A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

8 năm, đào tạo 9.000 tiến sĩ: Có chạy theo số lượng?

16:37 | 13/11/2017

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến chi 12.000 tỉ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ cho các trường ĐH, để đến năm 2025 nâng tỉ lệ giảng viên là tiến sĩ lên 35%

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa xây dựng dự thảo Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2018-2025". Theo đó, đề án sẽ tập trung vào hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Phấn đấu đến năm 2025, nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các trường ĐH.

Đào tạo 5.000 tiến sĩ ở trường uy tín thế giới

Trong số 9.000 tiến sĩ cần đào tạo, khoảng 5.000 người sẽ được đào tạo tại các trường ĐH có uy tín trên thế giới (từ 2017 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600-700 người). 500 tiến sĩ được đào tạo theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và trường ĐH nước ngoài. Từ năm 2017 đến năm 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người. Ngoài ra, sẽ đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường ĐH đã được kiểm định ở Việt Nam. Bộ GD-ĐT cũng đặt ra mục tiêu thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục ĐH đến làm việc tại các trường ĐH tại Việt Nam.

8 năm, đào tạo 9.000 tiến sĩ: Có chạy theo số lượng? - Ảnh 1.

Nghiên cứu sinh nhận bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Bách khoa TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 12.000 tỉ đồng, bao gồm 10.200 tỉ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 và 1.800 tỉ đồng từ các cơ sở giáo dục ĐH và đối tượng thụ hưởng đề án.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết năm học 2016-2017, tổng số cơ sở giáo dục ĐH trên toàn quốc là 235, số lượng giảng viên trong các cơ sở giáo dục ĐH là 72.792 người (công lập: 57.634 người; ngoài công lập: 15.158 người). Trong đó, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người (chiếm 22,7%); trình độ thạc sĩ là 43.127 người (chiếm 59,2%). Toàn ngành giáo dục hiện có 4.687 giáo sư và phó giáo sư (chiếm 6,4% tổng số giảng viên), trong đó 574 giáo sư (chiếm 0,8%) và 4.113 phó giáo sư (chiếm 5,6%).

Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục ĐH còn thấp, chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo.

Phải đảm đảm bảo chất lượng

Hiệu trưởng một trường ĐH lớn đóng tại Hà Nội cho rằng đề án này là hợp lý vì thực tế tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường còn rất khiêm tốn (chỉ chiếm 23% tổng số giảng viên), chất lượng tiến sĩ cũng lại chưa cao.

"Nhiều giảng viên còn hạn chế về năng lực tổ chức và hợp tác nghiên cứu khoa học. Số lượng các công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus của Việt Nam rất khiêm tốn. Không ít trường nhiều năm liền không có công trình, bài báo công bố quốc tế nào" - vị hiệu trưởng này phân tích.

Ông cũng nói thêm: Thống kê cho thấy Việt Nam có 9.000 giáo sư - phó giáo sư, hơn 24.300 tiến sĩ nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước trong khu vực. Trong đợt xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2015, chỉ có 3/28 hội đồng ngành mà 100% tân giáo sư, phó giáo sư có công bố quốc tế (vật lý, toán học và CNTT), có 10/28 hội đồng ngành không có công bố quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và Phát triển, đặt vấn đề: "Làm thế nào để việc đào tạo tiến sĩ phải bảo đảm chất lượng, thay vì chạy theo số lượng?". Theo ông, bên cạnh việc tuyển chọn đầu vào chặt chẽ, kiểm soát nghiêm túc chất lượng đầu ra của các luận án thì cần có một cơ chế đãi ngộ xứng đáng đối với các tiến sĩ này. "Cuộc đời cần có cả hoa hồng và bánh mì, cần phải có cả những ràng buộc lẫn định hướng sắp xếp công việc cho nghiên cứu sinh sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ để họ yên tâm với công việc của mình" - ông Vịnh nói.

Đồng quan điểm, giáo sư Nguyễn Đình Đức, ĐHQG Hà Nội, cho rằng việc sử dụng công bằng và đãi ngộ thỏa đáng chính là động lực để người học hoặc phải tập trung nghiên cứu, học tập thật giỏi để có thể giành được học bổng hoặc sẵn sàng đầu tư cho việc học và đào tạo nâng cao trình độ của chính mình.

Đánh giá nhu cầu tiến sĩ

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiến hành rà soát đánh giá nhu cầu đào tạo tiến sĩ của các cơ sở đào tạo về số lượng, cơ cấu (theo lĩnh vực, ngành, chuyên ngành), xác định các lĩnh vực, ngành, chuyên ngành trọng tâm cần ưu tiên đầu tư đào tạo sớm với số lượng bảo đảm theo nhu cầu thực tế của công tác đào tạo nhân lực. Tăng mức đầu tư, hỗ trợ cho các đối tượng học nghiên cứu sinh, có giải pháp và hỗ trợ họ đối với việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, đăng bài báo quốc tế và các kinh phí cần thiết, đáp ứng yêu câu học tập nghiên cứu để trở thành tiến sĩ.

YẾN ANH

 

    Nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ