A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người thầy tận tâm

08:21 | 06/01/2014

Tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Đắk Lắk năm 1988, thầy giáo Lê Ngọc Hùng được phân công về giảng dạy tại trường Tiểu học Cư Kty (huyện Krông Bông, Đắk Lắk).

Hơn 20 năm qua, người thầy mẫu mực ấy luôn tận tâm với công tác trồng người. Từ năm học trước, thầy Hùng tình nguyện xuống giảng dạy tại Trường Tiểu học Cư Pui 2, cách nhà hơn 50 km, một trường ở vùng sâu với gần 100% học sinh (HS) là người dân tộc Mông.

Thầy Lê Ngọc Hùng với các em HS ở điểm trường Ea Rớ
Ảnh: Tùng Lâm
 

Khi còn ở Trường Tiểu học Cư Kty, thầy Hùng được phân công giảng dạy, làm Tổng phụ trách Đội, chuyên trách bổ túc rồi Chủ tịch Công đoàn… Về trường mới, thầy Hùng dạy lớp 1 ở điểm trường Ea Bar, HS hầu hết là người dân tộc Mông. Đa số các em chưa nói được tiếng Việt và rất hay nghỉ học. Nhận lớp rồi, thầy đã đến từng gia đình HS để tìm hiểu hoàn cảnh, động viên, hướng dẫn các em cách học. Ở trường, thầy tổ chức nhiều hoạt động vui chơi ngoài giờ lên lớp. Thầy lại tặng kẹo cho các em được điểm cao nhằm tạo niềm vui để các em ham thích đến trường.

Năm học này, thầy Hùng được phân công dạy lớp 5 ở điểm trường Ea Rớt, cách điểm chính gần 20 km. HS đa số là người dân tộc Mông, Mường, Dao. Lớp của thầy có một số em muốn nghỉ học. Nhà có 8 chị em nhưng chỉ mình mẹ đi làm thuê để kiếm sống nên em Lò Thị Vân muốn nghỉ học để đi làm thuê cùng mẹ; em Giàng Văn Thái, nhà ở xa trường, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn cũng muốn ở nhà giúp đỡ bố mẹ; em Thào Văn Lương không có tiền mua áo trắng để mặc đi học, không có tiền nộp mua sổ liên lạc, mua đồ dùng học tập... Biết được hoàn cảnh, thầy Hùng đã trích tiền lương của mình để mua tặng các em những chiếc áo trắng, nộp tiền quỹ lớp cho một số em… Thầy cũng đã vận động giáo viên trong điểm trường quyên góp quần áo của con em trong gia đình để tặng các em, với mong muốn các em tiếp tục được đến lớp. Em Thào Văn Lương - Lớp trưởng lớp 5C tâm sự: "Em là con lớn trong gia đình nên muốn ở nhà giúp đỡ bố mẹ làm nương rẫy. Biết được lý do, thầy Hùng đã nhiều lần đến gia đình em để phân tích, động viên em đi học. Thầy đã trích tiền lương để đóng tiền học phí cho em”.

Chính sự tâm huyết, cảm thông với hoàn cảnh gia đình và điều kiện học tập khó khăn của HS, thầy Hùng và giáo viên trong điểm trường đã cùng với ban tự quản thôn Ea Rớt thường xuyên đến những gia đình có HS bỏ học để động viên các em ra lớp.

Thầy còn tình nguyện dạy phụ đạo miễn phí cho gần chục HS yếu. Thầy Hùng tâm sự: "Đa số HS ở đây có hoàn cảnh gia đình rất nghèo, điều kiện học tập khó khăn. Các em chủ yếu học trên lớp, nhiều em bị hổng kiến thức. Tôi đã xin phép nhà trường xuống các đội trong thôn phụ đạo cho những em học yếu mỗi tuần 2 buổi nhằm củng cố lại kiến thức cho các em. Mong muốn bù đắp phần nào kiến thức để các em vững tin hằng ngày cắp sách đến trường”

 
Chất lượng GD dân tộc được nâng cao
 
Giao ban trực tuyến Vùng thi đua số 4 (gồm 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên là Bình Định, Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Nam và Quảng Ngãi) do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý chủ trì diễn ra hôm qua (3-1) tại hai đầu cầu Hà Nội và Đắk Lắk. 
 
Thứ trưởng Quý đánh giá cao kinh nghiệm nâng cao chất lượng GD dân tộc của Vùng. Đề nghị các Sở phối hợp với chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cho cán bộ, GV, HS, SV, đặc biệt HS ở lại trường đón Tết, đảm bảo an toàn, an ninh trong dịp Tết.
 
Với tư cách Trưởng Vùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Phan Hùng cho biết: Chất lượng GD dân tộc được nâng cao. Hệ thống trường lớp của các cấp học, ngành học trong vùng tiếp tục phát triển theo quy hoạch và nhu cầu thực tế từng tỉnh thành. Tuy nhiên vẫn còn 1.062 phòng học mượn tạm, số phòng chức năng, thư viện, phòng thí nghiệm còn thiếu so với yêu cầu.
 
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum Nguyễn Hóa cho biết: Tỉ lệ giáo viên ở bậc học mầm non của tỉnh chỉ đạt 1,12 giáo viên/lớp, trong khi Bình Định cũng chỉ đạt tỷ lệ 1,98 giáo viên THPT/ lớp. Việc thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non ảnh hưởng lớn đến chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 
 
Phương Anh
Tùng Lâm

 

    Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ