A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dạy thêm, học thêm: Cấm có hiệu quả?

09:40 | 09/10/2017

Theo PGS TS Phạm Tất Dong- phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, khi lương giáo viên chỉ có 2 triệu đồng/tháng, nếu còn thi cử như ở Việt Nam hiện nay thì không bao giờ cấm được dạy thêm học thêm, không bao giờ cấm được lò luyện thi.

Ảnh minh họa.

“Vẫn ngang nhiên”

Trong bức tâm thư về trường tư thục nổi tiếng ở Hà Nội, vị phụ huynh đã chỉ ra việc nhà trường yêu cầu học sinh đi học hè, thực chất là học sách mới từ 3/7.

“Theo cách giải thích của nhà trường, vì là dân lập, vì tự chủ tài chính nên việc quyết định học vào thời điểm nào là quyền của trường. Hơn nữa, nhiều gia đình cũng không muốn con nghỉ hè quá lâu nên “mong muốn” cho con đến trường. Năm nay, sau khoảng 2 tuần đến lớp, chắc Sở GD&ĐT cũng biết chuyện nên các học sinh được phát phiếu để gia đình “tự nguyện” đăng ký cho con học hè. Như vậy- tại phụ huynh muốn con học sớm đấy nhé! Nhà trường chỉ đáp ứng nhu cầu mà thôi…”- bức thư viết. 

Đó là học hè, còn việc học thêm (học ngoài giờ chính khóa), theo vị phụ huynh này bắt đầu sau khoảng 2-3 tháng con chính thức vào lớp 10 với thời lượng 3 buổi sáng trong tuần.

Dạy thêm công khai, ngay tại trường và lượng bài tập về nhà của ngôi trường này “phải tính ở 2 con số” nhưng học sinh nếu không muốn bị tụt hậu so với các bạn thì đều đi học thêm vào buổi tối hoặc ngày nghỉ.

Câu chuyện này không phải là cá biệt. Việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định được nhà trường “hợp thức hóa” bằng một tờ đơn xin học hè, học thêm và phụ huynh thì không thể không cho con đi học vì thực chất, như phụ huynh bức thư nêu, học hè nhưng học kiến thức mới, hoàn toàn không phải ôn tập kiến thức cũ.

Học tăng cường trong năm học cũng không thể bỏ qua nếu các em không muốn bị tụt hậu so với chúng bạn. Đó là chưa kể học thêm tại các trung tâm, tại nhà thầy cô vào thời gian được nghỉ… 

Việc Hà Nội ban hành văn bản “siết” dạy thêm học thêm vừa qua không phải là lần đầu tiên. Vài năm gần đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhiều lần ban hành văn bản quy định nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm.

Cũng như việc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các trường tuyệt đối không tổ chức dạy học, ôn tập văn hóa trong tháng 6 và tháng 7 cho học sinh, kể cả dạy chữ trước khi vào lớp 1... Thế nhưng, việc dạy và học thêm vẫn cứ ngang nhiên diễn ra, bất chấp những quy định và “lệnh cấm”.  

Cách nào?

Không thể phủ nhận nhu cầu dạy thêm học thêm xuất phát từ phía gia đình học sinh là có thật. Như giải thích lãnh đạo một trường tư thục nổi tiếng ở Hà Nội rằng, nhà trường đã quy định rõ, giáo viên không được bớt giờ trên lớp, phải dạy đủ số tiết, số bài và không được phép lôi kéo học sinh về nhà mình dạy thêm hay lôi kéo đến các trung tâm mà mình đang dạy. Những giáo viên nào vi phạm chúng tôi sẽ kỷ luật ngay, thậm chí cắt hợp đồng.

Tuy nhiên, làm sao cấm được việc học sinh học kém có nhu cầu học để theo kịp các bạn? Trong lớp có những bạn quá kém thì sẽ được giáo viên bổ trợ, dạy phụ đạo cho và đó là nhu cầu của phụ huynh.

Đồng thời nhiều giáo viên cũng có nhu cầu dạy thêm để tăng thu nhập- một nhu cầu chính đáng như lời tâm sự đầy chua xót của những người thầy, rằng lấy nghề nuôi nghề có gì sai?

Một cô giáo từng là thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, là một trong 98 thủ khoa xuất sắc được vinh danh năm 2015 được tuyển thẳng vào dạy tại một trường cấp 2 công lập ở Hà Nội từng tâm sự, lương mới ra trường rất thấp, cô vẫn phải đi thuê nhà nêu nếu không dạy thêm thì hàng tháng vẫn phải xin tiền bố mẹ như thời sinh viên.

Nhưng để không mang tiếng là bắt buộc học sinh, cô không nhận dạy ở nhà học sinh mình dạy ở lớp chính khóa mà đầu quân cho một trung tâm ở Hà Nội.

“Chỉ những phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm, hỏi trực tiếp thì tôi giới thiệu đang dạy ở trung tâm A, ai thích thì đăng ký học qua trung tâm, tôi hoàn toàn không gợi ý hay bắt ép”- cô giáo này tâm sự. 

Theo PGS TS Phạm Tất Dong, mọi cấm đoán đối với vấn đề dạy thêm học thêm bằng mệnh lệnh hành chính đều rất khó thành công, nếu muốn nói là không thể thực hiện.

Bởi khi đây là nhu cầu có thật của nhiều bậc phụ huynh và giáo viên, mặc dù không phải phụ huynh nào cũng muốn con học thêm chính cô dạy con mình ở trường thì việc Ban phụ huynh ở một số trường đứng ra bảm đảm việc mở lớp là do ý kiến của phụ huynh, Ban phụ huynh căn cứ nguyện vọng của cha mẹ các cháu mở lớp rồi mời thầy cô dạy thì không sở nào quản được! 

“Mọi thứ cấm đoán phải có sự bàn bạc giữa nhà trường với gia đình, không thể cấm cho có để rồi các trường sẽ phải xoay xở tìm cách để hợp thức hóa như tờ đơn tự nguyện in sẵn phụ huynh học sinh nào cũng từng gặp vài lần trong đời như chúng ta vẫn thường thấy hiện nay”- ông Dong nêu quan điểm. 

Theo ông, trẻ em cần sống hòa mình với thiên nhiên, làm quen dần với xã hội. Nhưng ở thành phố việc trẻ em chỉ biết ôm cái iPad, chơi games là có thật khiến cha mẹ thà cho con đi học thêm còn hơn.

Trẻ bị người lớn lấy mất tuổi thơ. Đáng thương và đáng tiếc cho trẻ. Vì vậy, trước hết, để triệt tiêu việc dạy thêm học thêm phải bắt đầu từ quan điểm của phụ huynh không “ép” con mình phải học thêm.

Khi không có những phụ huynh này thì nhà trường không thể tìm ra vài người đồng tình với việc dạy thêm, học thêm; các phụ huynh cùng phản đối thì nhà trường không thể ép buộc.  

Đối với các nhà trường và thầy cô, khi phát hiện việc dạy thêm, học thêm trái quy định thì cần xử phạt nghiêm khắc, không thể chỉ nhắc nhở cho qua hoặc tệ hơn là khi nhận được phản ánh lại bao che, không thừa nhận.

Đồng thời, với ý kiến cho rằng cần tăng thêm lương, phụ cấp của giáo viên để đáp ứng nhu cầu thực tế cuộc sống cũng cần được xem xét. 

“Hiện đồng lương của giáo viên nếu ở miền núi thì đúng là không thấp vì ít thứ phải chi tiêu trong khi ở thành phố lớn thì quả thật rất khó thu vén cuộc sống với 2, 3 triệu đồng, nhất là những người còn phải đi thuê nhà…”- ông Dong tâm tư. 

    Thu Hương

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ