A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cơ hội để thay đổi nhận thức về môn Ngoại ngữ

13:39 | 24/04/2017

Sau nhiều năm cân nhắc, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH năm 2017, Bộ GD-ĐT bắt buộc thi môn Ngoại ngữ. Quy định này là thách thức đối với học sinh, giáo viên và kể cả cán bộ quản lý ngành Giáo dục Đắk Lắk.

Tâm lý “không thi thì không học” tồn tại nhiều năm nay, vì vậy không chỉ học sinh không chịu học mà giáo viên cũng không đầu tư tìm tòi đổi mới cách dạy. Một giáo viên dạy tiếng Anh ở Trường THPT Hai Bà Trưng (thị xã Buôn Hồ) chia sẻ: “Lần đầu tiên thi môn Ngoại ngữ nên cả cô và trò đều thấy bỡ ngỡ. Chúng tôi cố gắng dạy cho các em kiến thức cơ bản và hướng dẫn một số kỹ năng làm bài để không bị điểm liệt”.

Giờ học tiếng Anh của lớp 12A2, Trường THPT Hai Bà Trưng (Thị xã Buôn Hồ)

Giờ học tiếng Anh của lớp 12A2, Trường THPT Hai Bà Trưng (Thị xã Buôn Hồ)

Theo ghi nhận của phóng viên, mục đích của nhiều giáo viên và trường THPT tốp dưới và tốp giữa ở Đắk Lắk đặt ra đối với môn Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) là tổ chức ôn luyện làm sao để học sinh bảo đảm đủ điểm xét tốt nghiệp. “Đề thi trắc nghiệm phổ kiến thức rộng, có điền từ vào đoạn văn và đọc hiểu sẽ gây khó khăn nếu thiếu nền tảng kiến thức căn bản, không thuộc từ vựng”, một giáo viên dạy tiếng Anh lo lắng.

Trao đổi với phóng viên mới đây, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, việc tổ chức dạy học ngoại ngữ đã được Sở GD-ĐT chỉ đạo quyết liệt  theo Đề án dạy học Ngoại ngữ 2020. Theo đó, đội ngũ giáo viên, điều kiện dạy học Ngoại ngữ đã được cải thiện đáng kể. Về phía các trường cũng đã chủ động, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh để nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế chuyện dạy và học Ngoại ngữ vẫn đang còn nhiều điều phải bàn. Minh chứng rõ ràng nhất, ở những kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trước đây, khi Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh không được học Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng thì được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Do đó, mỗi năm chỉ có khoảng 20% trong tổng số thí sinh đăng ký chọn thi môn Ngoại ngữ, còn lại chọn môn thi thay thế.

Dù rất lo lắng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2017 sẽ thấp do học sinh bắt buộc thi môn Ngoại ngữ, nhưng đây là cơ hội để giáo viên, học sinh và nhà trường thay đổi nhận thức trong cách dạy - học môn này.  

Nguyên Hoa

 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ