A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Có thay đổi phương án tuyển sinh ĐH 2018?

13:53 | 07/09/2017

Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các trường ĐH, học viện, các trường cao đẳng để lấy ý kiến góp ý cho phương án thi quốc gia 2018 và phương án xét tuyển ĐH, CĐ dựa trên kết quả thi của kỳ thi này.

 Điều khiến dư luận băn khoăn là phương án sắp xếp lại cấu trúc bài thi tổ hợp nếu áp dụng ngay trong năm nay sẽ gây xáo trộn không nhỏ đến việc dạy và học trong trường phổ thông.

Học sinh mong Bộ GD&ĐT không thay đổi phương án tuyển sinh ĐH.

Hai phương án

Theo Bộ GD&ĐT dự kiến phương án tổ chức thi năm 2018 về cơ bản vẫn như năm 2017, nghĩa là sẽ có 3 bài thi độc lập (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Đối với giáo dục thường xuyên, bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm hai môn Địa lý và Lịch sử. 

Còn thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn bài thi độc lập và/hoặc bài thi khoa học tự nhiên hoặc bài thi khoa học xã hội, phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.

Cụ thể về các bài thi tổ hợp năm 2017, có ý kiến cho rằng nên sắp xếp lại vì bài thi 3 môn liên tiếp nhau và thời gian nghỉ giữa các môn quá dài khiến thí sinh mệt mỏi. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đưa ra 2 phương án cho bài thi tổ hợp đề nghị hiệu trưởng các trường trực tiếp cho ý kiến. 

Phương án 1: Giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (giống như năm 2017). 

Phương án 2: Mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi (không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017).

Nếu theo phương án 2, các trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển (trong đó bắt buộc phải có một bài thi Toán hoặc Ngữ văn); hoặc 1 bài thi Ngữ Văn hoặc Toán và 1 hoặc 2 đầu điểm thi năng khiếu/điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn, quy định trong đề án tuyển sinh.

Theo Bộ GD&ĐT, việc đưa ra phương án mới đối với các bài thi tổ hợp sẽ giúp việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh. 

Các trường nói gì?

Đại diện nhiều trường ĐH, CĐ cho biết đến thời điểm này đã có trả lời Bộ GD&ĐT về ý kiến tham khảo phương án thi THPT Quốc gia 2018. Trong đó, phần nhiều các trường đều đồng tình với ý kiến nên giữ ổn định kỳ thi như năm 2017, mọi thay đổi nếu có nên là lộ trình để cho học sinh và nhà trường chuẩn bị cho vài năm sắp tới để tránh gây xáo trộn tâm lý cho học sinh, khiến việc ôn tập trở nên vất vả hơn do thí sinh không kịp ôn tập.

Cụ thể, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng cách thức tổ chức kỳ thi như năm 2017 có nhiều ưu điểm rõ ràng về công tác coi thi, chấm thi, đặc biệt là đề thi không trùng lặp giúp đảm bảo được tính khách quan, minh bạch, phần nào hạn chế tiêu cực. Thí sinh cũng không quá áp lực, các trường cũng thuận lợi trong xét tuyển. Việc Bộ GD&ĐT đưa ra hai phương án thi để các trường cho ý kiến là nhằm khắc phục những nhược điểm của kỳ thi năm 2017, rất đáng hoan nghênh.

Xét về phía nhà trường, nếu bài thi tổ hợp chỉ tính một đầu điểm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công tác xét tuyển, thậm chí còn có lợi hơn. Tuy nhiên, nếu đứng ở góc độ của thí sinh - người học thì cần phải cân nhắc. Nguyên nhân là vì việc lựa chọn khối thi ĐH thường được học sinh xác định ngay từ khi vào lớp 10. Bộ GD&ĐT đột ngột điều chỉnh như vậy, những em định hướng khối A, năm lớp 10-11 thường không chú ý đầu tư cho môn Sinh, nay lên lớp 12 lại bảo các em phải thi Sinh thì rất khó. Vì vậy, nên có độ trễ để thí sinh chuẩn bị. Chẳng hạn, chúng ta công bố trong năm nay nhưng không áp dụng trong kỳ thi năm 2018 mà đến 2019 mới áp dụng.

Đại diện trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM cũng cho rằng bất kỳ một thay đổi nào nếu áp dụng ngay khi thông báo sẽ khiến tâm lý học sinh xáo trộn, ít nhiều gây hoang mang cho người học và cả người dạy. Với bài thi tổ hợp áp dụng theo phương án 2, vì chưa có đề thi minh họa nên cũng chưa rõ nội dung cụ thể ra sao để quyết định tuyển sinh như thế nào. Vì vậy, phương án phù hợp nhất là nên giữ nguyên bài thi tổ hợp với ba đầu điểm cho từng môn thành phần giống như năm 2017. Điều cần làm là Bộ GD&ĐT phải điều chỉnh tăng độ khó của đề thi từ đó phân loại thí sinh tốt hơn, tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ thuận lợi hơn trong tuyển sinh.

Ghi nhận ý kiến từ nhiều học sinh đang học lớp 12 cho thấy các em mong muốn Bộ GD&ĐT nếu áp dụng phương án 2 cũng nên là sau 1-2 năm nữa. Năm học mới đã chính thức bắt đầu, việc học cũng bắt đầu vào “guồng”. Ngoài kiến thức lớp 12, như thông báo trước đó của Bộ GD&ĐT đề thi năm nay sẽ bao gồm cả phần kiến thức lớp 11. Nếu yêu cầu các em quay lại ôn tập cả những môn trước đó không nằm trong định hướng khi chọn khối thi vào ĐH, CĐ thì sẽ rất vất vả do năm học trước không quá chú trọng đến môn học thứ ba trong bài thi tổ hợp. 

    Thu Hương

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ