A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Học sinh trường huyện khẳng định mình

07:42 | 14/04/2018

Với 4/6 dự án đoạt giải (1 giải Nhì, 1 giải Ba, 2 giải Khuyến khích), ngành Giáo dục Đắk Lắk vinh dự xếp vị thứ 10/31 đoàn tham gia dự Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018...

...  khu vực phía Nam tổ chức tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vào trung tuần tháng 3 vừa qua.

Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018 được Bộ GD-ĐT tổ chức tại 2 khu vực. Cụ thể khu vực phía Bắc dành cho học sinh các tỉnh, thành phố từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở ra diễn ra từ ngày 10 đến 13-3 tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An), có 249 dự án thuộc 21 lĩnh vực của 34 đơn vị dự thi (30 sở GD-ĐT và 4 trường đại học), trong đó cấp THCS: 189 dự án, cấp THPT: 51 dự án. Khu vực phía Nam dành cho học sinh từ các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào, có 239 dự án (tăng 22 dự án so với cuộc thi năm học trước) của 31 đơn vị (29 sở GD-ĐT, 2 trường đại học) dự thi (cấp THCS có 36 dự án, cấp THPT 203 dự án).

Em H'Truyên H'long và H'Bru Mdrang (hai người ở giữa) (Trường THCS Yang Mao, huyện Krông Bông) nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Ông Đỗ Tường Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) cho biết, so với các tỉnh, thành phố có truyền thống về nghiên cứu khoa học như: TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Quảng Nam, đặc biệt là hai trường đại học: Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Sư phạm TP. Hồ Chí Minh rõ ràng “thực lực” của chúng ta không bằng. Song, các em học sinh của tỉnh Đắk Lắk có dự án dự thi đã khiến Ban tổ chức, Ban giám khảo Cuộc thi và đặc biệt là các đoàn trong khu vực ngưỡng mộ về tinh thần vượt khó, sự sáng tạo, đam mê trong nghiên cứu khoa học. Cả 6 dự án dự thi cấp Quốc gia năm nay đều của học sinh các trường vùng sâu, vùng xa trong tỉnh và đều xuất sắc đoạt giải. Trong đó, giải Nhì thuộc về dự án “Điều hòa nhiệt độ nhà ở bằng phương pháp tiếp đất và thông khí” (Trường THCS Yang Mao, huyện Krông Bông); giải Ba là dự án “Nghiên cứu sử dụng giun quế kết hợp men vi sinh trong xử lý rác hữu cơ lấy phân trồng rau ở quy mô hộ gia đình tại thị trấn Ea Kar (Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar); hai dự án “Máy phun thuốc điều khiển từ xa” (Trường THPT Ea Súp, huyện Ea Súp) và “Thiết kế, chế tạo lồng bẫy ốc sên” (Trường THCS Cao Bá Quát, huyện Cư M’gar) đoạt giải Khuyến khích. Ngoài ra, 3 dự án: “Thiết bị hỗ trợ quan sát và dò tìm kim loại” (Trường THPT Y Jút, huyện Cư Kuin), “Việc sử dụng facebook của học sinh từ 12 - 15 tuổi tại Trường THCS Nguyễn Viết Xuân" (Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, huyện Krông Bông) và “Nghiên cứu sử dụng giun quế kết hợp men vi sinh trong xử lý rác hữu cơ lấy phân trồng rau ở quy mô hộ gia đình tại thị trấn Ea Kar" (Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar) được các trường đại học tặng giải đặc biệt.

 

“Hai em học sinh đoạt giải Nhì Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018 sẽ được tuyển thẳng vào lớp 10 Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng. Với em H'Truyên H'long hiện đang học lớp 8, thì kết quả thi này sẽ được bảo lưu đến lớp 9”.

 
Ông Đỗ Tường Hiệp - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT)

Thầy Nông Thiêm Thuật, giáo viên hướng dẫn hai em H'Truyên H'long (lớp 8A) và em H'Bru Mdrang (lớp 9A) đều là dân tộc M’nông thực hiện dự án đoạt giải Nhì Quốc gia chia sẻ, nghiên cứu khoa học là hoạt động mới mẻ đối với học sinh bậc THCS, đặc biệt là đối với trường học ở vùng sâu, vùng xa như Trường THCS Yang Mao (huyện Krông Bông). Đề tài nghiên cứu liên quan đến kiến thức của nhiều môn học, nhất là kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Vật lý, Địa lý; phương tiện, thiết bị, tài liệu nghiên cứu, thực hiện dự án thiếu thốn; nguồn kinh phí thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, nhưng với niềm đam mê, thích khám phá nên cả thầy và trò dành thời gian, tâm sức để nghiên cứu. Thành công này một lần nữa khẳng định hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường học là sân chơi bổ ích cho các em học sinh, đòi hỏi sự say mê, sáng tạo, nhiệt tình, hứng thú của thầy và trò.

Ông Đỗ Tường Hiệp cho biết, trước khi tham dự Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia khu vực phía Nam, Sở GD-ĐT có hai lần triệu tập tác giả, nhóm tác giả có dự án dự thi để tiến hành rà soát, hoàn thiện các sản phẩm; thuyết trình báo cáo dự án trước Hội đồng phản biện giả định gồm các chuyên gia đến từ Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Duy Tân để nâng cao khả năng thuyết trình. Và lần đầu tiên Sở GD-ĐT mạnh dạn thực hiện việc xã hội hóa để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường và tổ chức Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật các cấp. Nhờ đó, khi ra “biển lớn” các em học sinh của tỉnh Đắk Lắk đã tự tin khi trình bày dự án cũng như trả lời các câu hỏi xoay quanh đề tài nghiên cứu của Hội đồng phản biện Cuộc thi và xuất sắc đoạt giải, vượt xa so với các Cuộc thi ở năm học trước. Năm học 2016-2017, đoàn học sinh của tỉnh Đắk Lắk đoạt 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích.

Em H'Truyên H'long và H'Bru Mdrang (Trường THCS Yang Mao, huyện Krông Bông) đang đo nhiệt độ ống thông khí.

Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật là cơ hội để học sinh thực hành nghiên cứu khoa học, đồng thời thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học trong trường phổ thông, đào tạo những học sinh có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, “học đi đôi với hành”, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Nếu có đam mê, nỗ lực thì học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số đều thành công trong học tập. Đây là nền móng khá vững chắc để các em tiếp tục thực hiện ước mơ được nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trên con đường học tập sau này.

Nguyên Hoa

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ