A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cô giáo và những đề tài khoa học thân thiện với môi trường

07:55 | 15/01/2018

Mới về giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Ea Na, huyện Krông Ana) được 4 năm nhưng cô giáo Hoàng Thị Năm (giáo viên môn Hóa - Sinh) đã có 3 năm đảm nhận công tác hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.

Những đề tài do cô hướng dẫn đều có điểm chung là sử dụng tinh chất chiết xuất từ thảo mộc để tạo ra sản phẩm vừa có lợi cho cuộc sống vừa thân thiện với môi trường. Vì vậy, cô Năm được giáo viên và học sinh trong trường trìu mến gọi là “cô giáo thân thiện với môi trường”.

Năm học 2015 – 2016, năm đầu tiên được giao nhiệm vụ hướng dẫn nghiên cứu khoa học, cô Năm vui vì được nhà trường tin tưởng nhưng cũng lo vì đây là công việc quá mới mẻ. Do Trường THCS Nguyễn Trãi thuộc địa bàn vùng khó khăn, cơ sở vật chất, thiết bị còn hạn chế nên cô trò cũng gặp không ít trở ngại trong nghiên cứu khoa học. Cô nảy ra ý tưởng giúp học sinh chọn những đề tài có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú từ tự nhiên vừa đỡ tốn kém lại thiết thực, hiệu quả. Năm đó, cô Năm hướng dẫn học sinh thực hiện đề tài “Làm nhang đuổi muỗi từ vỏ cam quýt”. Cô trò cùng nghiên cứu lý thuyết về các chất có trong vỏ cam quýt, đặc tính của muỗi và cách chiết xuất các chất có thể đuổi muỗi. Không chỉ hướng dẫn, cô còn trực tiếp cùng học sinh nhặt nhạnh vỏ cam quýt về phơi khô, xay nhuyễn để làm nguyên liệu, đi tìm cơ sở làm nhang để học cách làm. Khi cây nhang đuổi muỗi đầu tiên được đốt lên để thực nghiệm, cô lại hướng dẫn học sinh thu thập xử lý kết quả và xác định có chất nào đốt lên gây hại cho con người hay không; rồi đi vận động các gia đình cùng tham gia thực nghiệm. Năm đó, dự án do cô hướng dẫn đạt giải cấp huyện, đó cũng là niềm vui lớn của cô giáo trẻ.

Cô Hoàng Thị Năm (bìa phải) và các học sinh đoạt giải  trong Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật thanh thiếu nhi tỉnh năm học 2016-2017.

Cô Hoàng Thị Năm (bìa phải) và các học sinh đoạt giải trong Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật thanh thiếu nhi tỉnh năm học 2016-2017.

Năm học 2016 – 2017, cô Năm giúp học sinh chọn đề tài “nặng ký” hơn là “Chế biến thuốc trừ sâu từ lá cây xoan”. Cũng bắt đầu từ nghiên cứu lý thuyết, cô hướng dẫn học sinh tìm hiểu về đặc tính của sâu bọ, các chất có trong lá cây xoan, về cách khử những chất không cần thiết và cách chiết xuất chất có tác dụng diệt sâu bọ…

Sau những e ngại, bỡ ngỡ là niềm thích thú đến say mê của học sinh khi được tự tay thực hiện các thí nghiệm, phân tích kết quả. Lần thứ hai hướng dẫn học sinh thực hiện dự án nghiên cứu khoa học, cô Năm nhận ra các em đều có khát vọng khám phá những điều mới lạ, hào hứng khi đưa lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống. Lần thực nghiệm đầu tiên, học sinh buồn bã khi hiệu quả diệt sâu bọ của sản phẩm không như dự kiến vì chiết xuất tinh chất từ lá xoan tươi. Cô lại động viên, hướng dẫn các em thực hiện chiết xuất từ lá xoan phơi khô, ngâm nước… Hoàn thành sản phẩm với hiệu quả như dự kiến, cô hướng dẫn học sinh nghiên cứu loại bỏ hoàn toàn các chất có hại với cây trồng, con người và nồng độ hợp lý để không có dư lượng trên cây rau, quan trọng nhất là thân thiện với môi trường như định hướng ban đầu khi sử dụng nguyên liệu. Cô lại trực tiếp cùng học sinh thuyết phục người dân sử dụng sản phẩm thuốc trừ sâu làm từ lá cây xoan để thực nghiệm. Vất vả được đền đáp: hai học sinh thực hiện dự án “Chế biến thuốc trừ sâu từ lá cây xoan” đoạt giải thưởng tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu nhi tỉnh Đắk Lắk. Học trò đoạt giải mà cô Năm vui hơn cả trò.

Tiếp tục hướng đến sản phẩm thân thiện với môi trường làm từ nguyên liệu tự nhiên, năm học 2017 – 2018 này, cô Năm hướng dẫn học sinh thực hiện dự án nghiên cứu “Làm nến thơm đuổi muỗi từ nguyên liệu tự nhiên” với nguyên liệu chính là sáp ong và cây sả. Lần này, ngoài nghiên cứu lý thuyết về các đối tượng của dự án, cách thức thực hiện, cô còn hướng dẫn học sinh tạo sản phẩm có tính thẩm mỹ vì loại nến này sử dụng trong nhà. Dự án cô hướng dẫn học sinh thực hiện năm nay được người dân tham gia thực nghiệm nhiều hơn vì nó có giá trị thực tế và thân thiện với môi trường, con người. Dự án “Làm nến thơm đuổi muỗi từ nguyên liệu tự nhiên” đã được nhận giải thưởng cấp huyện.

    Lê Quang Thọ

 

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ