A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Làn sóng mới từ du lịch chăm sóc sức khỏe

15:20 | 26/04/2019

Cảnh quan thiên nhiên vượt trội, hệ thống khách sạn và resort cao cấp nở rộ ở các điểm đến nổi tiếng là cơ hội để Việt Nam khai thác loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe

Nhiều chuyên gia đã nhận định như vậy tại Diễn đàn Giám đốc điều hành ngành khách sạn Việt Nam (CEOTalks) tổ chức ngày 25-4 ở TP HCM.

Đón khách chi tiêu cao

Du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness) là mô hình du lịch khá mới mẻ, giúp du khách trải nghiệm chăm sóc sức khỏe, cân bằng cảm xúc trong tâm hồn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết trên thế giới, du lịch wellness không còn là xu hướng đầu tư ngắn hạn mà đã trở thành định hướng tư duy phát triển dài hạn trong kinh doanh dịch vụ khách sạn. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đã tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, ưu tiên yếu tố sức khỏe để thu hút du khách.

Nếu năm 2013, du lịch wellness có mặt ở 63 quốc gia thì 5 năm sau, con số này là hơn 100 quốc gia. Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển mạnh mẽ xu hướng mới này. Theo chuyên trang du lịch Wego và Trust You, Hà Nội và Hội An là 2 TP được đánh giá cao với các yếu tố phù hợp với mong muốn du lịch wellness của du khách, lọt vào nhóm 10 TP du lịch tốt nhất thế giới về lĩnh vực này tại châu Á.

Du khách tận hưởng khung cảnh sông nước êm đềm ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam

"Thủ đô Hà Nội nhận được 87,37% phản hồi tích cực từ du khách, được yêu thích qua những con phố với hàng cây trải dài, di tích lịch sử ẩn mình trong phố và không khí yên bình vào sáng sớm hay tối muộn" - bà Hoa dẫn chứng.

Theo các chuyên gia, du lịch wellness đòi hỏi du khách có mức chi tiêu cao với những dịch vụ chuyên biệt và đặc thù cho khách hàng. Báo cáo của Global Wellnes Institute (Viện Sức khỏe toàn cầu) cho thấy thị trường du lịch wellness đạt mức 639 tỉ USD vào năm 2017 và con số này có thể đạt mức 919 tỉ USD vào năm 2022, chiếm 18% tỉ trọng thị trường du lịch toàn thế giới.

Bà Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch - cho biết năm 2018, Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế và 80 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 620.000 tỉ đồng, đóng góp khoảng 8% vào GDP. Để phục vụ lượng khách này và thu hút thêm nhiều triệu lượt du khách khác, Việt Nam cần sản phẩm dịch vụ cung ứng mới mẻ, hấp dẫn, trong đó có loại hình du lịch wellness.

Tạo sự khác biệt

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, giai đoạn 2013-2018, các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch tăng trưởng mạnh. Nhiều phân khúc khách sạn nghỉ dưỡng, resort, biệt thự… chất lượng cao từ 3 sao trở lên xuất hiện ngày càng nhiều, ở cả vùng sâu, vùng xa.

"Khoảng 2 năm gần đây, có sự thay đổi rất lớn ở các cơ sở làm du lịch. Phòng tập gym, yoga mở ra nhiều hơn, rồi dịch vụ giải trí ngoài trời kết hợp cả truyền thống, hiện đại; massage sử dụng sản phẩm hữu cơ, thảo dược… với mô hình khác nhau cho khách trải nghiệm. Ngành du lịch, khách sạn đã có xu hướng nâng cao nhu cầu trải nghiệm của khách" - bà Nguyễn Thanh Bình nhận xét.

Đáng lưu ý, không chỉ khách quốc tế mà khách nội địa cũng có nhu cầu chăm sóc, hồi phục sức khỏe khi đi du lịch. Do đó, số lượng trung tâm chăm sóc sức khỏe mở ra ngày càng nhiều, cho thấy tiềm năng của thị trường. Trong bối cảnh này, theo các chuyên gia, doanh nghiệp nào nắm bắt được xu hướng và đón đầu, có sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách sẽ tạo khác biệt trên thị trường.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotel khu vực Đông Nam Á, cho rằng ngành du lịch Việt Nam cần tăng cường chất lượng dịch vụ, sản phẩm để đạt mục tiêu đón 30 triệu khách quốc tế vào những năm tới. Với tổng nguồn cung căn hộ cả nước thêm khoảng 33.000 căn trong 2-3 năm tới, Việt Nam hiện chỉ xếp sau Trung Quốc, Nhật Bản về nguồn cung căn hộ mới. Lúc này, nếu ngành du lịch khai thác theo hướng có thêm sản phẩm đặc trưng, hướng đến trải nghiệm của khách hàng như wellness sẽ tạo nên sự khác biệt, cạnh tranh so với điểm đến khác trong khu vực.

"Có rất nhiều khách sạn, resort cao cấp nhưng doanh nghiệp muốn thu hút du khách thì cần nghiên cứu nhu cầu trải nghiệm của họ để có sản phẩm dịch vụ tốt nhất" - ông Mauro Gasparotti lưu ý.

Bà Châu Thị Hoàng Mai, Tổng Giám đốc Alba Spa Hotel and Alba Hotel, cho rằng khó khăn của doanh nghiệp khi làm du lịch wellness là kiến thức và tiêu chuẩn. Việt Nam hiện có tiêu chuẩn khách sạn 3-5 sao nhưng chưa có tiêu chuẩn nào cho chăm sóc sức khỏe, thường thì doanh nghiệp phải trông chờ vào chuyên gia tư vấn và dựa trên trải nghiệm của khách hàng.

Bài và ảnh: LINH ANH

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ