A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Năng lực ngoại ngữ của người Việt vẫn xếp hạng trung bình

14:00 | 21/11/2017

Mới đây, Tổ chức Giáo dục quốc tế Education Fist (EF) đã công bố bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ toàn cầu năm 2017 (EF EPI). Theo đó, Việt Nam đã tụt 3 bậc so với năm trước trong bảng xếp hạng này.

Học sinh làm quen với tiếng Anh.

Mức độ tiếng Anh chưa tiến bộ 

Chỉ số EF EPI năm 2017 xếp hạng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên dữ liệu kiểm tra của hơn 1 triệu người trưởng thành đã làm bài kiểm tra Anh ngữ tiêu chuẩn EF, bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa miễn phí đầu tiên trên toàn thế giới. Chỉ số xếp hạng nói trên được ra mắt chính thức tại Hạ viện Anh đầu tháng 11 vừa qua. 

Tại Lễ công bố EF EPI của tổ chức giáo dục quốc tế EF Education Fist vào cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Minh Trần - giám đốc nghiên cứu cấp cao của EF cho biết: Theo Bảng xếp hạng năm nay, châu Âu vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về trình độ tiếng Anh, với tám nước châu Âu nằm trong tốp 10.

Châu Á có chỉ số thông thạo tiếng Anh đứng hàng thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, giữa các quốc gia trong châu Á có khoảng cách rất lớn về trình độ. Mức độ thông thạo tiếng Anh có mối tương quan trực tiếp đến khả năng cạnh tranh kinh tế, phát triển xã hội và đổi mới. Các quốc gia có trình độ tiếng Anh cao hơn thường có thu nhập trung bình cao hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và được đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.

Năm nay, chỉ số của Việt Nam giảm 0,63 điểm, xếp thứ 34/80 quốc gia. So với năm 2016, Việt Nam tụt 3 hạng (năm 2016 Việt Nam xếp thứ 31/72 quốc gia). Ông Minh Trần đánh giá mặc dù chỉ giảm 0,63 điểm nhưng năm nay tăng số lượng các nước tham gia khảo sát nên Việt Nam tụt hạng đáng kể.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trong năm vừa qua, mức độ thông thạo tiếng Anh của Việt Nam không có tiến bộ nào đáng kể. 2 thành phố tại Việt Nam có khả năng thông thạo tiếng Anh cao nhất vẫn là Hà Nội và TP HCM. Xét ở khu vực rộng hơn, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng được đánh giá có chỉ số sử dụng tiếng Anh cao hơn so với các vùng còn lại.

Năm 2016, theo Bảng xếp hạng EF EPI, điểm số năng lực Anh ngữ của Việt Nam là 54,06- thang điểm 100. Ở châu Á, Việt Nam xếp thứ  7 sau các nước Singapore, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc và Hồng Kông. Còn trong năm 2015, Việt Nam được EF xếp hạng 29 trên tổng số 70 quốc gia được khảo sát. Cho dù trong 5 năm gần đây, trình độ tiếng Anh được cải thiện đáng kể, nhưng theo đánh giá xếp hạng, trình độ tiếng Anh của người Việt vẫn đang ở mức trung bình. Theo ông Minh Trần, để giữ vững mức tăng từ năm 2014 đến nay, Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào việc đổi mới chương trình học và việc đào tạo nâng cao kỹ năng của giáo viên tiếng Anh trên toàn quốc. Giáo viên nên làm quen với việc hướng dẫn cho học sinh bằng tiếng Anh, với trọng tâm là kỹ năng giao tiếp.

Sớm sửa đổi Đề án ngoại ngữ 2020

Trước đó, trong báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT nhận định việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn lúng túng, số lượng học sinh được học theo chương trình ngoại ngữ mới còn thấp so với mục tiêu của giai đoạn. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017-2025 trên cơ sở sửa đổi Đề án ngoại ngữ 2020.

Bộ GD&ĐT cho biết, Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là Đề án ngoại ngữ 2020) đã bộc lộ nhiều hạn chế như thiếu giáo viên đạt chuẩn, tỷ lệ học sinh học theo chương trình thấp...Đề án mới với tên gọi Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025, sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đáp ứng với đòi hỏi thực tiễn hiện nay  

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm học 2015-2016 cả nước có hơn 1,8 triệu học sinh học theo chương trình Đề án tiếng Anh. Đến năm 2016-2017, con số này tăng lên là hơn 4,9 triệu học sinh, trong đó đông nhất là khối tiểu học lớp 3-5 với hơn 2,1 triệu học sinh. Có 5.940 giáo viên ngoại ngữ các cấp phổ thông đã được bồi dưỡng nghiệp vụ. Tại một số trường THPT, môn Toán, Vật lý được thí điểm dạy bằng tiếng Anh, có đánh giá năng lực đầu ra ngoại ngữ của học sinh...Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng nhận định, những hạn chế trong chương trình dạy và học ngoại ngữ vừa qua hiện chưa có giải pháp cụ thể, nhất là với các vùng miền, địa phương dẫn đến việc nâng cao chất lượng giáo viên đạt chuẩn tại tất cả địa phương trở nên khó khăn.

Cùng với đó, việc dạy tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở đào tạo cũng chưa tốt dẫn đến nhiều sinh viên trước khi ra trường và sau tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ... Có thể minh chứng rõ như tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, trên 90% học sinh bị điểm dưới trung bình môn tiếng Anh, tỷ lệ thí sinh đạt điểm 2,25 chiếm cao nhất, chỉ 8,8% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên. Còn ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, phổ điểm môn tiếng Anh tuy đã nhích lên, đỉnh của đồ thị ở mốc 3,4 điểm, khoảng điểm nhiều thí sinh đạt được vẫn ở mức 2,2-5. Điểm trung bình tiếng Anh là 4,6 (cùng với Lịch sử) thấp nhất trong 9 môn thi THPT quốc gia.

Theo các chuyên gia giáo dục, trong bối cảnh dạy và học ngoại ngữ hiện nay, việc có nhiều tài liệu, giáo trình dạy học cộng với sự tham gia của doanh nghiệp vào sự phát triển giáo dục là tín hiệu đáng mừng cho môi trường giáo dục Việt Nam.Vấn đề đặt ra chính là chất lượng trong chương trình giảng dạy tiếng Anh. 

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được triển khai, dự kiến môn Ngoại ngữ được chú trọng đưa vào giảng dạy từ cấp Tiểu học. Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được kỳ vọng sẽ là một giải pháp quan trọng cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ nói chung, dạy và học tiếng Anh nói riêng.

Bảo Thoa

    Nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ