A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hãy để voi phát triển một cách tự nhiên nhất có thể!

09:35 | 25/07/2020

Là một người yêu voi, chứng kiến thực trạng khai thác sức voi ở các khu du lịch, trong đó có một số điểm tại tỉnh Đắk Lắk,...

... chị Dionne Slagter, người Hà Lan - chuyên gia Quản lý phúc lợi động vật của Tổ chức Động vật châu Á, luôn phản ứng kịch liệt khi người lạ tiếp cận loài voi.

Hằng ngày tiếp cận, gần gũi (tiếp xúc trực tiếp khi chăm voi bị thương, theo dõi voi qua máy ảnh, máy quay…), chị Dionne Slagter hiểu nhiều về tâm, sinh lý của voi. Do đó, khi gặp gỡ với mọi người, chị đều gửi lời nhắn nhủ “Hãy để voi sinh hoạt, phát triển một cách tự nhiên nhất có thể!”.

Thực tế quan sát tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, nhiều nhất là huyện Lắk và Buôn Đôn, tình trạng các chủ voi, đơn vị du lịch khai thác sức voi quá mức vẫn diễn ra hằng ngày. Qua câu chuyện của một chủ voi ở Buôn Đôn, tôi được biết mức thu nhập từ hoạt động cưỡi voi dao động từ 15 – 20 triệu đồng/tháng, vào cao điểm lễ, Tết, hè có thể lên đến hơn 30 triệu đồng từ dịch vụ liên quan đến voi (cũng chủ yếu là cưỡi voi).

Để đạt được con số 30 triệu đồng/tháng, bản thân voi phải cõng 100 lượt du khách trên lưng. Cứ thế, năm này qua năm khác, tổng số lượt một con voi phục vụ khách du lịch  lên đến hàng nghìn lần. Quay lại câu chuyện của chị Dionne Slagter, với mức thu nhập từ dịch vụ cưỡi voi, nếu trả phí theo mức này thì không có dự án nào đủ nguồn để chi trả cho hộ nuôi voi, để voi không phải làm du lịch theo hình thức như hiện nay.

Voi phục vụ khách du lịch khu vực hồ Lắk (huyện Lắk)

Thêm vào đó, môi trường sống của voi là rừng tự nhiên, trong khi thực tế các cánh rừng ngày càng bị thu hẹp, nguồn thức ăn, nước uống gần như cạn kiệt, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sinh hoạt của loài voi. Do đó, dù được nuôi dưỡng, thuần phục từ nhỏ, nhưng bản năng tự nhiên của voi vẫn tồn tại. Minh chứng vào cuối tháng 5-2020, một quản tượng ở huyện Lắk bị voi húc tử vong, mới đây 3 du khách bị voi ở Trung tâm Du lịch Buôn Đôn húc bị thương… Đó là hồi chuông cảnh báo về sự xung đột giữa voi – người mà mọi nhận định đều đã có từ trước nay. Như tiết lộ của một nài voi tại huyện Lắk, dù gần voi mấy chục năm nay, nhưng đến mùa động dục thì tuyệt đối phải tránh việc ngồi lên voi để bảo đảm tính mạng.

Qua những câu chuyện trên có thể thấy, nếu cứ “dồn” loài voi sống, làm việc theo kiểu của con người thì câu chuyện nhói lòng về xung đột voi – người khó tránh khỏi. Với voi nhà thì dẫn đến hậu quả như trường hợp quản tượng ở huyện Lắk, các du khách ở huyện Buôn Đôn. Với voi rừng minh chứng là những vụ tàn phá hoa màu, nương rẫy của các hộ dân, không ai dám chắc bảo đảm tính mạng khi bị chúng tấn công… Do đó, công tác bảo tồn voi không chỉ là trách nhiệm của một cơ quan, ban ngành, địa phương còn đòi hỏi từ ý thức, nhận thức của mỗi cá nhân… đến hành động mà trước tiên là “Hãy để voi sinh hoạt, phát triển một cách tự nhiên nhất có thể!".

Xuân Trường

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3541/202007/hay-de-voi-phat-trien-mot-cach-tu-nhien-nhat-co-the-5692296/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ