A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sau vụ học sinh tự tử: Tăng cường giám sát hoạt động trường tư thục

07:31 | 16/04/2018

Sau vụ 1 học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến tự tử do áp lực học quá nặng, ngành giáo dục TP HCM cho biết sẽ chấn chỉnh hoạt động các trường tư thục

Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, tất cả trường tư thục tại TP chỉ được dùng phương thức xét tuyển, cấm thi tuyển dưới mọi hình thức. Thế nhưng, dù là xét tuyển, để có 1 suất học tại Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, học sinh (HS) cũng phải cạnh tranh gay gắt.

Đào tạo phù hợp mong muốn của phụ huynh

Trong thông báo tuyển sinh của Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến yêu cầu tất cả HS có nguyện vọng vào trường cần đăng ký học hè để làm quen với nền nếp của nhà trường. Sau khóa học hè, nếu HS có tiến bộ, thích nghi với sinh hoạt của trường, có nguyện vọng và quyết tâm vào ĐH khối A, A1, B, D sẽ được nhận vào học chính thức. Điều kiện để được vào lớp 10 của trường là HS phải có hạnh kiểm tốt, học lực khá trở lên, đồng thời có xét tuyển môn toán và môn tiếng Anh.

Như vậy, chiến lược đào tạo của trường này thể hiện rõ đào tạo HS dành cho khối khoa học tự nhiên và ngoại ngữ. "Nhưng cũng có thể mục tiêu đào tạo của ngôi trường này phù hợp với một bộ phận phụ huynh khao khát con phải đậu ĐH, vào những ngành "hot", trường tốp đầu danh tiếng" - một cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM nhìn nhận.

Ở góc độ quản lý, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng cách quản lý trường công lập hay ngoài công lập giống nhau ở việc quản lý về chuyên môn, cụ thể là chương trình giảng dạy, lịch học chính khóa, lịch thi. Về công tác kiểm tra, ông Hoàng cho hay sở vẫn thường xuyên kiểm tra, giám sát nhưng quản lý ở góc độ điều kiện cơ sở vật chất, phòng cháy chữa cháy, điều kiện nội trú của HS... "Tuy nhiên, sở sẽ yêu cầu các phòng - ban, nhất là Phòng Giáo dục trung học, nghiên cứu để có biện pháp chấn chỉnh các trường này. Nếu các trường tư thục giáo dục bằng phương pháp đòn roi như một số phản ánh thì quan điểm của sở là không chấp nhận" - ông Hoàng nói.

Học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (TP HCM)Ảnh: Đặng Trinh

Đừng vì sĩ diện của cha mẹ!

ThS Vũ Hoàng Sơn (giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa; quận Bình Thạnh, TP HCM) cho rằng sự việc đau lòng ở Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến tất cả cũng vì sĩ diện. Chạy đua gắt gao để có chân vào trường chuyên, lớp chọn; vào được rồi không thể lại thua bạn bè nên học ngày không đủ, tranh thủ học đêm". Ở bất cứ đâu, các em cũng đều phải cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ và nhà trường…

Ngoài ra, một loạt thay đổi về tuyển sinh đầu cấp đã vô tình đẩy cuộc chạy đua về điểm số đè nặng trên đôi vai HS. Dù ngành giáo dục luôn chỉ đạo "không tạo áp lực cho HS" nhưng cứ nói đến kiểm tra là cả một sự vật lộn vất vả giữa thầy và trò, giữa cha mẹ và con cái.

Với thực trạng này, HS sẽ ngày càng trở nên thụ động, việc học trở thành gánh nặng không thể san sẻ được với ai. Các em được học và biết quá nhiều những kiến thức hàn lâm nhưng trên thực tế lại không vận dụng được; kết quả học tập kém sẽ mãi là nỗi ám ảnh kinh hoàng mỗi khi ngày thi gần kề. "Khi cố gắng trở thành một đứa trẻ hoàn hảo, một đứa con lý tưởng thì bản thân các em đã mất đi một điều gì đó vô cùng quý giá của cuộc đời mình. Diễn biến tâm lý của lứa tuổi HS biến động phức tạp, nếu người thân không quan tâm đúng mức, chỉ đặt nặng vấn đề học hành, thi cử, điểm số thì coi chừng sẽ mất con trong tích tắc" - ThS Vũ Hoàng Sơn cảnh báo.

Còn theo cô Văn Trịnh Quỳnh An (giáo viên Trường THPT Gia Định, TP HCM), việc quản lý và phương pháp học nghiêm khắc sẽ khiến HS thời gian đầu chưa thích nghi dễ buồn tủi, bỏ cuộc. Tuy nhiên, bởi bệnh thành tích ăn sâu, HS cũng không muốn làm buồn lòng cha mẹ, không muốn thua kém bạn bè nên nhiều em không thổ lộ cùng gia đình. Do đó, cha mẹ phải là người nhìn nhận đúng đắn về tâm sinh lý, thực lực của con mà có sự điều chỉnh.

Cô An cũng cho rằng việc nhồi nhét kiến thức, quản lý quá khắt khe cộng với hoạt động cựu HS sau ra trường không được chú trọng sẽ dễ khiến HS Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến vào ĐH và xã hội kém hòa nhập hơn so với bè bạn cùng trang lứa. 

Hãy mở trói cho con!

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng một số môi trường nội trú thực hiện đúng nghĩa cụm từ "học ngày học đêm". Vài mươi phút giải lao, sinh hoạt... không đủ không gian để trí não HS được thở, không đủ không gian tĩnh tâm để tâm hồn được nuôi dưỡng.

"Nếu cha mẹ mở trói, ngành giáo dục không quá quan trọng thành tích, xã hội định nghĩa lại sự "thành đạt" theo mức độ hạnh phúc của mỗi con người và tôn trọng bản thể của cá nhân thì HS đã không đến nỗi trở thành đối tượng hàng đầu mắc phải các rối loạn tâm lý và trầm cảm" - TS Hiếu chia sẻ.

Đặng Trinh - Lê Thoa

 


    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ