A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thi THPT quốc gia 2018: Ôn tập thế nào cho hiệu quả?

08:21 | 11/10/2017

Với định dạng đề thi giống như năm 2017, cùng các đề thi minh họa, đề thi chính thức đã được công bố, Bộ GD&ĐT khẳng định không cần thiết phải công bố đề thi minh họa nữa.

Thời gian tới, Bộ sẽ ban hành công văn hướng dẫn dạy học và ôn tập phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Nhiều giáo viên và học sinh lo lắng về nội dung ôn tập ra sao để đạt kết quả cao nhất.

Học sinh cuối cấp THPT chờ hướng dẫn ôn thi.

Lo vì lượng kiến thức lớn?

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, các nhà trường và học sinh sử dụng tài liệu hướng dẫn này kết hợp với các đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm, đề thi tham khảo và đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 làm tài liệu tham khảo để dạy học và ôn tập trong năm học 2017 – 2018.

Trước đó, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết kỳ thi THPT quốc gia ngoài mục đích để xét tốt nghiệp THPT còn cung cấp dữ liệu để các trường ĐH, CĐ thực hiện tuyển sinh. Vì thế, đề thi được thiết kế có 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân hóa. 

Điều lo lắng hiện nay của nhiều giáo viên và phụ huynh là năm nay nội dung thi sẽ bao gồm chương trình lớp 11 và 12, vậy thì tỷ lệ cụ thể sẽ ra sao? Chẳng hạn, đối với môn Lịch sử, phần kiến thức ở mức ghi nhớ tương đối nhiều, nếu học dàn trải cả lớp 11 và 12 mà không rõ tỷ lệ câu hỏi của đề thi thì có thể sẽ dẫn đến việc thiệt thòi cho học sinh. 

“Chúng tôi không thể tự phán đoán rồi hướng dẫn các em ôn tập theo kiểu học phần này, bỏ phần kia. Tuy nhiên, nếu cứ học cả chương trình lớp 11 và 12 với thời lượng như nhau trong khi ở đề thi thực tế, số câu hỏi liên quan đến chương trình lớp 11 chỉ chiếm 30% toàn bài thì kết quả sẽ kém hơn hẳn. Hy vọng trong phần hướng dẫn ôn tập sắp tới, Bộ sẽ đưa ra nội dung ôn tập chi tiết để cô và trò chúng tôi cùng cố gắng”- cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên môn Lịch sử ở Hà Nam chia sẻ. 

Đối với môn Sinh học, nhiều giáo viên cũng bày tỏ lo lắng vì trong 10 năm trở lại đây, đề thi Sinh học không bao gồm kiến thức lớp 11. Thầy Thịnh Văn Nam- giáo viên môn Sinh học Trường THPT Đoàn Kết (Hà Nội), cho rằng với sự thay đổi của năm nay, lượng kiến thức cần học sẽ tăng lên là đương nhiên.

Các giáo viên trong tổ bộ môn đang chờ tài liệu hướng dẫn ôn tập từ Bộ để xây dựng đề cương ôn tập chi tiết cho học sinh của mình, trước mắt vẫn là dạy theo chương trình sách giáo khoa với phương châm dạy đến đâu kỹ đến đấy, cố gắng để học sinh nắm được luôn thay vì dồn đến thời gian ôn tập cuối năm sẽ rất gấp rút. 

Học đầy đủ, tránh “tủ”

Hiện nay, đã có một bộ tài liệu hướng dẫn ôn tập Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở tất cả các môn, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh và Giáo dục công dân do Sở GD&ĐT Tuyên Quang công bố.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Tuyên Quang cho biết, Sở đã tổ chức hội thảo xây dựng chương trình và tài liệu ôn tập dành cho giáo viên và học sinh lớp 12, sau đó tập hợp thành tài liệu nhằm giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy và học tập, nhằm đạt kết quả cao nhất trong Kỳ thi thi THPT quốc gia 2018.

Theo đó, tài liệu ôn tập môn Toán, Vật lý, Hóa học... được xây dựng theo các chủ đề/chuyên đề của cả lớp 11 và lớp 12; mỗi chủ đề/chuyên đề bao gồm các phần: Kiến thức cơ bản, Luyện tập và Các câu hỏi trắc nghiệm. Yêu cầu của tài liệu là đảm bảo phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình; bao quát toàn bộ nội dung của lớp 11 và lớp 12; đảm bảo tính chính xác, khoa học; câu hỏi trắc nghiệm đạt yêu cầu theo quy định của ra đề thi trắc nghiệm chuẩn hóa.

Riêng đối với môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, khung chương trình ôn tập chia theo từng phần như đề thi minh họa gồm phần đọc hiểu, làm văn (nghị luận văn học và kỹ năng dựng đoạn văn nghị luận xã hội theo những yêu cầu khác nhau).

Trong khi chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các trường có thể tham khảo tài liệu này được Sở GD&ĐT Tuyên Quang đăng tải công khai trên trang web của Sở. 

Nhìn nhận về đề xuất Bộ GĐ&ĐT nên công bố thêm ma trận đề thi để các trường nắm được tỷ lệ nội dung kiến thức nằm ở 4 mức ghi nhớ, nhận biết, vận dụng cấp thấp, vận dụng cấp cao như thế nào, từ đó có hướng dẫn cho phù hợp, một chuyên gia giáo dục cho rằng đây là nguyện vọng chính đáng từ phía người dạy và học. 

Tuy nhiên, đối với đề thi minh họa và hướng dẫn ôn tập, vị chuyên gia này cho rằng không cần thiết, chỉ định hướng cho việc dạy thêm và bán tài liệu hướng dẫn ôn tập.

“Bộ chủ trương mở rộng dần kiến thức qua từng năm thi để tránh việc học lệch, học tủ của thầy và trò là rất hợp lý. Nếu phát hành một cuốn cẩm nang hướng dẫn thi tốt nghiệp dành cho học sinh như trước khi gộp 2 kỳ thi trước đây với nội dung chi tiết hay bộ đề thi thì chẳng khác nào đưa ra giới hạn đề thi mất rồi. Tôi cho rằng thầy giáo và học sinh cứ dạy và học cho đầy đủ, cho tốt, việc ra đề thi như thế nào là của Bộ GD&ĐT, miễn là đề thi hay và đạt yêu cầu của kỳ thi” – vị chuyên gia này phân tích.

Thí sinh được làm cả 2 bài tổ hợp 

Bộ GD&ĐT vừa công bố lộ trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH - CĐ chính quy từ năm 2018. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được chọn dự thi cả hai bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Điểm bài thi nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT.

Cụ thể, kỳ thi sẽ có 5 bài thi, bao gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Hai bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong số 5 bài thi này, trừ bài thi Ngữ văn được tổ chức theo hình thức thi tự luận, các bài thi còn lại đều được tổ chức theo hình thức thi trắc nghiệm.

Theo lộ trình, kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH - CĐ hệ chính quy năm 2019 và năm 2020 cũng vẫn cơ bản được triển khai theo phương án tổ chức kỳ thi của năm 2018 với các bài thi, hình thức thi như trên. 

M.Quang

Thu Hương

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ