A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch Công viên địa chất Đắk Nông

15:48 | 04/01/2021

Thời gian qua, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã hướng người dân trên địa bàn sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch Công viên địa chất Đắk Nông.

Bên cạnh việc định hướng phát triển các tuyến tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch canh nông cũng là mô hình phát triển bền vững, tạo sinh kế cho cư dân sinh sống trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông.

Đến nay, trên địa bàn đã hình thành cánh đồng sản xuất lúa VietGAP ở xã Buôn Choáh với diện tích trên 600 ha; mô hình “Bơ núi lửa Krông Nô”; mô hình sản xuất cà phê theo chuẩn 4C, UTZ, cây dược liệu…

Cây bơ được huyện Krông Nô xây dựng nhãn hiệu để đưa vào chuỗi sản phẩm phục vụ du lịch Công viên địa chất Đắk Nông

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Krông Nô, huyện đã xây dựng Đề án “Sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch homestay, kết hợp với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Krông Nô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đề án nhằm thu hút du lịch, góp phần gia tăng giá trị và đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Huyện đã hỗ trợ các xã trên địa bàn tận dụng các lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, phù hợp theo từng vùng.

Từ khi triển khai theo ý tưởng này, các mô hình sản xuất lúa, bơ đã mang lại hiệu quả, uy tín, chất lượng sản phẩm được thị trường tiêu thụ đón nhận. Chẳng hạn mô hình lúa VietGAP, để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng lúa thương phẩm, huyện đã khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư, liên kết cùng với nông dân hợp tác sản xuất.

Ông Trần Hồng Nhật, Phó Giám đốc Công ty Tăng trưởng xanh Toàn cầu (Đắk Lắk) cho biết, năm 2020, Công ty đã phối hợp với Hội Nông dân Đắk Nông phát triển vùng sản xuất lúa tập trung tại Buôn Choáh.

Công ty xác định, đây là vùng có lợi thế về cây lúa nước, nên chọn 304 hộ, với diện tích 440 ha tham gia chương trình lúa VietGAP. Khi thành công ở mô hình này, công ty mong Hội Nông dân tỉnh cùng với bà con nông dân hỗ trợ, đồng hành để phấn đấu đạt được các tiêu chí cao hơn như GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ…

Theo ông Nhật, sản xuất VietGAP sẽ giúp cho sản phẩm bảo đảm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp cho người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm.

Bà Trị Vân Hoa, Tổng Giám đốc Công ty Nam Quốc Minh Global (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, công ty đã gắn bó với bà con nông dân Đắk Nông trong nhiều năm qua. Công ty thường xuyên đi đến các vùng sản xuất trên địa bàn tìm các sản phẩm nông nghiệp tốt để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Qua đó, công ty đã gặp được đồng bào xã Buôn Choáh với sản phẩm gạo ST24 chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. "Lúa ST 24 của Buôn Choáh đặc đặc biệt ở chỗ, nó được trồng trên vùng đất núi lửa bazan, đây là điều hết sức đặc biệt, chỉ ở Krông Nô mới có", bà Hoa chia sẻ.

Người dân thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh (Krông Nô) thu hoạch lúa

Vụ đông xuân này, công ty đã hỗ trợ 20 tấn giống lúa ST25 cho nông dân Krông Nô sản xuất. Theo ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, sau khi mô hình “cánh đồng mẫu” sản xuất lúa VietGAP tại Buôn Choáh thành công, địa phương sẽ khảo sát áp dụng tại các xã Nâm N’đir, Đắk D’rô… Những xã này là địa bàn lân cận, bao quanh khu vực Công viên địa chất Đắk Nông.

Ngoài ra, Krông Nô cũng đã chọn cây bơ để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh Công viên địa chất Đắk Nông. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã thống nhất cho Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Krông Nô sử dụng địa danh “Krông Nô” trong nhãn hiệu “Bơ núi lửa Krông Nô” cùng với hình ảnh tiêu biểu của địa danh.

Hiện nay, huyện Krông Nô đang triển khai mô hình sản xuất bơ theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã như: Quảng Phú (11,5 ha), Tân Thành (1 ha), Nam Đà (1 ha). Huyện đã thành lập Hội bơ Krông Nô với 27 thành viên trên diện tích 87 ha. Tổng diện tích bơ trên địa bàn huyện đến nay đã đạt 135 ha, trong đó diện tích kinh doanh là 76 ha, năng suất trung bình đạt 20 tấn/ha.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô, việc thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với Công viên địa chất Đắk Nông sẽ có tác động tích cực đối với người dân tại địa phương.

Quan trọng hơn, khi sản phẩm nông nghiệp của địa phương có thương hiệu sẽ góp phần nâng cao giá trị, có thêm nhiều thị trường tiêu thụ. Việc này thu hút sự tham gia đầu tư của người dân, doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm tại địa phương.

Ngoài ra, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị lúa, bơ… sẽ giúp gia tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật, giá trị sản phẩm, thu hút được sự tham gia của du khách muốn tham quan, trải nghiệm với nghề sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Thành Tâm

Bài viết gốc: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/phat-trien-nong-nghiep-gan-voi-du-lich-cong-vien-dia-chat-dak-nong-83966.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ