A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thận trọng với đề xuất chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ

14:33 | 16/11/2017

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có dự thảo Đề án trình Chính phủ: "Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025".

Theo đó, Bộ dự kiến sẽ chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ. Trong đó, kinh phí từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%.
 

Nâng chất lượng giảng viên đại học

Cụ thể, trong số 9.000 tiến sĩ cần đào tạo đó sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ năm 2017 đến năm 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài.

Sẽ có khoảng 500 tiến sĩ được đào tạo theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và nước ngoài. Từ năm 2017 đến năm 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người.

Ngoài ra, cả nước sẽ đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường ĐH đã được kiểm định trong nước và dự kiến sẽ thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ở các cơ sở giáo dục ĐH đến làm việc tại các trường ĐH Việt Nam.
Bên cạnh đó, đề án cũng đưa ra mục tiêu bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý và hội đồng, hiệu trưởng, viện trưởng các trường ĐH và bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp cho 100% giảng viên.

Với kinh phí dự kiến khoảng 12.000 tỷ đồng, Bộ GD&ĐT cho biết 10.200 tỷ đồng là số tiền lấy từ kinh phí còn lại của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt trước đó và 1.800 tỷ đồng từ các cơ sở giáo dục ĐH, đối tượng thụ hưởng đề án.

Để thực hiện thành công đề án, dự thảo đưa ra 5 giải pháp bao gồm: Đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH; Thu hút tiến sĩ đến công tác đến làm việc tại các sơ sở giáo dục ĐH; Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý; Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; Đổi mới cơ chế, chính sách. Thời gian thực hiện đề án từ năm 2018 đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Có khả thi?

Lý giải về sự ra đời của đề án này, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, mặc dù hiện nước ta đã có khoảng 24.300 tiến sĩ nhưng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ hiện công tác tại các cơ sở giáo dục ĐH còn thấp và chưa hợp lý về cơ cấu, độ tuổi, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Trong đó, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực.
Đặc biệt, vấn đề chất lượng tiến sĩ ở nước ta vẫn còn nhiều tranh cãi. Cụ thể, thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 23.300 tiến sĩ nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của nước ta lại thua xa với nhiều nước trong khu vực.

Trong thời gian 10 năm (từ 1996 - 2005), các nhà khoa học nước ta chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Kết quả này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, 1/3 so với Malaysia và 1/14 so với Singapore. Ngoài ra, trong giai đoạn 2006 - 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có... 1 bằng sáng chế.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT cho rằng việc đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ, đặc biệt việc cử giảng viên đi đào tạo tại các trường ĐH có uy tín trên thế giới, là điều hết sức cần thiết.

Dưới góc độ chuyên gia giáo dục có nhiều năm gắn bó với công tác quản lý khối trường ĐH, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc Bộ GD&ĐT đưa ra mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo ĐH nói chung và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ĐH trong nước nói riêng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa ra con số mong muốn là 9000 tiến sĩ trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2025, tầm nhìn 2030 thì không rõ dựa trên những căn cứ nào?

“Khi xác định chỉ tiêu này, không hiểu Bộ GD&ĐT căn cứ vào cơ sở nào? Trong thực tế, Bộ GD&ĐT đã từng có nhiều đề án đặt ra mục tiêu rất lớn, trong một khoảng thời gian ngắn nhưng cuối cùng lại không thể thực hiện được vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là chưa tính đến sự phù hợp với thực tế đào tạo trong nước. Chúng ta đã có nhiều bài học nên dư luận lo ngại với đề án này cũng là dễ hiểu, đặc biệt là trong thời gian qua, các câu chuyện về những lò đào tạo tiến sĩ, đào tạo tiến sĩ siêu tốc, tiến sĩ “dỏm”... cả ở trong và ngoài nước gây bàng hoàng, mất niềm tin”- ông Khuyến nhấn mạnh.

Băn khoăn về chất lượng

Bên cạnh lo lắng về con số 9.000 tiến sĩ có đạt được trong thời gian từ 2018-2025, nhiều chuyên gia chia sẻ nỗi lo về chất lượng đào tạo tiến sĩ liệu có đáp ứng được yêu cầu đặt ra?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc đào tạo tiến sĩ khoa học không thể vội vàng. Đây là bậc học đòi hỏi những tiêu chí, tiêu chuẩn khá cao về trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, chuyên môn trong lĩnh vực được đào tạo… Để tuyển chọn được những người đáp ứng được các tiêu chí này theo học ở nước ngoài, sau đó đặt ra các yêu cầu ràng buộc để họ trở về công tác trong các cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước là một thách thức lớn vì nhiều trường hợp người tài đã đi và không/chưa trở về ngay. Họ chấp nhận đền bù một số tiền lớn hơn chi phí Nhà nước bỏ ra để ở lại nước ngoài, dẫu có thể có những đóng góp gián tiếp nhưng rõ ràng, đứng ở góc độ đề án là một sự thất bại.

“Chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm về vấn đề này rồi nên Bộ GD&ĐT cần đặt ra những điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn để sau khi học xong các tiến sĩ này trở về nước. Song song với đó là cơ chế đãi ngộ, môi trường làm việc sau khi trở về cần có những cải tiến để thu hút, trọng dụng người tài”- ông Nhĩ đề xuất.

Lo lắng đến vấn đề tiến sĩ “giấy”, tiến sĩ “dỏm”, TS Lê Viết Khuyến kiến nghị cần siết chặt việc đào tạo tiến sĩ trong nước, nhất là đối với các trường, các cơ sở giáo dục đào tạo không đạt yêu cầu. Cần làm nghiêm túc, chặt chẽ cả về tuyển sinh đầu vào và đầu ra chứ không thể dễ dãi như một số trường hợp đã được báo chí phát hiện trước đây.

Thu Hương

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ