A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mô hình học ở nhà: Chưa phù hợp

14:34 | 12/05/2017

ở Việt NamTrong xu thế hiện đại, một số phụ huynh đang hướng đến việc giáo dục con theo cách cho con nghỉ học ở trường để tự dạy con ở nhà (thường gọi là homeschooling).

Nhiều phụ huynh khi biết đến mô hình này cũng băn khoăn, trăn trở không biết có thể áp dụng với con mình hay không?

Vấn đề này, nhiều chuyên gia về giáo dục chia sẻ: Việc cho con học ở nhà tất yếu xảy ra khi có sự bất mãn ở khía cạnh nào đó đối với giáo dục, như việc thấy rau phun thuốc sâu thì tự trồng rau sạch ở nhà. Tuy nhiên để thực hiện được thì lại rất khó khăn, nhất là khi điều kiện ở Việt Nam chưa phù hợp.  

Ảnh minh họa.  

Vì sao chưa phù hợp?

TS Nguyễn Lê Minh, nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban chương trình quốc gia về vấn đề việc làm, nhìn nhận (Bộ LĐ,TB&XH) chia sẻ: Hiện có một số gia đình cho con tự học ở nhà, quan điểm của tôi là không ủng hộ. Ở một số nước có ngành công nghiệp phát triển, họ có nền giáo dục lâu đời, có truyền thống độc lập tự chủ rất lâu thì họ có thể học ở nhà được. Nhưng ở Việt Nam thì chưa phải lúc hợp lý. 

“Quá trình phát triển của một con người có nhiều yếu tố, không phải chỉ tri thức, mà còn phải có quan hệ xã hội, bạn bè, cần phải hòa nhập để hiểu cuộc sống bên ngoài gia đình như thế nào… cho nên tôi không ủng hộ” – ông Minh khẳng định.

Cũng về vấn đề này, ông Dương Trọng Tấn, chuyên gia về giáo dục, có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực IT và giáo dục đào tạo trao đổi: việc thực hiện mô hình homeschooling ở Việt Nam hiện nay là chưa phù hợp. 

“Ở Mỹ cách thức này phổ biến do nó cho phép người học có thể dễ dàng hòa nhập với các bậc học khác, vì có những hệ thống được pháp luật thừa nhận. Họ học ở nhà nhưng có thể thi lấy chứng chỉ, và chứng chỉ đó được thừa nhận để có thể tiếp tục học trường công ở một thời điểm phù hợp. Nghĩa là có sự liên thông rất tốt giữa giáo dục tại gia với giáo dục nhà trường. Như vậy thì không có quá nhiều rắc rối.

Còn hiện nay, ở Việt Nam, pháp luật chưa nhìn nhận hình thức này. Nếu muốn tự học ở nhà thì chỉ có lựa chọn duy nhất là các chương trình nước ngoài, sẽ có rủi ro và vất vả hơn. Có phụ huynh thì chịu được sự vất vả đó nên họ cho con học tại nhà. Nhưng đó cũng chỉ là con số rất ít”… 

Trẻ em cần được sinh hoạt trong tập thể

Ông Nguyễn Lê Minh nêu ý kiến: “Có lẽ đến một giai đoạn nào đó chúng ta cũng cần mô hình học tập homeschooling. Nhưng phải còn lâu nữa mới có thể thực hiện. Bởi thực hiện bây giờ rất khó. Nhất là trẻ em Việt Nam đã bị ảnh hưởng nền giáo dục từ xưa, phụ thuộc nhiều quá. Các em cần phải sinh hoạt trong tập thể, để mạnh dạn hơn lên trong tập thể”.

“Hiện nay, có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường đứng trước đám đông để trình bày quan điểm của mình, trình bày bài tập nhưng không nói được bởi vì không được rèn luyện. Bao giờ chẳng thế, được sinh hoạt trong cộng đồng, được sinh hoạt đoàn, sinh hoạt thanh thiếu niên... sẽ mạnh dạn hơn cứ ở mãi trong nhà”, ông Minh nhấn mạnh.

Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung - Nghiên cứu viên cơ hữu (Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục) cũng khẳng định không thể tách dời đứa trẻ ra khỏi nhà trường và xã hội. 

“Người ta hay nói rằng để giáo dục một đứa trẻ cần cả một ngôi làng giúp, có nhà trường và môi trường xã hội kết hợp với nhau, chứ không chỉ ở nhà trường, hay chỉ ở gia đình… mà phải đồng bộ với nhau. Nhà trường không phải chỉ là nơi để truyền tải tri thức, mà chức năng thứ hai của nhà trường là chức năng xã hội hóa. Đến đó các em có bạn bè, có môi trường sư phạm, có thầy cô. Môi trường xã hội bên trong nhà trường sẽ góp phần cho sự phát triển nhân cách các em. Nghĩa là nhà trường luôn đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ trong kiến thức chuyên môn mà trong cả hình thành nhân cách. Cho nên nếu để con tự học với bố mẹ ở nhà, sẽ khiến con thiếu mặt này để có thể phát triển toàn diện”. 

Cách tốt nhất là hài hòa các yếu tố: Gia đình, nhà trường, xã hội

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Vương - Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi nhìn nhận vấn đề. Ông cho rằng: Đối với con cái, bố mẹ chính là người thầy đầu tiên của con, tuy nhiên trước khi làm người thầy, họ phải làm ông bố, bà mẹ. Đây là một công việc không hề đơn giản mặc dù một phần nào đó là bản năng làm bố, làm mẹ trời sinh cho. 

Qua ý kiến trên, ông Vương khẳng định: Nhà trường, gia đình và xã hội có vai trò quan trọng trong việc giáo dục phát triển học sinh một cách toàn diện.

“Gia đình, trường học, xã hội và địa phương là ba yếu tố rất quan trọng để tạo nên sự trưởng thành của học sinh. Và gia đình có lẽ là yếu tố đầu tiên tác động đến học sinh, nhưng không có nghĩa là quyết định tất cả…

Vì thế chúng ta khi muốn có một con người tốt đẹp thì chúng ta không thể nào quá thiên lệch về bất kỳ một yếu tố nào đó. Cách tốt nhất để giáo dục học sinh phát triển là kết hợp tất cả các yếu tố: Giáo dục gia đình, giáo dục trường học và giáo dục xã hội” – ông Vương nói. 

   H. Trang

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ