krông Năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện như mục tiêu mà Đề án phát triển du lịch huyện Krông Năng giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030 đã đề ra, chính quyền địa phương đang tập trung kêu gọi các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ; phát triển nguồn nhân lực du lịch; bảo tồn các nguồn tài nguyên du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu cho du lịch huyện Krông Năng.

Lê Hương

 

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ