A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc

07:21 | 29/09/2014

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, mỗi bước chân đi, chúng ta lại có thêm được những bài học, những kinh nghiệm...

...Và đối với ngành du lịch, đằng sau “sàng khôn” với biết bao trải nghiệm và khám phá ấy là một tình yêu - Tình yêu đối với thiên nhiên, đất nước, con người mỗi nơi ta đã đi qua.

Trải nghiệm và khám phá

Tràng An. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Tràng An. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng.

Tham gia hành trình khảo sát, làm việc của đoàn công tác do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng cục Du lịch - Bộ VHTTDL phối hợp tổ chức từ ngày 31/7 đến 02/8 tại Ninh Bình và Thanh Hoá, điều đầu tiên có thể cảm nhận được đó là tình yêu của những người làm du lịch. Từ Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn tới Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương cho đến các cán bộ, nhân viên khác. Đó không chỉ là tình yêu nghề nghiệp, mà hơn thế, đó còn là tình yêu quê hương đất nước, con người của những người may mắn hơn bao người khác với những cơ hội được đi, được trải nghiệm trên khắp các điểm đến của đất nước.

Đây không phải lần đầu tiên tác giả bài viết đặt chân tới Ninh Bình, nhưng ấn tượng về một thành phố du lịch đã ngay lập tức choáng ngập với những điểm đến như Cố đô Hoa Lư, Khu văn hoá tâm linh chùa Bái Đính và đặc biệt là Di sản văn hoá, thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An vừa được UNESCO vinh danh mới đây… Cùng với nhiều tuyến điểm du lịch đã và đang đưa vào khai thác, một số khác đang quy hoạch như: Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, đền Nội Lâm (đền Trần), đền thánh Nguyễn, Thung Nắng, động Thiên Hà, hồ Đồng Thái… sẽ là những thế mạnh, tiềm năng phong phú để Ninh Bình phát triển du lịch.

Ghé thăm Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, du khách không khỏi thán phục trước bàn tay tài hoa, trí thông minh của người Việt xưa đã dựng nên toà thành đá kỳ vĩ ở thế kỷ XIV. Đây là tòa thành đá đồ sộ, được xây dựng trong điều kiện kỹ thuật thô sơ lúc bấy giờ mà người xưa vẫn khéo léo xếp những tảng đá 10 - 20 tấn vuông vức không cần chất kết dính, đến nay vẫn là điều kỳ thú cho hậu thế nghiên cứu, khám phá.

Một điểm đến đặc biệt nữa là Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (thuộc huyện Thọ Xuân) - nơi yên nghỉ của các vua Lê cùng Hoàng hậu và cũng là hành cung của vua tôi nhà Lê mỗi dịp bái yết Sơn Lăng (được xây dựng thế kỷ XV). Dâng hương tưởng niệm các Vua và Hoàng hậu triều Lê tại Thái miếu, chiêm quan lăng tẩm, bia ký, đoàn còn được khám phá không gian thiên nhiên rộng mở: núi Dầu, núi Mục, sông Chu, sông Ngọc, hồ Tây, hồ Như Áng…

Không thể không nhắc đến Sầm Sơn - điểm dừng chân cuối trong hành trình khảo sát - nơi đây cũng đem đến cho Đoàn những trải nghiệm mới mẻ về một bãi biển nổi tiếng từ hơn 100 năm nay. Không còn những lộn xộn, chèo kéo, chặt chém, người Sầm Sơn làm du lịch ngày một chuyên nghiệp hơn với những bảng niêm yết giá công khai, những lời mời chào nhã nhặn và nụ cười thường trực trên môi.

Những điều kể trên có thể không còn mới mẻ với nhiều người ham thích đi du lịch, nhưng chắc hẳn họ cũng đồng thuận mà chia sẻ rằng, sẽ thú vị hơn rất nhiều khi được trải nghiệm, được tắm mình trong mênh mang sóng nước Tràng An, được nếm trải cảm giác hồi hộp khi thuyền tiến vào lòng hang sâu thẳm, chiêm ngưỡng hình thù kỳ lạ của những nhũ đá trong hang và cảm nhận vẻ đẹp non nước hữu tình, để thấy lòng mình bình yên giữa cuộc đời. Đó là điều mà không một tấm hình, không một thước phim nào có thể mang lại được, trừ khi chúng ta trực tiếp trải nghiệm mà thôi!

Làm du lịch không thể “ăn xổi”

Không giống như bất cứ chuyến du lịch nào, hành trình khảo sát, làm việc của đoàn được bắt đầu với những chia sẻ rất thẳng thắn, chân tình của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn và khép lại với những trao đổi cởi mở và ấm tình của những người yêu du lịch, tâm huyết với sự phát triển du lịch nước nhà trong buổi Toạ đàm công tác tuyên truyền, quảng bá Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa và Di sản thế giới Tràng An - Ninh Bình diễn ra tại TP. Thanh Hoá.

Hầu hết các đại biểu tại Toạ đàm đều nhất trí cho rằng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và địa phương, trong đó báo chí đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh điểm đến của Việt Nam nói chung, của các địa phương nói riêng tới du khách trong và ngoài nước.

Theo Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, làm du lịch phải đầu tư công phu, bài bản với một tầm nhìn xa chứ không thể làm theo lối “ăn xổi ở thì”. Điều này cũng giống như trồng cây hôm nay cho trái ngọt ngày mai. Người dân phải là chủ thể, phải trực tiếp tham gia làm du lịch, phải thấy trong mỗi sản phẩm du lịch có quyền lợi, trách nhiệm của mình trong đó, có vậy, mới tham gia làm du lịch bền vững.

Bên cạnh đó, khẩu hiệu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” cần được thực hiện triệt để, nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, du lịch của đất nước, cùng với đó là tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các điểm đến, các tuyến du lịch trọng điểm để thu hút lượng du khách lớn hơn nữa đến với các địa phương.

Riêng đối với Thanh Hoá, cần chú trọng đầu tư hiệu quả, mang tính chiều sâu và tạo thương hiệu bền vững trong các sản phẩm du lịch của tỉnh, để Năm Du lịch quốc gia Thanh Hoá - 2015 thực sự là “cú hích” quảng bá xúc tiến liên kết giữa các tỉnh trong khu vực, tạo ra diện mạo mới cho Du lịch Thanh Hoá.

Song Nguyên

    Nguồn: Langvietonline.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ