A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giáo dục: Bỏ gốc chăm ngọn

08:14 | 15/01/2018

Bổ nhiệm, ký hợp đồng tùy tiện dẫn đến thừa viên chức, giáo viên tại 9 tỉnh, thành nhưng những vùng cao, vùng sâu đi lại khó khăn, thiếu giáo viên trầm trọng là thực trạng buồn trong ngành giáo dục hiện nay.

Nói về những trì trệ của ngành giáo dục quả là không biết bao giờ cho đủ. Từ việc cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ đến bất cập trong chương trình giảng dạy mọi cấp học, xây dựng những đề án hoành tráng tốn cả chục ngàn tỉ đồng... luôn làm dư luận bất bình nhưng cả 20 năm qua không khắc phục nổi.

Gần đây nhất, Thanh tra Chính phủ kiến nghị phải kiểm điểm nhiều quan chức của tỉnh Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đắk Lắk về những vi phạm trong công tác nhân sự ngành giáo dục, bổ nhiệm sai, ký hợp đồng không đúng quy định... Ngay cả Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra những thiếu sót, khuyết điểm trong việc điều hành về tiền lương, phụ cấp gây ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, chất lượng công tác của viên chức giáo dục.

Trong bối cảnh ngổn ngang này, chúng ta càng xót xa khi đề án đào tạo 23.000 tiến sĩ tốn kém tiền tỉ nhưng thất bại, phải dừng. Kinh nghiệm chưa kịp rút, trách nhiệm chưa kịp truy thì bộ này tiếp tục trình đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ và số tiền dự chi cho đề án lên đến 12.000 tỉ đồng. Quả là rộng tay!

So với các nước, họ đầu tư cho cấp học thấp rất lớn và bài bản. Từ những kết quả này mới có nguồn nhân lực tiên tiến cho tương lai và tiếp tục nâng cao hệ thống giáo dục đại học và sau đại học. Còn ở ta thì sao? Đội ngũ giáo viên ở cấp càng thấp càng khó khăn. Theo quy định hiện hành, sau một thời gian họ sẽ được luân chuyển về vùng đồng bằng, thành thị. Thế nhưng, họ ít có cơ hội làm được điều này bởi trong khi họ đi thì những chỗ tốt đẹp nhất, an lành nhất đã được phân phát bằng nhiều cách. Vì vậy mới thừa giáo viên, công chức gián tiếp ở thành thị nhưng luôn thiếu giáo viên ở vùng sâu. Và càng ở vùng khó khăn thì càng khó có thể nâng cao trình độ nghiệp vụ và cơ hội được ghi nhận, cất nhắc gần như không có.

Một sự trì trệ khác chính là thu nhập của giáo viên quá thấp, trong khi tại nhiều nơi lương còn bị nợ đầm đìa. Ngân sách không thiếu nhưng ở nhiều địa phương nguồn tiền dành cho giáo dục thường được xếp sau những việc khác như xây dựng, dự án kinh tế... Còn chương trình đào tạo thì càng gây nản lòng, chỉ dạy những gì giáo trình có chứ không phải phát huy những thế mạnh về tố chất của học sinh.

Thực trạng là thế nhưng các cơ quan liên quan cứ xây dựng những chương trình vĩ mô trên nền giáo dục còn quá nhiều trì trệ. Thế hệ hôm nay không được đầu tư tốt thì chuyện so cạnh với các nước phát triển chỉ là viển vông.

Gia Khang

 

    Nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ