A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khi kịch bản vay mượn

10:00 | 12/10/2018

Đành rằng giải trí nay đã thành công nghệ, nhưng với việc thiếu kịch bản điện ảnh, truyền hình trong những năm gần đây tới mức phải đi mua kịch bản từ nước ngoài về dựng theo kiểu “sao y bản chính” lại là việc khác. Ngoài việc mang lại doanh thu cho

Bộ phim “Hậu duệ Mặt trời” phiên bản Việt sau khi phát sóng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Thực tế thì nhờ kịch bản mua về mà những bộ phim Việt hóa đã tạo ra được những hiệu ứng mà nếu kịch bản thuần Việt sẽ không có được. Không chỉ tạo được doanh thu, rating cao mà nhiều bộ phim còn tạo nên “cơn sốt” hiếm có cho khán giả phim Việt. Các câu thoại, hình ảnh của phim tràn ngập mạng xã hội như một trào lưu thực thụ.

Ví dụ như bộ phim “Em là bà nội của anh” kịch bản mua từ nước ngoài là bộ phim đã có những kỉ lục phòng vé. Hay hai bộ phim truyền hình Việt hoá từ nguyên tác của nước ngoài là “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” đã thực sự “gây bão” trong cộng đồng mạng. 

Tuy nhiên, mừng cho khán giả nhưng lại thấy tiếc nuối cho phim Việt. Với thực tế này đang “gióng lên” hồi chuông về vấn đề yếu và thiếu kịch bản phim thuần Việt. Bởi ngay trên các kênh sóng truyền hình nhưng bộ phim thu hút được nhiều khán giả đều liên quan kịch bản ngoại hay cốt truyện ngoại. Danh mục phim điện ảnh Việt ra rạp “ăn khách” cũng lại là từ kịch bản ngoại được Việt hóa.

Chính với thực tế này dẫn đến một thực trạng là các nhà sản xuất chỉ chăm chăm săn lùng kịch bản ngoại để làm lại nhằm đạt doanh thu cao. Điều này khiến đội ngũ biên kịch trong nước vốn ít, yếu kém ngày càng thu hẹp và không phát triển tay nghề, quan trọng hơn là tạo ra nền điện ảnh thiếu bản sắc.  

Mới đây, bộ phim “đình đám” của điện ảnh Hàn Quốc “Hậu duệ Mặt trời” đã được Việt hóa với nội dung, bối cảnh rất Việt Nam. Thế nhưng chỉ sau vài tập phát sóng, những điểm yếu trong sự sáng tạo đã lộ rõ, bên cạnh vô số những “hạt sạn” được chính khán giả phân tích. Nếu so sánh thì giữa phiên bản Việt và Hàn giống nhau đến từng phân cảnh. Bên cạnh đó, tạo hình nhân vật từ trang phục, phong cách đến kiểu tóc cũng copy từ bản gốc. Đặc biệt, sự cứng nhắc trong chuyển thể kịch bản cũng góp phần làm cho hình ảnh người lính Quân đội nhân dân Việt Nam trở nên xa lạ với thực tế.

Đơn cử, bối cảnh của “Hậu duệ Mặt trời” là ở đất nước giả định Uruk, nơi các quân nhân Hàn Quốc hoạt động trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trên đất nước giả định đó, người xem có thể dễ dàng chấp nhận sự bất ổn của một quốc gia đang phải cầu viện đến lực lượng gìn giữ hòa bình. Còn bối cảnh của phiên bản Việt Nam lại là trên lãnh thổ Việt Nam, với người lính Việt Nam. Việc “sao y bản chính” kịch bản Hàn Quốc vào bối cảnh Việt Nam, dẫn đến phát sinh nhiều tình huống vô lí.

Xung quanh câu chuyện này, theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: “Thực ra, việc mua kịch bản của nước ngoài để Việt hóa không phải là hiện tượng mới. Hàng chục năm trước, có những công ty truyền thông đã mua cả loạt kịch bản của Thái Lan để Việt hóa, và cũng đạt một mức rating đáng mơ ước. Sau đó, nhiều nhà sản xuất khác cũng đã mua các kịch bản từ châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... để Việt hóa. Tuy nhiên, đáng tiếc là phần lớn các phim này đã không thành công khiến có một giai đoạn các đài truyền hình buộc phải từ chối loại phim này”.

Cũng theo bà Nhã việc làm phim bằng kịch bản nước ngoài thực ra có cái lợi nhưng cũng là thử thách không dễ vượt qua. Bởi khi ta chọn mua một tác phẩm văn học hay một kịch bản hoàn chỉnh của nước ngoài thì có lẽ các nhà nhập khẩu đã chọn lựa rất kỹ, vì thế, truyện phim đương nhiên hấp dẫn, gay cấn. Điều này sẽ khiến cho ê kíp thực hiện được nâng cao tay nghề, lĩnh hội được kỹ thuật xây dựng kịch tính vốn đã là nguyên tắc tất yếu trong sách vở nhưng đã bị bỏ qua...

Đó là cái lợi. Nhưng cái thách thức cũng rất cận kề, đó là trình độ Việt hóa. Vì đó là câu chuyện của người nước ngoài với những nguyên tắc sống, tâm sinh lý của dân tộc khác, điều kiện sống của một xã hội khác... vì vậy, để người xem Việt Nam chấp nhận đây là câu chuyện của chính họ thật không dễ dàng.

“Thực ra khán giả không mấy người quan tâm đến việc phim hay kịch bản này có nguồn gốc từ đâu. Người xem chỉ cảm nhận hay hoặc không. Còn việc xem xét nguồn kịch bản là việc của các nhà chuyên môn. Và tôi cho đây là động thái tích cực bởi có nhận ra sự thua kém của mình về mặt nào đó thì mới có thể tự bù đắp, bồi dưỡng, hoàn thiện chính mình” - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ... 

Tựu trung lại, không phải bỗng dưng phim Việt hóa lại trở nên rầm rộ trong thời gian qua. Nhưng thật đáng lo ngại khi mà một nền điện ảnh và truyền hình bước vào thời kỳ hội nhập bằng cách mua kịch bản nước ngoài về chắp vá thành phim Việt. Trong khi Hàn Quốc đã làm mưa làm gió trên thế giới bằng làn sóng phim Hàn, thì chúng ta, đến khâu kịch bản cũng không tự có được. Chúng ta tự hào về truyền thống, vậy thì nó sẽ ở đâu trong những bộ phim mua kịch bản nước ngoài?     

    Minh Quân

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ