A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xếp hạng đại học: Xếp trước, xếp sau là chuyện bình thường

14:11 | 14/09/2017

Trao đổi về vấn đề xếp hạng các trường đại học, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ:

Việc xếp hạng đại học là cần thiết và mỗi bảng xếp hạng có những tiêu chí khác nhau nên việc các trường “hot” ở bảng xếp hạng này đứng số 1 nhưng bảng xếp hạng kia không ở với trí tốp 5, tốp 10 là chuyện rất bình thường.
 
TS Lê Viết Khuyến.
 
PV: Một nhóm xếp hạng ĐH Việt Nam độc lập vừa công bố bảng xếp hạng các trường đại học. Trong đó đứng ở vị trí đầu gồm có các trường ĐHQGHN, ĐH Tôn Đức Thắng... Còn những trường như ĐH Bách khoa HN, ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương lại xếp ở vị trí sau, không hề có tên trong tốp 5. Ông có suy nghĩ gì khi theo dõi bảng xếp hạng này?
 
TS Lê Viết Khuyến: Tôi không bất ngờ khi nhìn bảng xếp hạng này. Các nhóm tác giả có thể lựa chọn những tiêu chí khác nhau để làm. Tất nhiên, kết quả xếp hạng của từng nhóm cũng có thể rất khác nhau. Cho nên chuyện ĐH Bách khoa HN qua nhóm xếp hạng này, ra kết quả không đứng vị trí cao tôi thấy cũng chẳng có gì đáng lo, bởi vì đó là tiêu chí khác. 
 
Nhóm này xếp hạng theo các tiêu chí là lấy 40% về nghiên cứu khoa học, 40% về hoạt động đào tạo, và 20% về quản lý. Với tiêu chí như vậy, ông nghĩ có đánh giá chính xác không?
 
- Tôi cho cũng không chính xác lắm. Bởi có những trường có thương hiệu nhưng hoạt động đào tạo chưa chắc đã thực sự tốt. Nhưng có những trường mới thành lập nhưng lại rất nghiêm túc trong việc quản lý các chương trình đào tạo...
 
Còn mức tiêu chí là 40% nghiên cứu, ông cho rằng có hợp lý không?
 
- Tôi không đồng tình lắm. Bởi đây là tiêu chí thiên về các trường đại học mang tính chất nghiên cứu. Ở Việt Nam chúng ta hiện nay, có thể nói là chưa có các trường đại học mang tính chất nghiên cứu thực sự. Đại học nghiên cứu là hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đó phải rất mạnh, nó ngang hàng thậm chí còn mạnh hơn về đào tạo.
 
Chính vì hoạt động nghiên cứu là chủ yếu, cho nên hoạt động đào tạo trình độ đại học trở xuống ở các trường đại học nghiên cứu thường chiếm tỉ lệ đào tạo rất ít. Đặc biệt họ không đào tạo bậc cao đẳng, hoặc bậc thấp hơn. Họ chủ yếu đào tạo trình độ sau đại học như thạc sĩ, tiến sĩ là chính.
 
Ví dụ ĐH Havard là trường mang tính chất nghiên cứu, họ có 20 ngàn sinh viên, thì trong đó 15 ngàn sinh viên là sinh viên sau đại học, chỉ có 5 ngàn sinh viên đại học. Các hoạt động sau đại học bao giờ cũng gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học. Có hoạt động nghiên cứu mạnh thì mới đào tạo được sau đại học. Khác với Việt Nam hiện nay, có những trường mới thành lập 5,7 năm cũng đào tạo tiến sĩ. 
 
Đặc biệt, đa số các trường ĐH Việt Nam có tỉ lệ bài viết công bố quốc tế rất ít, chỉ một số trường lớn mới thực hiện được. Đặc thù có một vài trường như Trường ĐH Tôn Đức Thắng… thôi. Trường này có tỉ lệ bài viết ISI cao nhưng thực ra bề dày học thuật, hoạt động đào tạo lại chưa thật sự tương xứng với tỉ lệ cao của các bài viết công bố quốc tế. 
 
Ngay sau khi nhóm công bố kết quả xếp hạng, một số trường hot bị đứng ở thứ hạng thấp đã phản ứng khá mạnh. Theo ông, các trường nên có quan điểm như thế nào trước bảng xếp hạng này?
 
- Gay gắt phản ứng lại khi thấy mình không ở tốp đầu là phản ứng quá đáng, trong lúc bức xúc nhất thời. Tôi nghĩ như vậy không hay. Vì thực ra, nhóm tác giả đưa ra các tiêu chí đó, ai cảm thấy phù hợp thì quan tâm, để biết mình ở vị trí nào trong bảng xếp hạng. Còn trường nào thấy tiêu chí không thích hợp, nếu có khả năng thì tạo ra bộ tiêu chí khác phù hợp để thực hiện… 
 
Dù sao, tôi thấy việc làm của nhóm này nên được khuyến khích. Bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam có một bảng xếp hạng như vậy. 
 
Tóm lại là lấy tiêu chí nào hoàn toàn phụ thuộc vào ý đồ của nhóm làm xếp hạng. Còn về mặt nhà nước thì không nên xem đây là tiêu chí để đánh giá các trường, mà các trường chỉ nên xem đây là các tiêu chí để xem mình đứng ở đâu. Nếu cảm thấy rằng các tiêu chí xếp hạng đó là phù hợp với quan điểm của mình thì chấp nhận tự “soi” thôi. Có nghĩa, bản thân tự soi cho mình chứ không phải là người này soi với người khác, người này bình người khác. Và càng không nên xem kết quả xếp hạng để đánh giá các trường.
 
Vậy theo ông, những tiêu chí nào được cho là phù hợp để xếp hạng các trường ĐH Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
 
- Để làm được việc này cần có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước am hiểu các trường. Sau khi các nhà nghiên cứu đã xây dựng được bộ tiêu chí sẽ công bố công khai. Những trường nào tâm đắc, thừa nhận thì kê khai thông tin theo yêu cầu để thực hiện xếp hạng. Kết quả xếp hạng sẽ giúp các trường nhìn thấy được mình đứng ở đâu trong nhóm, như thế có tác dụng tích cực hơn.
 
Theo ông, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm có nên là tiêu chí quan trọng nhất để xếp hạng trường ĐH không? 
 
- Tôi nghĩ đây cũng là một tiêu chí quan trọng. Nhưng nếu nhấn mạnh quá mức sẽ trở nên thực dụng, không tốt.
 
Trân trọng cảm ơn ông!
 
Huyền Trang (thực hiện)
 

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ