A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cân nhắc khói thuốc trong nghệ thuật biểu diễn

09:16 | 05/11/2018

Từ ngày 15/11, Thông tư 25 về việc “hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh” do Bộ VH-TT-DL ban hành, chính thức có hiệu lực.

Hình ảnh trong phim “Người phán xử” có bị hạn chế bởi thông tư 25 không?

Lâu nay, nhiều người đã bày tỏ băn khoăn khi chứng kiến những không gian kịch nói có khói thuốc bay vòng vèo từ vị trí diễn viên xuống tận chỗ ngồi khán giả, hoặc những bộ phim mà nhân vật cứ rít hết điếu thuốc nọ đến điếu thuốc kia mà không nảy sinh bất kỳ khái niệm thẩm mỹ hoặc tư tưởng gì! Lạm dụng khói thuốc để bày tỏ tâm trạng cho sự bế tắc về xúc cảm nghệ thuật là một điều không đáng ủng hộ. Thông tư 25 một lần nữa nhắc nhở nghệ sĩ đắn đo với nhu cầu sử dụng hình ảnh khói thuốc. Tuy nhiên, xung quanh khói thuốc hư ảo nửa nghệ thuật nửa đời thường, có một số góc độ phải ứng xử linh hoạt.

Thông tư 25 quy định không sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong các trường hợp ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá; hoặc hể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em. Đồng thời, thông tư 25 cũng quy định diễn viên được sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong tác phẩm sân khấu trong các trường hợp sau đây: khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật, tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định, hoặc phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá… Và quan trọng hơn là “khi sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật, diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật trên sân khấu”.

Tuy nhiên, ở thông tư 25 viện dẫn quy định hạn chế thuốc lá trong tác phẩm nghệ thuật vì “thể hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 và hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hút thuốc lá quy định tại Điều 13 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá” là chưa thấu tình đạt lý. Tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo, chứ không phải phiên bản sao chép trọn vẹn của đời sống. Những thứ cấm ở đời, không thể cũng cấm trong phim hoặc trên kịch. Giá trị biểu cảm và giá trị ước lệ là những thủ pháp nghề nghiệp mà một tác phẩm nghệ thuật phải tính toán một cách cụ thể. Nhìn theo tiêu chuẩn thông tin, thuốc lá cũng giống như tình dục hoặc bạo lực, nếu cấm thể hiện một cách máy móc thì sẽ triệt tiêu nhiều ý tưởng nghệ thuật nhạy bén và hấp dẫn.

Thông tư 25 hạn chế hình ảnh hút thuốc trên điện ảnh và sân khấu nước nhà, thì sẽ xây dựng rào cản ra sao đối với những tác phẩm nước ngoài? Có lẽ, tác phẩm nội lẫn tác phẩm ngoài đều phải chấp nhận “trường hợp phim có nhiều cảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, thì việc phổ biến phim phải được phân loại để phổ biến theo lứa tuổi phù hợp, có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh”. Bởi lẽ, nếu không thống nhất quản lý, sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ ngoài ý muốn vì mỗi tác phẩm đều liên quan đến bản quyền và những ràng buộc pháp lý khác. Ngược lại, nếu kiểm soát hình ảnh thuốc lá trên màn ảnh bằng cách dùng kỹ thuật biên tập để xoá mờ những cảnh hút thuốc, thì ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ của từng cảnh quay.

Thuốc lá đang ngày càng được kiểm soát gắt gao trong đời sống. Có lẽ đã đến lúc những tác phẩm nghệ thuật cũng nên tìm kiếm những kỹ năng diễn xuất mới mẻ hơn khi muốn phản ánh tâm trạng suy tư của nhân vật, không cứ phải bập phà điếu thuốc trên môi!

TUY HÒA

 

    nguồn “nongnghiep.vn”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ