A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chưa quyết định bỏ điểm sàn

14:54 | 12/01/2017

“Tới thời điểm này tôi vẫn chưa quyết định có bỏ điểm sàn hay không. Tôi sẽ lắng nghe ý kiến một cách toàn diện nhưng không để rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.

Ảnh minh họa.

Cần thiết nhưng phải có lộ trình 

Trả lời về một trong những vấn đề giáo dục “nóng” nhất hiện nay chính là việc có bỏ điểm sàn hay không, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc bỏ là cần thiết nhưng phải có lộ trình. “Tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát và khi nào tôi tin quyết định bỏ điểm ngưỡng tối thiểu này là đúng thì sẽ ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định này” – ông Nhạ nói.  

Sự khẳng định của vị tư lệnh ngành giáo dục đã phần nào khiến dư luận bớt lo lắng về một quyết định vội vàng, thiếu nghiên cứu phù hợp với điều kiện nước nhà hay không mặc dù việc bỏ điểm sàn – ngưỡng tối thiểu vào ĐH hoàn toàn không mới ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, như phân tích của nhiều chuyên gia giáo dục, trong bối cảnh các trường ĐH của Việt Nam còn đang có sự chênh lệch lớn về chất lượng đào tạo, đặc biệt là việc kiểm định chất lượng giáo dục ĐH chưa được thực hiện đầy đủ thì câu hỏi liệu có “vỡ trận” khi cánh cổng ĐH được mở ra không giới hạn vẫn là vấn đề bức xúc. 

“Các trường vẫn nói về chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, giảng viên cơ hữu… Tuy nhiên, với hàng ngàn tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay, các trường hoàn toàn có thể tuyển thêm giảng viên để đảm bảo không vượt rào quy định tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Cuối cùng, chỉ người học là chịu thiệt” – một chuyên gia giáo dục nêu ý kiến. 

Nhìn nhận về các trường ĐH hiện nay, Bộ trưởng Nhạ cho rằng cơ sở vật chất còn là điểm yếu. Trong khi đó, sức của Bộ không thể rà soát hết được khả năng thực sự của hơn 300 trường ĐH hiện có. Vì vậy, chính các trường phải nâng cao ý thức và cái tâm của người làm giáo dục. 

Minh bạch thông tin thế nào? 

Theo phân tích của PGS,TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, học ĐH là quyền của mọi công dân. Tuy nhiên, chỉ khi các trường minh bạch thông tin, minh bạch phương thức tuyển sinh thì lúc đó mới có thể bỏ điểm sàn được. 

Điều này cũng được Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: “Trách nhiệm của các trường là minh bạch, trách nhiệm của Bộ là công khai những thông tin minh bạch đó và việc học là do họ (người học) quyết định”. 

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là quy định “3 công khai” Quy định về tính minh bạch của các cơ sở giáo dục công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân ban hành theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT năm 2009  không phải lúc nào cũng được thực hiện đầy đủ. Cụ thể, theo ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên thì có hiện tượng “3 công khai trên website có thể rất đẹp nhưng đi vào thực tế thì không phải như vậy, có thể phần nào coi là đánh lừa xã hội, cần phải quan tâm”.

Chia sẻ quan điểm này, ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương nhìn nhận hiện các trường chỉ mới cung cấp thông tin cho người học và xã hội theo các quy định “Ba công khai” mà thực tế cũng công khai chưa tốt. Còn việc công khai thông tin theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục đại học thì gần như tất cả các trường chưa làm được.

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, mặc dù Quy chế Ba công khai được ban hành từ năm 2009 song không được thực hiện một cách hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do vào thời điểm đó, chưa có những quy định chi tiết giúp các trường thực hiện việc này.

“Chẳng hạn quy định yêu cầu các trường công khai mục tiêu đào tạo, chương trình nhưng khi đó chưa có Luật GD ĐH để các trường xác định mục tiêu theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng. Hay yêu cầu quy định công khai chuẩn đầu ra khi đó chưa có khung trình độ quốc gia nên chuẩn đầu ra nên mỗi trường làm một kiểu. Chúng ta cũng không thể kiểm soát được” - ông Ga phân tích.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới đã có một nghiên cứu về “Minh bạch và công khai thông tin trong giáo dục đại học của Việt Nam”, thực hiện với 123 trường ĐH trong cả nước. Theo nghiên cứu này: Việc thực hiện Quy chế Ba công khai của các cơ sở giáo dục đại học chỉ tập trung vào nộp báo cáo cho Bộ thay vì công bố thông tin này trên trang thông tin điện tử của mình, như quy định bắt buộc.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra nhóm các trường ngoài công lập (tư thục) có chỉ số thấp nhất trong 4 nhóm trường được khảo sát trong việc minh bạch thông tin gồm: Thông tin chung về cơ sở giáo dục, thông tin về đào tạo, thông tin về nghiên cứu khoa học, thông tin về các dịch vụ dành cho sinh viên. 
Với những bất cập như vậy, nếu thí sinh và người nhà chỉ tìm hiểu thông tin để đăng ký xét tuyển vào ĐH qua các kênh chính thống, trong đó quan trọng nhất là website của nhà trường thì rõ ràng việc thiếu hụt thông tin, ít tin tức cập nhật và mức độ minh bạch, công khai yếu thì làm sao có đầy đủ cơ sở để chọn đúng trường, đúng ngành phù hợp. 

Vì vậy, bên cạnh các hàng lang pháp lý đã có, nghiên cứu đề xuất Bộ cần tăng cường  cơ chế giám sát và kiểm tra để vấn đề minh bạch thông tin được thực hiện thực chất, không chỉ là hình thức.     

Thu Hương

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ