A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tôn sư trọng đạo

09:16 | 20/11/2017

Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là kính trọng, biết ơn nhà giáo. Tôn sư trọng đạo là truyền thống truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một lẽ tự nhiên.

Hôm nay, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11 lại đến, thêm một dịp để mọi người, mọi nhà bày tỏ tình cảm của mình đối với thầy cô giáo.
 

Hoa thắm tặng cô.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 được tổ chức hàng năm trên phạm vi cả nước có lịch sử gắn với giáo giới toàn cầu.

Tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (Pháp), lấy tên là Liên hiệp Quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE).

Năm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (Ba Lan), FISE đã ra bản Hiến chương các nhà giáo,  gồm 15 chương.

Trong đó nhấn mạnh tới việc đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học để xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học, đấu tranh thủ tiêu các chế độ bạc đãi nghề dạy học; cùng đó là bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng của nhà giáo.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tuy chưa là thành viên chính thức của FISE, nhưng Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đã có những liên hệ nhất định với tổ chức này, nhằm tranh thủ một diễn đàn quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, cũng như ủng hộ nền giáo dục cách mạng Việt Nam.

Đầu năm 1953, Thứ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Nguyễn Khánh Toàn đã dẫn đầu Đoàn đại biểu ngành giáo dục Việt Nam tham dự hội nghị tại Vienne (Cộng hòa Áo).

Hội nghị đã chính thức kết nạp Công đoàn Giáo dục Việt Nam vào FISE. Kể từ đó, ngành giáo dục Việt Nam trở thành thành viên của đại gia đình giáo dục thế giới.

Tới tháng 8/1957, tại Warszawa, FISE đã quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm làm Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo được tổ chức đều đặn hàng năm, cả ở miền Bắc XHCN và vùng chiến khu miền Nam.

Trong những năm tháng cam go ấy, nhiều thầy giáo đã giã từ bục giảng, nhiều giáo sinh sư phạm chia tay giảng đường, thay viên phấn, cây bút bằng cây súng, ra chiến trường.

Những người thầy ở hậu phương không quản ngại khó khăn gian khổ, vẫn hàng ngày lên lớp giảng bài với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”.

Năm 1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất thì nền giáo dục cách mạng cũng thống nhất suốt từ Bắc tới Nam. Một hệ thống giáo dục nhất quán và hoàn chỉnh để đào tạo ra những thế hệ công dân mới.  

Cũng trong giai đoạn này, nhiều giáo viên trẻ đã từ giã quê hương thân yêu lên miền núi cao, tới vùng sâu vùng xa, ra hải đảo để “gieo chữ trên những vùng đất khó”. Hình ảnh của nhà giáo thật đẹp, thật cao quý, được xã hội ngưỡng mộ.

Năm 1982, thể theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em…, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982, lấy ngày 20-11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tại Điều 2 của Quyết định nêu rõ: Để ngày 20-11 có ý nghĩa thiết thực, hàng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo.

Quyết định cũng nêu rõ: Việc tổ chức ngày 20-11 hàng năm do UBND và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân.

Như vậy, việc Chính phủ lấy ngày 20-11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam chính là phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy; đồng thời gắn với tinh thần đề cao nghề dạy học trên phạm vi toàn thế giới. Nếu nói về hội nhập của đất nước, thì có lẽ đây là một biểu hiện hội nhập sớm nhất.

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, cùng với việc tri ân nhà giáo thì cũng là dịp để chúng ta nhìn sâu hơn vào nền giáo dục nước nhà, với những kỳ vọng thiết thực hơn và cũng dài rộng hơn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Người rất coi trọng và đề cao nghề dạy học. Nói chuyện với lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp 1 ngày 12/6/1956, Người khẳng định: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa.

Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu. Tuy không có gì đột xuất, nhưng rất vẻ vang. Không có tượng đồng bia đá, không có gì là oanh liệt, nhưng làm tròn nhiệm vụ là anh hùng, anh hùng tập thể”.

Người còn nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Người nhắc nhở “ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa”.

Hiện chúng ta đang tiến hành công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục nước nhà, thì vai trò rất quan trọng thuộc về đội ngũ hơn 1 triệu thầy cô giáo.

Trong công cuộc đổi mới ấy, điều căn bản là phải xây dựng cho được môi trường học đường dân chủ, lành mạnh, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò.

Chính vì thế, những tiêu cực phát sinh trong nhà trường như việc dạy thêm tràn lan, đặt ra quá nhiều khoản thu, những biểu hiện suy thoái đạo đức- cần sớm loại bỏ.

Cùng đó, trong một thế giới hiện đại với những bước tiến khổng lồ, thì việc tự nâng cao trình độ của người làm thầy là hết sức quan trọng.

Dạy học, đương nhiên phải có bằng cấp chuẩn, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì sẽ tụt hậu. Một trong những áp lực lớn đối với người làm thầy hôm nay là phải tự học.

Tự học để bổ sung kiến thức, kiến thức do tự học mà có sẽ rất bền chắc vì đó là cách tiếp thu chủ động, khác với việc thụ động tiếp thu.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin được chúc các thầy cô giáo, những người làm công tác giáo dục hạnh phúc, đào tạo ra những thế hệ công dân tốt xây dựng và kiến tạo đất nước, như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu.

Miên Thảo

 

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ