A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đảm bảo bình đẳng giới trong sách giáo khoa mới

14:13 | 13/11/2017

Những năm gần đây, Việt Nam đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

Nhiều ý kiến đề xuất cần đưa việc thông tin truyền thông về giới, bình đẳng giới vào chương trình giáo dục trong nhà trường, trong các hoạt động của cơ quan và sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
 
Cần thay đổi việc bất bình đẳng xuất hiện trong sách giáo khoa. Nguồn: Zing.
 
Bình đẳng giới từ chương trình học
 
Nhìn vào chương trình SGK hiện hành, có thể thấy nhiều các chi tiết về bất bình đẳng giới. Cụ thể, báo cáo của Bộ GD&ĐT từ kết quả phân tích 76 cuốn SGK của 6 môn học từ lớp một đến lớp 12, trong tổng số hơn 8.000 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản cho thấy: Nam giới chiếm 69%, nữ chiếm 24%, còn lại 7% là trung tính về giới. Trong đó, càng lên cấp học cao sự chênh lệch giữa nhân vật nam so với nữ càng lớn, nhất là ở cấp THPT. Nghề nghiệp của nhân vật nam giới trong SGK cũng đa dạng hơn nghề nghiệp của nữ giới.
 
Theo PGS.TS Hoàng Bá Thịnh- Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT), trong SGK hiện hành, nam giới thường là những nhân vật có vị trí trong xã hội như giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, anh hùng, công an, bộ đội. Nữ giới thường được nhắc đến ở những công việc như làm ruộng, làm nông nghiệp, chăn nuôi, nội trợ, giáo viên... Điều này vô tình phản ảnh địa vị, vị trí trong xã hội của phụ nữ thấp hơn nam giới. Về lâu dài, nếu tiếp tục để như thế sẽ ảnh hưởng đến tư duy học sinh là những công việc đó chỉ dành cho phụ nữ. 
 
Ở một góc độ khác, việc bất bình đẳng cũng không chỉ dừng lại ở phụ nữ mà cần cân đối ở hai giới. Bởi hiện cái nhìn cũng có những thiên lệch tiêu cực với nam giới trong SGK trong khi nữ giới cũng có những hành vi tương tự. Chẳng hạn, những hành vi sai lệch xã hội như nghịch đùa, làm hư hỏng cái này cái khác, vi phạm luật giao thông… hầu hết gắn với nam giới. Do đó, theo ông Thịnh, cần xây dựng bộ SGK mới với những sửa đổi về hình ảnh và nội dung nhằm tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới.
 
Chia sẻ quan điểm này, Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) cho biết, ở lĩnh vực giáo dục, xưa nay trong tài liệu giảng dạy SGK, chúng ta thấy cũng thiên về hình mẫu, khuôn mẫu của người nam phải mạnh mẽ, quyết đoán là một đấng anh hùng, khí phách hiên ngang. Còn phụ nữ phải dịu hiền, chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh.
 
Chúng ta đồng tình rằng đây là những phẩm chất làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam nhưng trong thời kỳ mới này để đáp ứng xu thế mới, chúng ta cần bổ sung những phẩm chất khác mà xã hội đòi hỏi của một nhà khoa học, của một nữ lãnh đạo, của một nhà hoạt động xã hội. Đại biểu mong rằng, Bộ GD&ĐT trong biên soạn chương trình SGK mới cũng hết sức nghiên cứu vấn đề này.
 
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về bình đẳng giới, Khoản 2 Điều 23 của Luật Bình đẳng giới đã nhấn mạnh cần đưa việc thông tin truyền thông về giới, bình đẳng giới vào chương trình giáo dục trong nhà trường, trong các hoạt động của cơ quan và SGK phổ thông mới.
 
Cần có ban thẩm định SGK về vấn đề giới
 
GS Nguyễn Minh Thuyết- tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, ban soạn thảo rất coi trọng vấn đề này. “Chúng tôi sẽ coi vấn đề về bình đẳng giới là nội dung chính trong chương trình mới chứ không đơn thuần là lồng ghép, đặc biệt sẽ là nội dung chính của một số môn như giáo dục công dân, các môn học KHTN, hoạt động trải nghiệm... và triển khai dạy tích hợp trong một số môn, trong đó có môn Ngữ văn”- GS Thuyết nói.
 
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Kim Khôi- đại diện Ban soạn thảo và Đổi mới SGK khẳng định, chương trình SGK phổ thông sắp tới sẽ được lồng ghép và tăng cường yếu tố nhận thức giới, bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới tính. 
 
Cụ thể, các nhân vật nữ sẽ được thay đổi, không nghiêng về hình tượng người phụ nữ đau khổ, than thân trách phận nữa. Tỷ lệ nam - nữ xuất hiện trong SGK sẽ cân bằng hơn, giảm thiểu suy nghĩ chỉ có nam giới mới làm những việc lớn. Việc này sẽ giúp tháo gỡ và giảm thiểu những sự bất công giới tính trong giáo dục. 
 
Đồng thời, trong cuốn sách mới sẽ nhấn mạnh vai trò của phụ nữ như những người làm kinh tế, đồng thời khẳng định, nhấn mạnh sự đóng góp của nữ giới trong sự nghiệp, vai trò hiện tại và tương lai của họ trong xã hội; không nhấn mạnh vai trò “kép” của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
 
Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Hội có khả năng đầu mối tổ chức và phối hợp triển khai nhằm thúc đẩy quá trình lồng ghép giới trong xây dựng chương trình phổ thông và viết SGK phổ thông như: Tham gia các Hội đồng tư vấn, tham vấn về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, thẩm định chương trình và SGK phổ thông; phối hợp xây dựng và vận hành mô hình tư vấn học đường tại trường học, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường trong học sinh; biên soạn và cung cấp tài liệu tăng cường kết nối giữa cha mẹ và con cái, gia đình và nhà trường, trong đó có nội dung giáo dục về giới và bình đẳng giới.
 
Lưu ý thêm, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình giáo dục phổ thông là vấn đề rộng và rất khó, không chỉ về giới trong SGK mà còn làm thế nào để nâng cao nhận thức giới cho thầy cô giáo, nhận thức trong quá trình viết sách. 
 
Bên cạnh đó, TS Khuất Thu Hồng- viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đề xuất việc lồng ghép yếu tố giới rất cần sự linh hoạt, uyển chuyển trong SGK và chương trình. Ở tất cả các môn học đều có thể lồng ghép điều này, vấn đề mấu chốt là ở nhận thức của người xây dựng chương trình, biên tập SGK. Tuy nhiên, điều này không dễ nên theo bà Hồng, cần phải có ban thẩm định, các vấn đề lồng ghép như thế nào, đã đạt chất lượng chưa, đã đúng hay chưa, thẩm định SGK, triển khai giảng dạy và thẩm định cả chất lượng học sinh sau 1 năm học, các em được học những gì, kiến thức của các em về điều này như thế nào sau 1 năm học… Làm được như vậy mới có hiệu quả. 
 
Thu Hương

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ