A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sinh viên sẽ được học về chuyên đề khởi nghiệp

09:05 | 14/05/2018

Các trường phải xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn của nhà trường.

Tọa đàm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Đây là tinh thần văn bản mới của Bộ GD&ĐT đối với các ĐH, học viện, các trường ĐH, trường CĐ sư phạm và trung cấp sư phạm về việc thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Tạo mọi điều kiện để HSSV khởi nghiệp 

Theo đó, trong giai đoạn 2018-2020 ngành Giáo dục thí điểm xây dựng 3 mô hình trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp, tại 3 khu vực. Giai đoạn 2021-2025 tiến tới hình thành ít nhất 10 trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong cả nước trên cơ sở sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà trường.

Mục đích, yêu cầu của đề án là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; tạo môi trường và cơ chế hoạt động khởi nghiệp, tạo chuyển biến mang tính đột phá về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các ĐH, học viện, các trường ĐH, trường CĐ sư phạm và TC sư phạm trong cả nước.

Cùng với đó, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, từng bước hình thành, xây dựng quỹ hỗ trợ HSSV khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, các cuộc giao lưu để giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Về hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp, Bộ GD&ĐT nêu rõ, các cơ sở đào tạo bố trí cán bộ, giảng viên phụ trách công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Tổ chức các khóa đào tạo, học tập, giao lưu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế cho HSSV và đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ HSSV khởi nghiệp trong các nhà trường trong và ngoài nước.

HSSV khởi nghiệp: Khó hay dễ?

Theo thống kê của Bộ Nội vụ và Trung tâm Phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, hơn 40% thanh niên Việt Nam đang làm công việc không phù hợp với trình độ. Đối với thanh niên có trình độ từ ĐH trở lên, 92% mong muốn có việc làm tay nghề cao, nhưng trên thực tế chỉ có 70% thực sự có việc làm; 30% còn lại thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.

Trong khi đó, tồn tại một bộ phận không nhỏ thanh niên đang “mắc kẹt” giữa những công việc chất lượng kém hoặc “ăn không ngồi rồi”, thì người sử dụng lao động lại rất khó tuyển được lao động trẻ đáp ứng tốt yêu cầu công việc. 

Phản hồi từ nhiều nhà tuyển dụng cũng chỉ ra một thực tế đó là việc thiếu kỹ năng mềm là nguyên nhân khiến thanh niên thất nghiệp. Muốn sử dụng được lực lượng lao động, các doanh nghiệp phải chấp nhận đào tạo lại từ đầu, kể cả những SV  tốt nghiệp từ các trường ĐH hàng đầu.

Vì sao tỷ lệ thất nghiệp thanh niên, cử nhân ngày càng gia tăng, theo các chuyên gia, nguyên nhân là do nội dung chương trình giảng dạy ở Việt Nam thiên về giáo dục chính quy và cấp bằng đại học hơn là giáo dục không chính quy và đào tạo nghề. Tại các cơ sở đào tạo nghề, nội dung chương trình giảng dạy còn lạc hậu; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới; sự kết nối giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Chính sách phúc lợi dành cho thanh niên có một số nội dung chưa thực sự phù hợp, chưa khuyến khích thanh niên phát huy hết năng lực, sở trường.

Trước đó, vào ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp”. Triển khai Quyết định 1665, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cho biết, các biện pháp hỗ trợ dự kiến triển khai là đào tạo khởi nghiệp; tạo môi trường cho SV khởi nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp… 

Dù vậy, làm thế nào để triển khai Đề án hiệu quả không hề đơn giản bởi trên thực tế khởi nghiệp không phải bây giờ mới được triển khai mà đã được nhiều trường thực hiện, tuy nhiên, vẫn chưa thực sự hiệu quả bằng chứng là SV ra trường vẫn khá lạ lẫm vì thiếu kỹ năng mềm, thiếu tự chủ…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc triển khai Đề án 1665 được xem là bước đột phá nhằm lấp khoảng trống về thiếu hụt kỹ năng cho SV, nhưng để khơi gợi sự sáng tạo của thanh niên, SV thì không chỉ đơn thuần là hỗ trợ vốn mà còn phải đổi mới chương trình đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành. Từ đó tiến tới thực hiện tốt kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành giáo dục.

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh: Trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia không thể bỏ qua vai trò của trường ĐH. Đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự gia tăng tài sản trí tuệ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến lực lượng SV - đầu vào đầy tiềm năng cho các dự án khởi nghiệp.

Minh Thúy

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ