A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lắp camera trong lớp mầm non: Nên hay không?

08:37 | 18/06/2018

Sau liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em được phanh phui gần đây, TP Hồ Chí Minh sẽ thí điểm lắp đặt camera trong phòng học ở một số quận huyện. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp quản lý này chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề bạo hành trẻ em

Lắp camera quản lý trường học vẫn còn ý kiến khác nhau.

Hơn 80% phụ huynh tán thành

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 1.200 trường mầm non (trong đó có 465 trường công lập, 743 trường ngoài công lập); 1.845 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Thực tế, hiện nay đa phần các trường mầm non trên địa bàn mới chỉ lắp đặt camera ở sân trường để bảo vệ an ninh, tỷ lệ lắp đặt trong lớp học thấp. 

Cụ thể, gần 48% trường mầm non công lập đã gắn camera ở sân trường, hành lang, cầu thang;  chỉ 0,9% có gắn camera trong lớp học. Còn tại các trường mầm non tư thục, có gần 73% trường gắn camera ở sân trường, hành lang, cầu thang, chỉ có 4,48% gắn camera trong lớp học. Ở nhóm trẻ độc lập tư thục có khoảng 52% nhóm gắn camera ở sân trường và 10% có gắn trong nhóm, lớp học. 

Chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo kế hoạch lắp đặt camera tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố từ 2018 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã khảo sát nhu cầu của giáo viên, phụ huynh tại ba quận, huyện sẽ thí điểm trong năm học tới là Q1, Q12 và huyện Hóc Môn. 

Theo kết quả khảo sát này, có đến 88% phụ huynh đồng ý lắp camera trong lớp học. Tuy nhiên, cũng có 52% giáo viên không đồng ý với nội dung này bởi họ cho rằng, điều này sẽ vi phạm sự riêng tư của học sinh và giáo viên. Mặc dù đa số phụ huynh đồng tình với việc lắp đặt camera trong lớp học nhưng cũng có 50% trong số đó không đồng tình với việc đưa hình ảnh của trẻ tại lớp công khai rộng rãi. 

Theo dự thảo kế hoạch lắp đặt camera tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố từ 2018 - 2020, sau khi triển khai thí điểm tại 3 quận, huyện trong năm học 2018 - 2019, thành phố sẽ triển khai đại trà tại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn. Vị trí lắp đặt gồm phòng học, phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp; khu vực sân chơi, khu vui chơi, khu vực hành lang, cổng trường, bãi giữ xe. Phụ huynh không cập nhật hình ảnh của trẻ để không vi phạm về quyền riêng tư của giáo viên và học sinh nhưng có thể vào trường xem khi có những biểu hiện bất thường của trẻ.

Ông Lê Hoài Nam- phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng, việc lắp đặt camera nhằm hỗ trợ công tác quản lý trường mầm non, đồng thời tạo sự yên tâm cho phụ huynh khi gửi con tại cơ sở mầm non.

Giáo viên bị áp lực

Kết quả khảo sát này cũng cho thấy, giáo viên cảm thấy bị áp lực về tâm lý khi lắp đặt camera trong lớp, dẫn đến mệt mỏi. Hơn nữa, nếu phụ huynh không hiểu về phương pháp giảng dạy của giáo viên mà chỉ xem qua màn hình có thể dẫn đến hiểu lầm. 

Theo các nhà quản lý giáo dục, việc các trường học lắp camera quản lý học sinh, đảm bảo an ninh khá phổ biến ở các nước trên thế giới, tại Việt Nam cũng đã có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Ở góc độ giáo viên, cô Nguyễn Thanh Huyền (giáo viên mầm non ở quận quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng tâm lý chung của phụ huynh là gửi con chỗ nào có camera sẽ yên tâm hơn, còn giáo viên quả thật thấy không thoải mái, lúc nào cũng như có người nhìn vào gáy mình, tuy nhiên ai cũng xác định làm đúng chức trách và nhiệt tâm của mình thì chẳng phải ngại gì.  

Cô Nguyễn Thanh Trà, quản lý một cơ sở mầm non ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: Cơ sở đã trang bị hệ thống camera để đảm bảo an ninh, giám sát lớp học. Phụ huynh chỉ cần xem qua máy tính, điện thoại là biết con mình ở trường chơi đùa thế nào, ngủ hay khóc quấy không. Việc lắp camera tại lớp học cũng giúp nhà trường quản lý tốt đội ngũ giáo viên, nhân viên, kịp thời phát hiện, nhắc nhở nếu có vi phạm quy định của cơ sở trong dạy và chăm sóc trẻ em. Mới đầu giáo viên cũng có cảm giác mất tự nhiên vì như bị theo dõi, tôi nghĩ dần dần các cô cũng sẽ quen và coi đó là việc hết sức bình thường.

Đồng tình với việc lắp camera trong lớp mầm non, ông Trần Trung Mậu- phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP HCM cho rằng, điều này giúp người đứng đầu đơn vị quản lý chủ động trong việc kiểm tra hoạt động của lớp học. Thực tế, nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập đã gắn camera trong lớp học và kết nối trực tuyến với phụ huynh. Khi ấy, phụ huynh yên tâm hơn vì có thể quan sát, nắm bắt được tình hình ở lớp của con. 

Ở góc độ pháp lý, luật sư Trương Thị Ngọc Nữ- chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cho rằng, việc gắn camera trong lớp học mầm non không thể giải quyết tận gốc vấn đề bạo hành trẻ. Bởi nếu giáo viên có ý định bạo hành thì có gắn nhiều camera cũng không thể kiểm soát được. Vì thế việc có nên gắn camera online hay không là điều cần phải suy nghĩ kỹ bởi bước đầu nó có thể giúp phụ huynh quan sát được con và giáo viên. Tuy nhiên, việc kết nối trực tuyến hình ảnh lớp học đến phụ huynh sẽ ảnh hưởng tới quyền riêng tư của giáo viên, trừ khi giáo viên đồng ý. Ngoài ra cũng cần phân công rõ trách nhiệm người quản lý hệ thống camera để khi có việc xảy có thể dễ dàng trích xuất camera phục vụ công tác quản lý. Xét cho cùng, cốt lõi vấn đề này vẫn là ở giáo viên. Trong đó, việc đào tạo giáo viên có kiến thức, kỹ năng, tâm huyết với nghề… là yếu tố vô cùng quan trọng. 

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Tùng Lâm- chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội ủng hộ việc lắp đặt camera tại lớp học, song ông cũng cho rằng dễ nảy sinh một số hạn chế như: Phụ huynh không hiểu về phương pháp dạy của giáo viên, nếu chỉ xem qua màn hình sẽ dẫn đến sự nghi ngờ, thậm chí kiện cáo. Việc lắp đặt camera trong lớp học cần có sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên, không nên ép buộc vì giáo viên làm việc đã mệt mỏi, thêm chuyện liên tục bị “soi” dẫn đến áp lực, căng thẳng.

Về vấn đề này, ông Trần Trung Mậu chia sẻ, giáo viên cảm thấy luôn bị theo dõi, sẽ có tâm lý dạy theo kiểu đối phó chứ không thoải mái, hết mình với công việc được. Tuy nhiên, theo ông Mậu, nhà trường, xã hội và cả phụ huynh nên có sự chia sẻ, đồng cảm để giải tỏa tâm lý cho giáo viên, giúp giáo viên ổn định tinh thần làm việc.     

Hoài Phương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ