A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Âm nhạc thời kỳ kinh tế thị trường

09:18 | 23/02/2019

Những năm gần đây, kinh tế thị trường đã tác động mạnh đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn từ khâu sáng tác, dàn dựng cho đến chế độ chính sách đối với các đơn vị biểu diễn. Dưới tác động này, âm nhạc Việt đang vấp phải những khó khăn thách thức và cả

“Lệch chuẩn” nghệ thuật

Hiện nay, cả nước có khoảng 140 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc Bộ VHTTDL và Sở VHTT, VHTTDL ở 63 tỉnh thành. Những năm qua, dưới tác động của kinh tế thị trường các đơn vị nghệ thuật tại Việt Nam đang dần có sự thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế xã hội. Ở đó, do nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng đa dạng, đòi hỏi các nghệ sĩ, ca sĩ, đoàn nghệ thuật luôn phải đổi mới tiết mục, hình thức biểu diễn. Chính vì lý do này mà quy luật giá trị đã phát huy tính năng động trong hoạt động biểu diễn thì lợi nhuận tối đa và tính chất thương mại hóa nghệ thuật đã trở thành mục đích kiếm sống, làm giàu cho một số nghệ sĩ và đơn vị nghệ thuật.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phân tích: “Họ tổ chức những chương trình nghệ thuật chạy theo mục đích thương mại tầm thường nhằm phục vụ số khán giả nhiều tiền nhưng kém về thị hiếu. Kết quả sinh ra những tác phẩm chiều lòng khán giả như ca nhạc thập cẩm rẻ tiền, tấu hài, tục tữu, cải lương sướt mướt, sến…”

Cũng theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, điều nghịch lý là những loại chương trình này lại được một bộ phận công chúng đón nhận và sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua vé giá cao. Hiện tượng này khiến môi trường văn hóa bị rối loạn và thước đo về giá trị nghệ thuật bị “lệch chuẩn”. Nhìn chung, ngoài những thành tựu đã đạt được, âm nhạc của Việt  Nam đang có biểu hiện chững lại, thậm chí tụt hậu, nguy cơ mất đi tính chuyên nghiệp. Bởi sự phát triển thiếu hài hòa, mất cân đối giữa các loại hình âm nhạc đã dẫn tới điều đó.

“Một đất nước chỉ có ca khúc và chỉ là ca khúc thịnh hành thôi thì sao có thể đại diện cho gia tài văn hóa để nói với mai sau và bạn bè thế giới. Trong thời đại mới, một nền âm nhạc tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì chỉ một thể loại ca khúc là chưa đủ. Hơn thế lại quá nghiêng về các ca khúc đại trà, ca khúc thịnh hành, mà ta quen gọi là nhạc trẻ lại càng tạo nên sự lệch lạc lớn”- nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.  

Báo động “đỏ”

Sự “lệch chuẩn” của âm nhạc Việt Nam trong nhiều năm qua ngoài tác động của kinh tế thị trường còn là những yếu tố khách quan và chủ quan. Đơn cử, ngay lĩnh vực đào tạo tài năng âm nhạc thực tế có lúc chững lại khi chế độ bao cấp cho hoạt động này bị cắt bỏ. Cụ thể, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP HCM đều có lúc rơi vào tình trạng này.

PGS.TS Lê Văn Toàn- nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dẫn chứng, cách đây không lâu, việc tuyển sinh đầu vào tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từng rơi vào tình trạng báo động “đỏ”. Thí sinh đăng ký tuyển đầu vào giảm sút, thậm chí không có thí sinh đăng ký tham gia ở một số chuyên ngành đào tạo biểu diễn âm nhạc. Để giải quyết vấn đề này Ban giám đốc Học viện đã linh hoạt hạ điểm đầu vào một số chuyên ngành đặc thù, quý hiếm tạo cơ chế hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên vùng sâu vùng xa… Vì thế tình trạng báo động “đỏ” dần được cải thiện, đào tạo tài năng âm nhạc chuyên nghiệp hướng tới mục tiêu đào tạo đỉnh cao cũng dần thoát khỏi tình trạng bế tắc. 

Tuy nhiên, cách thức của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng chỉ là một cách giải quyết tình thế. Bởi ngoài đào tạo thì trong hoạt động biểu diễn cho thấy một số chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống, giao hưởng, thính phòng… hiện nay đều hoạt động bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Nhưng không phải đơn vị nào cũng có thể “tự thân vận động” trong sự phát triển chung. Đơn cử như việc thành lập Dàn nhạc Dân tộc thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam mới mô hình hoạt động tự quản, kinh phí hoạt động theo mô hình xã hội hóa, nhà nước không bao cấp…

Nhưng do tình hình thắt chặt chi tiêu, việc đầu tư luyện tập không thường xuyên không đảm bảo dẫn tới Dàn nhạc đã bị giải thể. Đáng buồn, trước đó Dàn nhạc này đã từng có nhiều thành tích trong hoạt động biểu diễn, quảng bá nghệ thuật âm nhạc truyền thống ở trong nước và quốc tế. Và ông Toàn ngao ngán: “Rất tiếc, Dàn nhạc Dân tộc bị xóa sổ khi kinh phí hỗ trợ cho tập luyện, xây dựng chương trình mới không còn được duy trì như giai đoạn đầu…

Diện mạo âm nhạc truyền thống Việt Nam từng được quảng bá tới công chúng trong nước và bạn bè quốc tế nay không còn được tỏa sáng tới công chúng trong nước và quốc tế. Nguyên nhân là bởi mô hình xã hội hóa cho hoạt động dàn nhạc chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về lực lượng khung bộ máy vận hành, do thời gian ngắn, kinh phí cho sự khởi nghiệp chưa thực sự tốt”. 

Tựu trung, nền âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế thị trường. Còn đường đi này sẽ còn rất dài và gian truân vất vả. Ở đó, các đơn vị nghệ thuật hơn bao giờ hết cần có sự chủ động để tìm “đầu ra” cho các sản phẩm nghệ thuật của mình. Bởi nếu có sự hỗ trợ chung sức của các đơn vị kinh tế, các tập đoàn mạnh trong nước sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao ra đời, qua đó có thể quảng bá rộng rãi đến công chúng. Từ sự tương hỗ này các đơn vị nghệ thuật sẽ tránh tình trạng lãng phí chất xám của các nhạc sĩ và cả tài năng của các nghệ sĩ được đào tạo chuyên nghiệp.     

    Minh Quân

    nguồn:( daiđoanket.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ