A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

'Bẫy' điểm sàn

15:04 | 19/07/2017

Hiện nhiều trường ĐH đã công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào ngành, trường bằng hoặc cao hơn mức điểm sàn 15,5 mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Điều này khiến thí sinh bối rối không rõ cơ hội đỗ vào trường của mình là bao nhiêu nếu nộp hồ sơ,...

...  trong khi trường ĐH top dưới lo khó tuyển sinh vì các trường phía trên có khả năng hút hết thí sinh…

Ảnh minh họa.

Tránh kỳ vọng quá sức

Việc đăng ký không giới hạn nguyện vọng (NV), các NV lại bình đẳng khi xét tuyển khiến thí sinh không quá lo lắng sẽ trượt ĐH. Tuy nhiên, việc đăng ký một bản danh sách dài đến vài chục NV cho thấy có không ít thí sinh lúng túng không biết nên chọn ngành nào, trường nào vì tâm lý thí sinh và người nhà đều hy vọng đỗ được trường top trên nếu cùng là một ngành đào tạo. 

Có mặt tại Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 18/7, em Hoàng Anh- một cựu học sinh của trường cho biết em và gia đình có NV học ngành Kế toán. Trước đó, em đã đăng ký 5 NV vào ngành này ở các trường khác nhau, nhưng sau khi biết điểm thi, thấy không khả quan lắm so với phổ điểm năm nay nên muốn tăng thêm một số NV cho chắc.

“Những trường ĐH top trên em đã đăng ký trước đó vẫn muốn giữ lại, biết là khó đỗ nhưng các trường này cũng không quy định điểm nộp hồ sơ là bao nhiêu ngoài mức 15,5 điểm nên em vẫn để lại. Dù sao thì cũng không mất gì ngoài việc nộp thêm tiền để tăng NV”- thí sinh này bày tỏ. 

Đây có lẽ cũng là tâm lý của nhiều thí sinh và người nhà vì đằng nào cũng “lọt sàng xuống nia”, nếu không trúng tuyển NV1 thì vẫn có khả năng trúng tuyển NV 2 hoặc 3, hoặc 4…

Vì thế, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 3 ngày đầu tiên thay đổi NV, chủ yếu là các thí sinh thay đổi bằng hình thức trực tuyến nhưng đều giữ nguyên số lượng đăng ký chỉ thay đổi thứ tự NV, hầu như rất ít thí sinh rút bớt NV, một số thí sinh đăng ký thêm 1 vài NV nữa bằng hình thức điền phiếu. 

Về việc này, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Cục phó Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, không thể trả lại tiền 30 ngàn đồng/ 1 NV cho thí sinh đã đăng ký xét tuyển trước đó nhưng giờ điểm thi dưới 15,5 điểm cũng như các thí sinh rút số NV từ 5 xuống 4... Bởi việc thu 30 ngàn đồng/ 1 NV là dùng để phục vụ việc nhập dữ liệu lên hệ thống, rà soát dữ liệu, xử lý các vấn đề liên quan… Bây giờ nếu sửa thì vẫn không lấy thêm tiền song nếu thí sinh thêm NV thì lại nộp tiền để nhập lên hệ thống và rà soát dữ liệu lại từ đầu. 

Phân tích điều này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, hiện nay, với kỹ thuật phân tích dữ liệu, ngưỡng điểm những năm qua và mức điểm năm nay, có thể dự báo điểm chuẩn năm nay chắc chắn có xu hướng tăng. Nếu một trường năm ngoái lấy 23 điểm, chắc chắn năm nay phải trên 23 điểm. Nhưng vì không công bố ngưỡng điểm sàn riêng nên sẽ vẫn có những thí sinh dưới 20 điểm nộp hồ sơ vào trường. 

Theo ông Lê Trường Tùng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, việc các trường công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng tối thiểu là cần thiết, thể hiện trách nhiệm của các trường đối với chính mình và với thí sinh. Đây là động thái quan trọng, nhất là các trường top trên, vì điều này sẽ tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký, điều chỉnh NV cho phù hợp với điểm số có được, tránh kỳ vọng vượt sức. Việc công bố điểm cũng thể hiện thứ hạng, chất lượng của trường, tránh việc xét từ trên xuống cho đủ chỉ tiêu khiến các trường không tìm ra được số thí sinh đủ chất lượng đáp ứng quá trình đào tạo.

Lo “vỡ trận” tuyển sinh

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã khẳng định đã lường trước được những trường hợp một thí sinh với vài chục NV, phần mềm lọc “ảo” sẽ xử lý được hết khiến các trường không lo tình trạng thí sinh ảo, vừa không ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh. Tuy nhiên, thực tế xét tuyển ĐH hai năm qua cho thấy nỗi lo vỡ trận tuyển sinh vào những ngày cuối cùng của đợt điều chỉnh NV vẫn đang hiện hữu. 

Thống kê cho thấy số lượng thí sinh đăng ký tập trung vào một số trường tốp trên rất lớn. Đặc biệt là những ngành “hot” của trường. Hồ sơ nhiều không phải tất cả đều là điểm cao nên việc rớt từ NV 1 xuống 2, 3, 4 là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu việc điều chỉnh NV xảy ra vào những ngày cuối cùng, nếu lỗi hệ thống hoặc quá tải, thí sinh điều chỉnh bằng phiếu chưa thể nhập ngay lên được hệ thống thì điều gì xảy ra? 

Theo ông Nguyễn Phong Điền- Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ở lần đăng ký xét tuyển trước kỳ thi diễn ra, việc ĐH Bách khoa Hà Nội lọt vào tốp 10 trường ĐH được thí sinh đăng ký nhiều nhất chưa nói lên điều gì vì đây mới chỉ phản ánh về mức độ yêu thích của thí sinh đối với các trường ĐH nói chung. Còn việc thí sinh có đủ năng lực để đăng ký xét tuyển vào các trường này hay không lại là vấn đề khác nhau. Việc không hạn chế nguyện vọng và không phân biệt nguyện vọng khi xét tuyển đại học khiến thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký thoải mái mà không cần cân nhắc kỹ năng lực mình có phù hợp hay không. Sắp tới, khi kết thúc thời hạn điều chỉnh NV xét tuyển mới có thể có kết quả chính thức. Tuy nhiên, sẽ có những biến động về số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và số lượng thí sinh thực sự có nhu cầu vào học… 

Phân tích trước đó của Bộ GD&ĐT về một số trường tốp giữa cho thấy, số thí sinh đăng ký NV1 vào trường chỉ chiếm khoảng 20%. Điều này có nghĩa là thí sinh đăng ký nếu đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp và đạt đủ điểm chuẩn của trường thì mới có khả năng trúng tuyển. 80% thí sinh với số NV còn lại chỉ trúng tuyển vào trường sau khi rớt NV 1 vào các trường đã đăng ký nên độ ảo rất lớn. 

Còn 4 ngày nữa mới hết thời gian thay đổi NV nhưng Bộ GD&ĐT khuyến cáo thí sinh cân nhắc kỹ trước khi thay đổi NV xét tuyển và không nên để đến ngày cuối cùng mới thay đổi. 

Thu Hương

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ