A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Tiếp cận căn bản và có độ mở

08:51 | 07/11/2017

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đang được xây dựng....

... Theo đó, trong bối cảnh phát triển rất nhanh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với chương trình GDPT và sách giáo khoa (SGK) mới phải phù hợp với điều kiện của đất nước, mang tính kế thừa và đổi mới, không hoàn toàn mới tinh.

Ảnh minh họa.

 
Sách giáo khoa: Trăm hoa đua nở nhưng không thể tùy tiện
 
Nhấn mạnh đến tính kế thừa và đổi mới của chương trình và SGK, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, không phải ban soạn thảo đưa ra một chương trình rất mới mà đổi mới ngay từ cấu trúc lại chương trình hiện hành theo hướng cụm các vấn đề logic với nhau, từ đấy nhấn mạnh việc đổi mới phương pháp. 
 
“Đổi mới là khắc phục bất cập và tiếp thu một số thành tựu về khoa học, giáo dục của thế giới. Như vậy, quá trình đổi mới là quá trình liên tục, không phải đợi đến năm 2019 mới đổi mới mà thực tế trong ngành chúng tôi phải chỉ đạo đổi mới ngay cả chương trình hiện hành, trong một số môn, trong một số nội dung cấu trúc lại và tăng cường đổi mới phương pháp để tránh hạn chế tình trạng dạy theo hướng truyền thụ một chiều. Chỗ nào tốt thì làm tiếp, tập huấn, chỗ nào khó khăn thì dần dần. Trong quá trình chuyển đổi, chúng tôi có hỗ trợ theo chương trình hỗ trợ giáo viên, các cán bộ cốt cán. Các công việc này phải đan xen với nhau, đồng bộ với nhau, đồng tốc, đồng hành, không phải là tách riêng ra”- bộ trưởng cho biết. 
 
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đối với những kiến thức cơ bản, nền tảng thì ổn định, có độ mở về phương pháp, dành ra 20% để có giáo dục của địa phương, nhưng phải logic với chương trình tổng thể.
 
Đối với vấn đề viết SGK, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết Bộ khuyến khích các nhóm tác giả và cá nhân tham gia viết sách, nhưng phải dựa trên khung cơ bản và có sự thẩm định để đảm bảo sự thống nhất và căn bản, không phải tùy tiện. Để làm được điều đó, phải tính rất kỹ đến vấn đề hướng dẫn, đảm bảo được dân chủ, nhiều người tham gia để thu hút được trí tuệ nhưng cũng phải có định hướng, tránh gây ra những điều không tốt cho giáo dục. 
 
Hiện Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) được giao chủ trì phối hợp cùng một số đơn vị liên quan xây dựng thông tư quy định tiêu chuẩn, tổ chức được phép biên soạn SGK, tiêu chí đánh giá SGK và tổ chức hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
 
Trước đó, trả lời báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết- tổng chủ biên chương trình GDPT mới cũng ủng hộ quan điểm càng huy động được nhiều người tham gia viết SGK càng tốt. Tuy nhiên, nếu 63 Sở GD&ĐT trên cả nước cùng đăng ký tổ chức biên soạn SGK thì rất khó kiểm soát. Ngay cả nếu Sở đứng ra tổ chức biên soạn SGK thì vì vị nể, các trường học trên địa bàn sẽ khó thực hiện quyền lựa chọn bộ SGK mình muốn theo học. Vì vậy, giải pháp là các Sở có thể xây dựng phần nội dung gắn với từng địa phương để đưa vào phần kiến thức mở được quy định trong chương trình. 
 
Mời giáo viên phản biện
 
Khác với nhiều lần đổi mới trước đây, Bộ GD&ĐT cho biết đã và đang lấy ý kiến trực tiếp của các thầy cô đang đứng lớp tham gia vào việc xây dựng chương trình. Đây hoàn toàn không phải là chương trình chỉ của riêng một số chuyên gia mà có sự tham gia của các thầy cô giáo đứng lớp thông qua giáo viên chủ chốt được Bộ trưởng kỳ vọng khi triển khai trong thực tế sẽ không còn quá xa lạ. 
 
Hiện khung chương trình tổng thể đã cơ bản là xong, tiếp đến là xây dựng các chương trình môn học. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức phản biện, trong đó đặc biệt mời các giáo viên cốt cán ở các địa phương, các trường tham gia từ thành phố cho đến vùng hải đảo để khi chương trình đưa ra gần gũi và triển khai được ngay, ít gặp khó khăn.  
 
“Chúng tôi có hướng dẫn cách xây dựng chương trình môn học và không phải chỉ là một nhóm các nhà khoa học viết mà chúng tôi sau khi có hướng dẫn, có khung thì mời rộng rãi các giáo viên tham gia để làm sao chương trình sau đó được thẩm định”- bộ trưởng Nhạ khẳng định. 
 
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, một số chuyên gia giáo dục bày tỏ sự ủng hộ đối với cách làm này của Bộ GD&ĐT. Bởi những thầy cô trực tiếp đứng lớp hơn ai hết, sẽ là người quyết định thành bại của lần đổi mới giáo dục này. Khi được mời tham gia phản biện ngay từ khi xây dựng chương trình, sau đó là viết SGK thì chắc chắn sẽ có những đóng góp thiết thực không chỉ về mặt kiến thức mà còn là phương pháp giảng dạy, truyền đạt làm sao để đến gần với học sinh nhất. 
 
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Tất Dong- phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam lưu ý việc góp ý thông qua các giáo viên chủ chốt có thể sẽ khiến ý kiến có thể không được sát thực tế do không phải giáo viên nào cũng có thể bày tỏ hết tâm tư nguyện vọng của mình. Giáo dục Việt Nam đã có những bài học như mô hình trường học mới VNEN, khi triển khai ở cơ sở không phải giáo viên nào cũng đồng tình ủng hộ, thậm chí cả ban giám hiệu cũng nhận thấy bất cập nhưng khi báo cáo lên phòng, lên Sở thì mấy người dám nói thẳng, nói thật? 
 
Vì vậy, nếu muốn tiếp nhận phản biện khách quan, chân thực nhất từ 1 triệu giáo viên trên cả nước, Bộ GD&ĐT có thể thông qua các tổ chức như MTTQ Việt Nam, Hội Khuyến học… hoặc các diễn đàn trên các phương tiện truyền thông đại chúng để ghi nhận ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà giáo, đặc biệt là những thầy cô đang ngày ngày gắn bó với bục giảng và học sinh. 
 
Thu Hương
 

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ