A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dự thảo môn Ngữ văn mới: Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh

14:23 | 17/01/2018

Đối với dự thảo chương trình môn Ngữ văn mới được xây dựng theo hướng mở, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, sự lo lắng về công tác chuẩn bị cho việc dạy và học của giáo viên cũng nhận được nhiều quan tâm.

Với khối lượng ngữ liệu phong phú, việc chọn học tác phẩm nào, giảng dạy ra sao, ra đề thế nào và chấm thi… cũng cần thực hiện đồng bộ với chương trình mới, có như vậy giáo viên, học sinh mới có thể thực hiện được thành công chương trình mở.

Hãy để cho các em học Văn theo cảm nhận riêng của mình.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống- Chủ biên chương trình môn Ngữ văn cho rằng một trong những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa (SGK) hiện hành là chương trình môn Ngữ văn các cấp bị bó hẹp, chỉ giới hạn trong một số tác phẩm, nhất là khi kiểm tra đánh giá. Để khắc phục tình trạng này, chương trình mới được xây dựng với định hướng mở, giao quyền chủ động cho tác giả viết SGK và giáo viên, tập trung vào dạy cách đọc các thể loại tiêu biểu thông qua các tác phẩm tiêu biểu.

Để bảo đảm định hướng này, chương trình chỉ chọn một số tác phẩm lớn đặc biệt mang tính bắt buộc. Ngoài 6 tác phẩm bắt buộc, rất nhiều tác phẩm khác nằm trong danh mục gợi ý mà ban soạn thảo đưa ra, để giáo viên và người viết sách được quyền lựa chọn.

Bên cạnh ưu điểm giúp tăng tính tự chủ về chuyên môn cho giáo viên, câu hỏi đặt ra là có phải tất cả giáo viên có đủ năng lực để đáp ứng được yêu cầu đổi mới này không? Chưa nói đến lượng kiến thức phong phú, đa dạng phải tiếp nhận, chắc chắn trong việc lựa chọn tác phẩm để dạy và học sẽ có những phản biện, tranh luận giữa giáo viên và học sinh. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng cũng như bản lĩnh, chuyên môn vững vàng thì định hướng học mở khi triển khai sẽ không thể đạt hiệu quả.

Tiếp đến là yêu cầu đối với “đề mở” và việc chấm bài theo đáp án mở. Lâu nay, đối với môn Văn trong nhà trường vẫn có ý kiến cho rằng cách dạy và học quá khuôn mẫu, khô cứng, giết chết sáng tạo. Quan điểm hãy để cho các em học Văn theo cảm nhận riêng của mình, không bày đặt các bài văn mẫu, ra các đáp án theo kiểu “đếm ý ăn tiền”, rồi chấm theo thang điểm chi tiết đến từng 0,25 điểm vẫn luôn là vấn đề tranh cãi.
Tuy nhiên, nếu quan niệm văn học trong nhà trường là một bộ môn khoa học về văn chương thì vẫn có những tiêu chí khoa học của nó, có đúng, có sai. Một “mẫu số chung” trong cách cảm nhận đối với một tác phẩm văn học là cần thiết, dù có thể có những cách hiểu đa nghĩa khác nữa thì cũng phải có lí, có căn cứ... chứ không phải muốn hiểu thế nào cũng được.

Phân tích vấn đề này, GS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc học văn trong nhà trường, trước hết là làm sao để các em yêu thích môn học này, sau đó là cảm thụ cái hay, cái đẹp của văn học. Tiếp đó mới bàn đế các hiểu biết, kỹ năng, yêu cầu cần đạt được sau khi học văn. Nếu ngay từ đầu gò bó theo văn mẫu thì sẽ không thể đòi hỏi sáng tạo, cũng không thể tạo ra những phản biện trong quá trình học – điều đang thiếu ở học sinh hiện nay.

Để làm được điều đó, trước hết phải tập huấn kỹ cho giáo viên. Trong đó, không phải chỉ là một vài ngày bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn mà đòi hỏi Bộ GD&ĐT, các trường sư phạm phải tham gia vào việc xây dựng tài liệu từ sớm để giáo viên tham khảo, sau đó là bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy để tạo ra những chuyển động tích cực từ phía người làm thầy.

“Tuy hiện giờ chưa có SGK môn học nhưng từ chương trình cơ bản môn học đã có, các trường sư phạm đã có thể bắt đầu xây dựng chương trình bồi dưỡng. Trong quá trình triển khai, phải thực hiện sàng lọc cho tốt, người nào chưa đáp ứng được thì phải bồi dưỡng tiếp. Những người khác cũng cần thường xuyên bồi dưỡng, trau dồi kiến thức để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới”- GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho rằng, thách thức đặt ra đối với cả thầy và trò hiện nay là chương trình học Ngữ văn khá nặng, nhiều tiết lên lớp nếu kiểm tra bài cũ thì không đủ thời gian để dạy bài mới mà học không kiểm tra thì làm sao biết được hiệu quả? Với việc chương trình mới được điều chỉnh theo hướng mở và linh hoạt hơn, sẽ tạo thuận lợi cho việc dạy và học môn này rất nhiều.

Tuy nhiên, việc này phải đi kèm với những thay đổi về thi cử, đánh giá học sinh thì người giáo viên mới yên tâm không chạy theo số lượng mà quan tâm đến chất lượng, đến việc dạy cảm thụ văn học nghệ thuật thay vì đếm ý cho điểm.

Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống lý giải cùng với việc thay đổi chương trình, việc kiểm tra, đánh giá cũng sẽ thay đổi theo hướng kiểm tra năng lực, không kiểm tra việc ghi nhớ kiến thức thuần túy, không phụ thuộc vào bất kỳ một cuốn sách giáo khoa cụ thể nào, chỉ dựa vào các yêu cầu cần đạt (tức chuẩn của chương trình) để ra đề thi.

Học sinh sẽ phải vận dụng những hiểu biết đã được học về cách đọc hiểu, cách phân tích một văn bản tác phẩm để thực hành với một văn bản tác phẩm khác, ngữ liệu mới, không thuộc một cuốn SGK cụ thể nào.   

Lam Nhi

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ