A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tuyển sinh theo nhóm để không "rớt oan"

09:15 | 12/05/2017

Với việc tham khảo số liệu phần mềm lọc ảo chung của nhóm, các trường sẽ đưa ra điểm chuẩn phù hợp và điều này cũng giúp thí sinh không bị rớt "oan"

Sáng 11-5, Báo Người Lao Động tổ chức buổi tư vấn trực tuyến kết hợp phát sóng trực tiếp trên Facebook với chủ đề "Thông tin mới nhất về tuyển sinh theo nhóm". Buổi giao lưu nằm trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2017" với sự tài trợ của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Tập đoàn Vingroup và Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sun Group).

Chống "ảo", tăng cơ hội trúng tuyển

Do thông tin nhóm tuyển sinh chung được thành lập ảnh hưởng quyền lợi đến thí sinh nên chủ đề này nhận được nhiều sự quan tâm của các em. Tuy nhiên, đa số các câu hỏi gửi tới chương trình tỏ ra khá mù mờ về hình thức này với nhiều câu hỏi đặt ra cho khách mời như: Tuyển sinh theo nhóm là gì? Mang lại ích lợi cho trường vậy có hạn chế cơ hội của thí sinh? Tại sao không lập nhóm xét tuyển sớm từ trước mà đến khi gần đến kỳ xét tuyển mới lập?...

Trả lời thắc mắc, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho hay trong đợt xét tuyển đầu tiên, nếu không liên kết thành một nhóm để trao đổi thông tin với nhau thì mỗi trường chỉ "thấy" được thông tin của thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường mình nhưng không biết thí sinh này đã trúng tuyển hay chưa trúng tuyển ở những trường khác. Do vậy, với một mức điểm chuẩn được dự kiến, trường phải "thấy" và biết thí sinh dù đăng ký theo các nguyện vọng (NV) 2, NV3,... vào trường mình đã trúng tuyển hay chưa trúng tuyển theo NV1 ở trường khác, vì trên nguyên tắc, các NV đã đăng ký xét tuyển của thí sinh vào một trường là bình đẳng như nhau dù thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường theo NV1, NV2 hay NV thứ n. Với lý do đó, nhóm tuyển sinh chung được thành lập.

Tuyển sinh theo nhóm để không rớt oan - Ảnh 1.

Ban tư vấn trả lời trực tuyến Ảnh: Tấn Thạnh

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho hay nhóm xét tuyển phía Nam do ĐHQG TP HCM và trường ông đồng chủ trì với mục tiêu chống ảo và tất cả các trường trong nhóm đều được hưởng lợi như nhau. Theo chuyên gia này, việc đăng ký tham gia nhóm là hoàn toàn tự nguyện. Theo đó, các trường tham gia nhóm sẽ nhận kết quả từ phần mềm lọc ảo chung cho nhóm để biết ngoài đăng ký NV vào trường của mình, thí sinh còn đăng ở bao nhiêu trường khác, ở NV nào, từ đó các trường sẽ đưa ra điểm chuẩn phù hợp nhất. Lợi ích rõ ràng nhất của thí sinh là tăng khả năng trúng tuyển của các em. Ví dụ, năm 2016, một số trường đưa ra điểm chuẩn cao quá nên chỉ tuyển được 40%-80%. Với việc tham khảo số liệu phần mềm lọc ảo chung của nhóm, các trường sẽ đưa ra điểm chuẩn phù hợp và điều này cũng giúp thí sinh không bị rớt "oan".

Xét tuyển nhóm phải theo cam kết

Trước lo ngại một số trường tốp đầu đến phút chót mới đưa ra quyết định và thậm chí có điều chỉnh gây ảnh hưởng những NV tiếp theo thuộc các trường khác, ông Dũng cho rằng sắp tới, các trường tham gia nhóm xét tuyển sẽ phải ký cam kết không được điều chỉnh vào giờ chót để tránh những tác động dây chuyền đến các trường. Việc bổ sung việc thành lập nhóm xét tuyển chung hay không thì không ảnh hưởng gì đối với thí sinh mà làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.

Bên cạnh những câu hỏi về tuyển sinh nhóm, đến thời điểm này, thí sinh vẫn còn quan tâm đến các ngành, nghề mình đã chọn, nếu không ưng ý sẽ sử dụng quyền điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết kết quả thi. Đặc biệt, khá nhiều thí sinh lo lắng về đầu ra, cơ hội việc làm về khối ngành sư phạm, như ngành vất vả, khó xin việc, lương thấp… "Cấp học mầm non vẫn có nhu cầu rất lớn nên cơ hội việc làm cũng sẽ rất tốt. Bên cạnh đó một yếu tố mà thí sinh cần cân nhắc bên cạnh yếu tố lương bổng là thí sinh có sẵn sàng theo đuổi ngành mầm non với đặc thù khá vất vả, cần lòng yêu nghề, yêu trẻ. Em hãy cân nhắc thật kỹ và có sự lựa chọn cho riêng mình" - ThS Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho hay.

Trong khi đó, một số thí sinh khác đã xác định chắc chắn ngành, nghề mình chọn nhưng lại lo lắng về mức học phí, đặc biệt ở trường tự chủ tài chính, như ĐH Tôn Đức Thắng. Theo TS Tăng Hữu Tân, Trưởng Ban Tuyển sinh, đây là trường ĐH công lập nên học phí của nhà trường tính trên số tín chỉ sinh viên đăng ký tại từng học kỳ, mức bình quân 1 năm học 2017-2018 của ngành ngôn ngữ Anh là khoảng 17,5 triệu đồng.

TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM, nhấn mạnh năm nay, thí sinh có thể đăng ký nhiều NV theo thứ tự ưu tiên. Do đó, các em cứ đăng ký NV1 vào ngành, trường nào em mong muốn vào học nhất. Các ưu tiên còn lại là các NV tiếp theo. Đừng để bỏ lỡ cơ hội vào ngành mình yêu thích chỉ vì nhầm lẫn thứ tự NV. 

Không thể "ăn gian"

Trước thắc mắc làm sao phát hiện để ngăn chặn những thí sinh khác nếu muốn ăn gian vừa đăng ký các trường trong nhóm vừa đăng ký trường ngoài, PGS-TS Đỗ Văn Dũng khẳng định cơ sở dữ liệu chung của Bộ GD-ĐT cũng sẽ cung cấp thông tin các NV của thí sinh đã đăng ký của các trường trong và ngoài nhóm nên không có chuyện "ăn gian". Tất nhiên khi một số trường, đặc biệt là các trường tốp trên, không tham gia nhóm thì việc chống ảo sẽ khó hơn đối với một số nhóm ngành.

LÊ THOA

 

    Nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ