A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đào tạo sư phạm theo nhu cầu xã hội

08:51 | 03/01/2018

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã giao cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh nghiên cứu dự báo nhu cầu giáo viên giai đoạn 2017- 2025 nhằm giảm chỉ tiêu sư phạm; gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn. ...

... Theo Bộ GD&ĐT, đây là giải pháp quan trọng phục vụ việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông. 

Cam kết sử dụng sau đào tạo

Năm 2017, dư luận đặc biệt quan tâm, lo lắng về việc điểm chuẩn vào ngành sư phạm quá thấp. Tại hội nghị hiệu trưởng các trường sư phạm vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Từ năm 2018 chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Học sinh (HS) vào học ngành sư phạm phải là những HS ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong “top” đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp. 

Theo đó, từ năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm dựa trên nhu cầu sử dụng mà các địa phương đưa ra. Cụ thể, Bộ sẽ rà soát nhu cầu về đội ngũ giáo viên của từng địa phương, đưa ra con số chính xác và cam kết sử dụng sau khi đào tạo. Các trường sư phạm cần chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của các địa phương để xây dựng các chương trình đào tạo chuyển đổi sao cho phù hợp. Trước yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, các trường sư phạm nhanh chóng xây dựng danh mục giảng viên sư phạm chủ chốt ở tất cả các môn học. Đội ngũ này cần tích cực tham gia góp ý cho các môn học theo hướng kiến thức phải sát với thực tiễn và kế thừa hiện hành; đồng thời, tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các trường phổ thông đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Để có căn cứ cho quá trình triển khai bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải nhanh chóng hoàn thiện để ban hành các chuẩn giáo viên, chuẩn cán bộ quản lý, chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giảng viên sư phạm… Từ chuẩn mới có thể đo đếm chất lượng và có phương án bồi dưỡng hoặc thay thế và phân công công việc sau khi đào tạo. 

Cùng với giải pháp về tuyển sinh, các giải pháp về tài chính cũng được đề cập theo hướng ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở giáo dục ĐH  theo định mức kinh tế kỹ thuật qua việc giao chỉ tiêu và kết quả tuyển sinh. Việc giao chỉ tiêu cần rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm, đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng, đồng thời cần có chính sách điểm sàn riêng đối với ngành sư phạm để tuyển sinh được những người khá, giỏi.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới

Theo PGS.TS Trần Xuân Bách- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), một xã hội phát triển theo nền kinh tế tri thức dựa trên tri thức đòi hỏi yêu cầu cơ bản là phải có đội ngũ giáo viên có trình độ của người giáo viên và chất lượng giáo dục ngày càng cao.

Xu thế toàn cầu hóa về giáo dục đặt ra cho nhà trường phổ thông hiện nay nhiệm vụ phải đào tạo học sinh trở thành những người có khả năng sống, làm việc, và mưu cầu hạnh phúc trong một thế giới luôn có nhiều thay đổi. Giáo viên trong nhà trường phổ thông là những người có vị thế quan sát một cách rõ ràng nhất những tác động của chương trình đào tạo tới thế hệ trẻ. Vì vậy mục tiêu đào tạo người thầy mới phải đáp ứng yêu cầu luôn mới. Giáo viên nói riêng, nhà trường phổ thông nói chung là người có vị thế quan sát một cách rõ ràng nhất những tác động của nhà trường tới thế hệ trẻ. Do vậy, các cơ sở đào tạo giáo viên tương lai cần chú trọng đào tạo người giáo viên có tầm nhìn hướng ra thế giới, có bản lĩnh và có hoài bão. Để có thể đạt được những mục tiêu trên, các cơ sở đào tạo giáo viên tương lai khi phát triển chương trình đào tạo giáo viên cần hướng vào việc phát triển năng lực cũng như nâng cao phẩm chất cho giáo viên tương lai. 

Theo phân tích của PGS.TS Trần Xuân Bách, đào tạo giáo viên cho trong bối cảnh thay đổi là một trong những nhiệm vụ mang tính sống còn đối với hệ thống giáo dục Việt Nam, vì đây là lực lượng quyết định tới chất lượng giáo dục, tới công cuộc đổi mới một cách căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Đó là những người có tầm nhìn hướng ra thế giới, có bản lĩnh của một công dân, một nhà chuyên môn, một nhà khoa học giáo dục và luôn có hoài bão vươn lên trong một thế giới luôn biến đổi. Họ được trang bị, rèn luyện hệ thống các năng lực: năng lực trí tuệ, năng lực phương pháp luận, năng lực cá nhân và xã hội, năng lực giao tiếp cùng với các năng lực chuyên môn và nghiệp vụ.

Một vấn đề đang được đặt ra hiện nay là năng lực nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng phải là tiêu chuẩn quan trọng với giảng viên sư phạm. Theo PGS.TS Trương Thị Bích- Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm (Trường ĐHSP Hà Nội), công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên ĐH sư phạm hiện nay còn tồn tại một số hạn chế như: chưa có sự gắn kết giữa trường ĐH và cơ sở nghiên cứu; ngân sách dành cho nghiên cứu, nhất là NCKH xã hội và khoa học giáo dục có giới hạn; số giờ dành cho NCKH của giảng viên đại học là quá ít.  Cụ thể, ở  Việt Nam, tỉ lệ giữa giảng dạy - NCKH và các nhiệm vụ khác của các giảng viên phổ biến là 51:28:21 (đối với giảng viên); 51:34:15 (đối với PGS) và 51:39:10 (đối với GS). Ở nhiều nước trên thế giới, số giờ quy định cho giảng dạy và NCKH thường có tỉ lệ ngang nhau.

Như vậy, hiện nay tỉ lệ giữa giảng dạy và nghiên cứu đối với giảng viên ở nước ta chưa cân đối, giảng dạy vẫn là chủ yếu, trong khi nhiều trường ĐH ở các nước yêu cầu các giảng viên dành thời lượng cho giảng dạy và NCKH là như nhau. Có như thế giảng viên mới có thời gian đầu tư cho NCKH, cập nhật các thông tin, nội dung mới vào bài giảng của mình.  

Minh Hà

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ