A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sửa đổi Đề án ngoại ngữ 2020

09:38 | 24/08/2017

Trong báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và đề ra phương hướng nhiệm vụ 2017-2018 vừa được tổ chức, Bộ GDĐT nhận định việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn lúng túng,...

...  số lượng học sinh được học theo chương trình ngoại ngữ mới còn thấp so với mục tiêu của giai đoạn.

Ảnh minh họa.
 
Theo đó, Bộ GDĐT đã trình Chính phủ ban hành Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017-2025 trên cơ sở sửa đổi Đề án ngoại ngữ 2020.
 
Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017- 2025
 
Bộ GDĐT cho biết, Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là Đề án ngoại ngữ 2020) đã được sửa đổi, bởi Đề án này bộc lộ nhiều hạn chế như thiếu giáo viên đạt chuẩn, tỷ lệ học sinh học theo chương trình thấp...
 
Đề án mới với tên gọi Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 đang được trình Thủ tướng. Trong năm học tới 2017-2018, Bộ GDĐT xác định, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, là một nhiệm trọng tâm.
 
Ngành giáo dục sẽ hoàn thiện các định dạng đề thi theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; ban hành quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung này. Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, năm học 2015-2016 cả nước có hơn 1,8 triệu học sinh học theo chương trình Đề án tiếng Anh.
 
Đến năm 2016-2017, con số này tăng lên là hơn 4,9 triệu học sinh, trong đó đông nhất là khối tiểu học lớp 3-5 với hơn 2,1 triệu học sinh. Có 5.940 giáo viên ngoại ngữ các cấp phổ thông đã được bồi dưỡng nghiệp vụ. Tại một số trường THPT, môn Toán, Vật lý được thí điểm dạy bằng tiếng Anh, có đánh giá năng lực đầu ra ngoại ngữ của học sinh...
 
Tuy nhiên, Bộ GDĐT cũng nhận định, những hạn chế trong chương trình dạy và học ngoại ngữ vừa qua hiện chưa có giải pháp cụ thể, nhất là với các vùng miền, địa phương dẫn đến việc nâng cao chất lượng giáo viên đạt chuẩn tại tất cả địa phương trở nên khó khăn.
 
Cùng với đó, việc dạy tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở đào tạo cũng chưa tốt dẫn đến nhiều sinh viên trước khi ra trường và sau tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ...Có thể minh chứng rõ như tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có trên 90% học sinh bị điểm dưới trung bình môn tiếng Anh, tỷ lệ thí sinh đạt điểm 2,25 chiếm cao nhất, chỉ 8,8% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên.
 
Còn ở kỳ thi THPT quốc gia 2017, phổ điểm môn tiếng Anh tuy đã nhích lên, đỉnh của đồ thị ở mốc 3,4 điểm, khoảng điểm nhiều thí sinh đạt được vẫn ở mức 2,2-5. Điểm trung bình tiếng Anh là 4,6 (cùng với Lịch sử) thấp nhất trong 9 môn thi THPT quốc gia.
 
Cần một chương trình mở 
 
Theo các chuyên gia giáo dục, trong bối cảnh dạy và học ngoại ngữ hiện nay, việc có nhiều tài liệu, giáo trình dạy học cộng với sự tham gia của doanh nghiệp vào sự phát triển giáo dục là tín hiệu đáng mừng cho môi trường giáo dục Việt Nam.Vấn đề đặt ra chính là chất lượng trong chương trình giảng dạy tiếng Anh. 
 
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được triển khai, môn Ngoại ngữ được chú trọng đưa vào giảng dạy từ cấp Tiểu học. Theo đó, học sinh khối lớp 1, 2 học 2 tiết tiếng Anh/tuần (môn học tự chọn); học sinh khối 3, 4, 5 học 4 tiết tiếng Anh/tuần (mỗi tiết từ 35 - 40 phút); học sinh THCS và THPT học 3 tiết tiếng Anh/tuần (mỗi tiết 45 phút). Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là một giải pháp quan trọng cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ nói chung, dạy và học tiếng Anh nói riêng.
 
Thời gian tới, việc biên soạn sách giáo khoa mới sẽ thực hiện theo chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Trong bối cảnh dạy và học ngoại ngữ hiện nay, việc có nhiều tài liệu, giáo trình dạy học cộng với sự tham gia của doanh nghiệp vào sự phát triển giáo dục là tín hiệu đáng mừng cho môi trường giáo dục Việt Nam.
 
Một chương trình học liên thông và nhất quán, hướng đến mục tiêu kiến thức, kỹ năng, vừa sâu sắc vừa nhẹ nhàng, không những dạy về ngoại ngữ mà còn bổ sung kiến thức về giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức, nhiều tài liệu bổ trợ sẽ là sự lựa chọn của thầy, trò.
 
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được phê duyệt năm 2008. Mục tiêu là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để “đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam”. Đề án có tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2010 là 1.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 gần 4.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhưng sau 8 năm thực hiện, đến nay nhiều mục tiêu chưa đạt được, khả năng ngoại ngữ của học sinh nói riêng, người Việt Nam nói chung chưa được cải thiện nếu chỉ học theo chương trình phổ thông.
Mạnh Dũng

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ