A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xóa mù chữ và chống tái mù chữ ở vùng dân tộc thiểu số: Còn nhiều thách thức

13:24 | 06/10/2017

Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2020 xóa mù chữ cho 1,2 triệu người trong độ tuổi từ 15-60, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 98%.

Tuy nhiên đến nay tỷ lệ người mù chữ và tái mù chữ ở các vùng dân tộc thiểu số (DTTS) còn khá cao, tập trung ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. 

Việc xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó.

Hiệu quả từ cuộc vận động

Hà Giang là một tỉnh có trên 50% chị em phụ nữ DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới mù chữ, tái mù chữ và không biết nói tiếng phổ thông.

Đây thực sự là khó khăn lớn trong cuộc sống hàng ngày của chị em. Hầu hết các chị đều bị động, khó hòa nhập với cuộc sống, không biết tính toán để làm ăn, xem ti vi không hiểu nội dung, không nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện; khi làm thủ tục giấy tờ phải dùng tay điểm chỉ...

Xuất phát từ thực tế này, từ năm 2012, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo thực hiện điểm Cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông” tại xã Lùng Tám (Quản Bạ), sau đó, nhân rộng đến các cấp Hội trong toàn tỉnh.

Cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông” đã được chị em tích cực hưởng ứng. Các cấp Hội linh hoạt tổ chức cho chị em học tiếng phổ thông bằng nhiều hình thức như: Chồng dạy vợ, con dạy mẹ, học qua bạn bè; thành lập nhóm chị em nòng cốt, nhóm học qua sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm học qua sinh hoạt chi, tổ, hội và nhóm tự học.

Sau học tiếng, Hội phối hợp với ngành Giáo dục mở các lớp xóa mù chữ cho chị em. Biết tiếng phổ thông và biết chữ, chị em tự tin hơn trong giao tiếp, tiếp thu được các kiến thức của cuộc sống thường nhật qua các kênh truyền hình, nghe đài phát thanh, thông qua sinh hoạt chi, tổ, hội, từ đó có kiến thức để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Hội phụ nữ các cấp đã phối hợp với các phòng Giáo dục mở 92 lớp xóa mù chữ cho 2.195 phụ nữ tham gia học tập.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Sở GD&ĐT tổ chức ký kết Chương trình phối hợp “Xóa mù chữ cho hội viên, phụ nữ giai đoạn 2017- 2021” với mục tiêu đến hết năm 2021 sẽ phối hợp vận động và tổ chức mở 60 lớp xóa mùa chữ cho trên 1.600 hội viên, phụ nữ.

Theo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Giang, việc dạy tiếng phổ thông cho phụ nữ dân tộc đã giúp các chị em phụ nữ tự tin hơn trong giao tiếp, từ đó có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận các chính sách, mô hình sản xuất, áp dụng để vươn lên thoát nghèo.

Cùng với các hoạt động khác việc triển khai Đề án xóa mù chữ cho phụ nữ dân tộc các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Hà Giang đã góp phần giúp được 24.099 phụ nữ DTTS thoát nghèo. 

Không ít thách thức

Từ năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” với mục tiêu là xóa mù chữ cho 1,2 triệu người trong độ tuổi từ 15-60, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 98%.

Đối với 14 tỉnh miền núi, biên giới có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn (Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Kon Tum, Gia Lai, Ninh Thuận, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh), việc xóa mù phải đạt 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ đồng bào DTTS ở độ tuổi trên 15 không biết đọc, biết viết hiện vẫn ở mức khá cao (gần 22%).

Đánh giá về thực trạng mù chữ ở đồng bào DTTS, tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển dân tộc thiểu số - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Uỷ ban Dân tộc tổ chức mới đây, ông Nguyễn Cao Thịnh- phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Uỷ ban Dân tộc) cho biết, nếu mỗi năm giảm 1,2% theo kỳ vọng trong Quyết định 1557 của Thủ tướng Chính phủ thì 6 dân tộc Lự, La Hủ, Mảng, Mông, Cơ Lao phải cần đến trên 40 năm, nghĩa là phải năm 2057 thì các dân tộc đó mới có thể đạt được con số gần 100% biết chữ. Các dân tộc khác cũng phải mất 34 năm.

Phản ánh từ các địa phương cho thấy, do bất bình đẳng giới, phụ nữ dân tộc hầu như không được đến trường. Đây cũng chính là lý do khiến tỷ lệ phụ nữ DTTS mù chữ khá cao.

Bên cạnh đó, dù ở các địa phương đều có ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cấp xã, nhưng các ban này hoạt động cầm chừng, chưa thật sự quan tâm tới công tác xóa mù chữ.

Trong khi đó kinh phí ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, tài liệu học xóa mù chữ chưa phù hợp, việc huy động người dân đến lớp học đôi khi chỉ theo phong trào hay chỉ để đủ sĩ số... 

Để đạt được mục tiêu như Đề án đặt ra, thiết nghĩ cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan, từ Trung ương tới địa phương.

Các tỉnh có đông đồng bào DTTS phải mở rộng độ tuổi xóa mù chữ và chú trọng xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái. Lồng ghép vừa dạy chữ vừa giúp bà con cập nhật kiến thức chăn nuôi trồng trọt, áp dụng vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống…

Những cán bộ, giáo viên tham gia công tác xóa mù chữ ở vùng đồng bào DTTS nhất thiết phải biết tiếng dân tộc.

Xây dựng chính sách đãi ngộ đối với những người tham gia giảng dạy. Như vậy mới có thể huy động các lực lượng dạy chữ hiệu quả như: cán bộ hưu trí, hội viên các hội, đoàn thể và cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng.    

Lan Hương

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ