A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Gỡ "nút thắt" để phát triển du lịch

08:31 | 08/04/2019

Nhiều “nút thắt” khiến du lịch Đắk Lắk gặp khó khăn và khó có thể bứt phá mạnh mẽ, đang được chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng tháo gỡ,...

... tạo điều kiện cho nhà đầu tư tìm đến nhằm hiện thực hóa lộ trình đặt ra cho ngành kinh tế quan trọng này đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, trong một số chủ trương và chính sách về ưu tiên phát triển du lịch ở đây như nhà nước hỗ trợ về thuế và đất, cơ sở hạ tầng, giao thông, điện nước, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và quảng bá, xúc tiến… thì vấn đề thu hút đầu tư đã được cả hệ thống chính trị quan tâm đúng mức và thường xuyên.

Đến nay, một số văn bản pháp quy đã được các cấp thẩm quyền ban hành nhằm giúp cho ngành du lịch lấy đó làm cơ sở triển khai, thực hiện: Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 4-10-2016 của Tỉnh ủy về "Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch giai đoạn 2016 – 2020"; Quyết định số 3394/QĐ-UBND, ngày 15-11-2016 của UBND tỉnh về "Kế hoạch phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020" đã thật sự tạo ra động lực mạnh mẽ, to lớn nhằm cụ thể hóa từng bước đi cho ngành “công nghiệp không khói” tại địa phương.

Sở VH-TT-DL phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát điểm du lịch Thác Krông Kma (huyện Krông Bông).

Từ những chủ trương, chính sách có tính chất “trải thảm” trên, đến nay đã có không ít dự án du lịch tầm cỡ được nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh hợp tác triển khai, thực hiện. Sở VH-TT-DL cho biết, trong số 24 dự án được quy hoạch xây dựng, phát triển khu – điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trong hơn 3 năm qua được cơ quan chức năng đánh giá, thẩm định và cấp phép, có một số dự  án được kỳ vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn, đầy hứa hẹn với  quy mô lớn, sản phẩm khác biệt như Khu du lịch văn hóa – sinh thái dọc sông Sêrêpốk (huyện Buôn Đôn); Khu nghỉ dưỡng cao cấp hồ Lắk (huyện Lắk); Cụm du lịch sinh thái thác Gia Long – Dray Nur (huyện Krông Ana); Đồi cảnh quan Cư H’lâm (huyện Cư M’gar), Khu du lịch văn hóa – sinh thái Suối Xanh (TP. Buôn Ma Thuột)... Những dự án này chắc chắn sẽ tạo nên diện mạo, vị thế mới cho du lịch Đắk Lắk trong những năm tiếp theo – và hơn thế còn góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan môi trường vốn đa dạng và giàu bản sắc của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn. 

Du khách tìm hiểu về các loại nhạc cụ truyền thống Êđê. Ảnh Hữu Hùng

 

“Từ vai trò kiến tạo của nhà nước được thể hiện qua chủ trương, chính sách trên đã từng bước thúc đẩy, giải phóng sức mạnh nội khối ngành du lịch ở đây để làm nên bức tranh du lịch Đắk Lắk với những gam màu tươi sáng hơn”.

 

 
Bà  Nguyễn Thị Ngọc Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ thêm rằng, có thời gian dài việc xúc tiến, quảng bá và thu hút đầu tư tồn tại nhiều “nút thắt” khiến nhà đầu tư nản lòng. Đó là chính sách cho thuê đất, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được ưu đãi, hoặc chậm được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, tác động bất lợi đến đời sống, cũng như cảnh quan môi trường nhưng chưa được cơ quan quản lý nhà nước quyết tâm vào cuộc nhằm chấn chỉnh, khắc phục bằng các giải pháp căn cơ, hài hòa và bền vững. Đến nay, những hạn chế này hiện đang được chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng từng bước khắc phục bằng nhiều quyết sách phù hợp, kịp thời như rà soát, đánh giá việc chuyển đổi mục đích sử dụng tài nguyên (đất, rừng) phục vụ mục tiêu phát triển du lịch theo hướng hài hòa, hợp lý và hiệu quả hơn. Đồng thời nhiều chính sách, giải pháp về bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cũng được quan tâm, đẩy mạnh để dần hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức sống và sự lan tỏa dài lâu, sâu đậm hơn. Vấn đề quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên nước trên các hệ thống sông, suối, hồ, thác (nhất là đối với những danh thắng được xếp hạng) đã được tăng cường kiểm soát và điều phối lợi ích giữa các ngành nghề,  trong đó ưu tiên cho ngành du lịch nhiều hơn, chứ không còn tư duy “đánh đổi” bằng mọi giá như trước.      

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng đã “kề vai, sát cánh” cùng doanh nghiệp làm du lịch tìm giải pháp củng cố, quy hoạch lại sản phẩm du lịch tại các khu –  điểm trọng tâm. Cụ thể, trên địa bàn các địa phương Buôn Đôn, Lắk, Cư M’gar, Krông Bông, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai thực hiện 8 đợt khảo sát, đánh giá toàn diện hoạt động du lịch ở đây do Sở chủ quản phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện trong năm 2018. Qua đó, trong vai trò là hạt nhân, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đã thắt chặt mối hợp tác, liên kết giữa các đơn vị làm du lịch với nhau, giữa doanh nghiệp với cộng đồng để chia sẻ, xây dựng nên nhiều sản phẩm không trùng lặp, chồng chéo tại mỗi tour – tuyến du lịch trên địa bàn Đắk Lắk và xa hơn là trong khu vực, vùng miền trong cả nước nhằm thu hút du khách lẫn nhà đầu tư đến với vùng đất này ngày càng nhiều hơn.

                    Phương Đình

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ