A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tình trạng xuống cấp đạo đức xảy ra ở mọi cấp học

14:34 | 08/06/2018

Vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ được nhiều ĐBQH quan tâm là tình trạng xuống cấp đạo đức nghiêm trọng xảy ra ở mọi cấp học từ mầm non tới trung học, giữa giáo viên với học sinh và cả phụ huynh.

Nhiều sự việc đến giờ dư luận vẫn còn nhớ rõ như phụ huynh bắt cô giáo quỳ, học sinh đâm thầy, cô giáo phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng, giáo viên không giảng bài suốt học kỳ…  

Vẫn còn chuẩn giả trong giáo dục

Đi vào những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của giáo dục, là một nhà giáo, ĐB Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) chất vấn, Bộ trưởng có biết giấy khen hiện nay ở các nhà trường đang dần mất giá trị, bởi vì điểm số cho quá dễ, kéo theo đó là số lượng học sinh khá giỏi quá nhiều. Đâu là nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh này và giải pháp ra sao thưa Bộ trưởng? Thứ hai, Bộ trưởng có đồng tình việc tăng cường đối thoại giữa giáo viên, các nhà quản lý giáo dục với học sinh và phụ huynh là một trong những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận giáo viên và học sinh trong nhà trường như hiện nay không?

Trả lời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, bệnh thành tích không phải bây giờ mà có từ lâu rồi. Ngành cũng rất cố gắng nói không với bệnh thành tích. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không chỉ dừng lại ở vấn đề về quy định mà còn có những yếu tố về văn hóa, thói quen.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ đã có văn bản bỏ nhiều các cuộc thi và văn bản hướng dẫn các sở không tính các điểm vào trong thi đua. Tới đây thông qua Luật Giáo dục, sẽ đưa vấn đề này vào để làm sao kết quả phản ánh thật, có nghĩa là hậu kiểm. Hạn chế đăng ký thi đua, chính đăng ký thi đua mới là gốc gác của vấn đề các thày cô phải có những thành tích ảo.

Bộ trưởng bày tỏ đồng tình với ĐB là tăng cường đối thoại giữa nhà trường, học sinh, giáo viên và phụ huynh. Vì dân chủ trong trường học nói chung, đặc biệt là khối phổ thông nói riêng thời gian vừa qua thực hiện rất thấp. Bộ đã sửa Thông tư 55 về phụ huynh và sửa chuẩn của hiệu trưởng và chuẩn của giáo viên có một tiêu chí về dân chủ để làm sao việc đối thoại, việc giám sát phải được minh bạch.

Cho rằng, bệnh thành tích chưa được chấm dứt, nó hiển hiện ngay ở đô thị này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, sau khi chất vấn xong đã không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng nên đã mời Bộ trưởng cùng đi xem một ngôi trường chỉ cách hội trường họp này đi 5 – 7 phút thấy đủ thực trạng đó.

ĐB Cương cho rằng, vấn đề chuẩn giả trong giáo dục, trường đạt chuẩn, giáo viên đạt chuẩn nhưng thực chất thì không. Các địa phương thì cứ công nhận rồi cho nợ tiêu chuẩn, bộ có biết việc này và đã xử lý trường hợp nào chưa? Thứ hai, một hiện tượng không hiếm nhiều năm nay, để nhằm mục đích thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, có rất nhiều học sinh bỏ không học các môn không thi mà chỉ học những môn thi. Để đủ điều kiện được thi thì phụ huynh đến gặp thầy cô để “nộp” tiền. Theo Bộ trưởng làm thế nào để loại bỏ hiện tượng tiêu cực này?

Trả lời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, do áp lực xét đạt chuẩn xã NTM nên mới có việc địa phương xin được nợ chuẩn. Với trách nhiệm đầu ngành chuẩn chất lượng phải đảm bảo chứ không nợ chuẩn. Như vậy, không có việc nợ chuẩn để đạt chỉ tiêu NTM.

“Học sinh bỏ học các môn không thi là có thật”, Bộ trưởng cho biết. Chúng tôi không đồng ý với việc này và thậm chí cấm, vì giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện, đức, trí, thể, mỹ. Và phải chú trọng đến những môn liên quan đến phát triển con người. Chúng tôi kiên quyết phản đối và sẽ tiếp tục tăng cường vai trò giám sát và cũng mong các địa phương và các trường cùng với chúng tôi thực hiện nghiêm việc này để làm sao các cháu được học một cách toàn diện chứ không phải là học để đi thi.  

Ai đánh giá cao tôi không rõ?

Trong một trả lời trước đó, Bộ trưởng có nói, giáo dục mầm non của chúng ta được UNICEF đánh giá rất cao “ai đánh giá cao tôi không rõ, nhưng theo dõi cả quá trình này tôi xin nhắc lại cho Bộ trưởng nắm những hạn chế của giáo dục mầm non đang nóng và gây nhiều bức xúc nhất”, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong (Bến Tre) tranh luận với Bộ trưởng.

ĐB Phong nói, quy mô giáo dục phát triển không đồng đều ở các vùng miền. Chất lượng giáo dục mầm non không ổn định, mạng lưới chính sách giáo dục mầm non chưa đồng bộ. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non thấp nhất trong ngành. Cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên, công tác quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ chi cho giáo dục mầm non nhà nước chỉ có 39%, gia đình là 61%, cho thấy khi các cháu vào học mầm non đóng góp cao nhất so với các lĩnh vực giáo dục khác, như thế mà đánh giá cao thì tôi không hiểu?

Trước ý kiến này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đáp, thấy rất đúng. Mặc dù bậc mầm non rất được quan tâm nhưng thời gian qua cũng rất nhiều vấn đề. Từ chính sách dân lập và tư thục, sau đó chuyển sang công lập. Điều này dẫn đến chuẩn bị chưa kịp giáo viên, cơ sở vật chất, nhất là chính sách huy động trẻ đến trường, phổ cập mầm non 5 tuổi. Khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển mạnh, chúng ta chưa kịp chuẩn bị cơ sở vật chất và giáo viên dẫn đến việc bạo hành trẻ, chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ độc lập tư thục.

Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành, tôi thấy đây là một vấn đề cần phải giải quyết. Chúng tôi đã khảo sát, tham mưu Chính phủ, vừa rồi có Nghị định 06. Trước đó chúng tôi cũng tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, chống bạo lực cho trẻ. Cho đến nay, hệ thống pháp lý về cơ bản là có, nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện.

Đâu là triết lý giáo dục Việt Nam?

Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) hỏi Bộ trưởng về cốt lõi triết lý giáo dục của Việt Nam là gì? Vì triết lý giáo dục quan trọng như Hiến pháp đối với một quốc gia, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động dạy và học. Trả lời câu hỏi này tại buổi họp báo ngày 29/4/2014, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhiệm kỳ trước nêu: “Triết lý trực tiếp của giáo dục Việt Nam là Nghị quyết 29 của Trung ương”.

Nghị quyết dài 12 trang, còn thông thường triết lý giáo dục phải là một phát biểu ở tầm tư tưởng cô đọng để ai cũng thấu hiểu và thực hiện, ví dụ triết lý giáo dục của Nhật Bản “Coi giáo dục đạo đức là cốt lõi”, Đức là “Nhân bản thực tiễn”, giáo dục Pháp là “Sau phổ thông đủ đi làm”. Vậy, nếu cần đúc rút một câu ngắn gọn về triết lý giáo dục làm nền tảng cho công tác điều hành ngành của mình thì đó là gì thưa Bộ trưởng?

“Tôi đề nghị Bộ trưởng tổ chức một hội thảo khoa học về triết lý giáo dục Việt Nam nên câu hỏi đó cần phải bằng một cuộc hội thảo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói ngay sau chất vấn của ĐB.

VĂN HÙNG

    nguồn “nongnghiep.vn”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ