A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tiềm năng du lịch cộng đồng ở Hòa Phú

09:30 | 09/03/2019

Với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) có nhiều nét truyền thống đặc trưng, độc đáo.

Ưu thế về vị trí tự nhiên, đặc điểm sinh thái cùng với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc trên địa bàn là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng ở xã Hòa Phú.

Đến Hòa Phú, không thể quên hương vị béo ngậy, ngon ngọt, dai thơm của cá lăng đuôi đỏ - loài cá nước ngọt, da trơn có giá trị kinh tế rất cao từ dòng sông Sêrêpốk chảy qua địa bàn. Thời gian qua, nhiều hộ ở xã Hòa Phú đã có sáng kiến đưa cá lăng tự nhiên vào nuôi trong ao, hồ nước tĩnh và tạo môi trường sinh thái thích hợp để cá phát triển bảo đảm chất lượng, đồng thời đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Cá lăng đuôi đỏ Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột” để tạo sản phẩm đặc trưng của mình. Xã Hòa Phú còn có hơn 800 ha điều, mỗi năm cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước hơn nghìn tấn hạt điều thơm ngon, chất lượng.

Chị H’Ren Byă (buôn M'Rê) giới thiệu sản phẩm rượu cần Êđê

Du khách đến Hòa Phú sẽ được nghe chị Lương Thị Phước, Trưởng thôn 1 kể về nhiều hộ người Thái nơi đây đã trở thành triệu phú nông nghiệp với mức thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm trên vùng đất không mấy màu mỡ so với các vùng miền khác. Như: anh Lưu Văn Tủng với 6 ha điều trên đất kém dinh dưỡng mà lãi hơn 300 triệu đồng; anh Mè Văn Nhất có thu nhập hơn 350 triệu đồng với 8 ha điều trồng trên đất đồi; anh Lò Văn Hiền thu nhập hơn 350 triệu với 6 ha điều canh tác mỗi năm…

Ở làng Thái (thôn 1, xã Hòa Phú), du khách còn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp dịu dàng đoan trang của những cô gái Thái trong trang phục áo cóm, váy đen và khăn piêu vừa tôn vẻ đẹp hình thể vừa kín đáo, duyên dáng và thanh lịch tế nhị… để cùng tham gia các trò chơi dân gian, văn hóa với du khách trong Lễ hội cổ truyền tổ chức hằng năm vào rằm tháng Giêng âm lịch; hay thưởng thức hương vị rượu nếp cùng các món ăn truyền thống của đồng bào Thái giàu chất dinh dưỡng được tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ như cá nướng, thịt gác bếp, xôi tím, gà chưng hoa chuối…

Đến với buôn M’Rê, du khách sẽ được thưởng thức sản phẩm rượu cần của người Êđê và nghe chị H’Ren Byă kể về quá trình làm rượu cần từ chất men gia truyền (gồm củ riềng rừng + bột quế + bột gạo đặc biệt) có vị ngọt, cay, nồng mà ít nơi nào có được. Loại rượu cần “độc quyền” này trong những năm qua đã được khách hàng nhiều nơi như Đà Lạt, Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang… đặt mua. Chị H’Ren Byă cho biết, chị làm rượu cần để có thêm thu nhập và gìn giữ nghề truyền thống của gia đình. Ghé lại buôn Tuor, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Êđê từ hai nghệ nhân là chị H’Nhé Byă và H’Blơc Kpơr. Dù sản phẩm thổ cẩm nơi đây không đa dạng, phong phú chủng loại như sản phẩm thổ cẩm của Hợp tác xã Tơng Bông (xã Ea Kao) nhưng cũng là nỗ lực duy trì, không để mai một nghề truyền thống bao đời nay của đồng bào Êđê nơi đây.

Bà H'Nhé Byă và các sản phẩm thổ cẩm

Ở thôn 11, du khách sẽ được thưởng thức tại vườn các loại trái cây khi vào vụ; nghe anh Phạm Văn Trọng, chủ nhân của 3 ha đất trồng vừa xoài Đài Loan vừa cam, quýt, bưởi kể về câu chuyện trở thành triệu phú nhờ chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng. Trước đây, vườn nhà anh Trọng trồng mía, mỗi năm thu chỉ được 45 - 50 triệu đồng/2 ha; khi chuyển sang trồng xoài, cam, quýt, thu nhập của gia đình anh lên đến gần 800 triệu đồng trên cùng diện tích, dự kiến năm 2019 thu nhập sẽ cao hơn khi có thêm 1 ha bưởi cho quả. Thôn 3 sẽ tạo ấn tượng cho du khách với những vườn rau an toàn xanh tốt, đa dạng nhiều loại rau đã được cấp chứng nhận VietGAP ngày càng mở rộng thị trường phân phối.

Giá trị từ những sản phẩm đặc trưng, độc đáo, truyền thống của bà con các dân tộc Hòa Phú đã góp phần lớn giúp xã Hòa Phú trở thành xã nông thôn mới. Nếu biết phát huy, “xâu chuỗi các giá trị đặc trưng” thì sẽ là thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, vừa mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững, giúp người dân bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương.

Cẩm Lai

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ