A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đối diện với mặt trái facebook

10:24 | 05/11/2018

Sự phát triển của các mạng xã hội, giúp con người kết nối với nhau tốt hơn, facebook là một trong số đó. Theo một nghiên cứu xã hội học, hơn 70% người dùng Internet ở Việt Nam dùng facebook, trong đó phần đông là học sinh sinh viên.

Đáng ngại ở chỗ khá nhiều em học sinh lại dùng facebook để nói xấu, cãi vã nhau, thậm chí xúc phạm cả thầy cô giáo của mình.

Ảnh minh họa.

Bảy học sinh bị đuổi học vì xúc phạm thầy cô trên Facebook

Ngày 1/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo trường THPT Nguyễn Trãi thu hồi quyết định đuổi học bảy học sinh lớp 10A5, thông báo cho các em ngày 2/11 đến trường học tập. Theo bà Hằng, sau khi nhận đơn kiến nghị của phụ huynh và báo cáo của Trường THPT Nguyễn Trãi về việc kỷ luật học sinh, Sở đã cử đoàn công tác về nắm bắt sự việc.

Trước đó ngày 23/10, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi - Bùi Nguyên Tiến ký quyết định đuổi học một năm đối với ba học sinh lớp 10A5. Bốn nam sinh khác bị đình chỉ học một tuần lễ và một nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường.

Nguyên nhân bắt đầu từ việc ngày 1/10, một nữ sinh lớp 10A5 sử dụng điện thoại trong giờ học bị giáo viên bộ môn thu giữ và giao cho giáo viên chủ nhiệm lớp là cô Đậu Thị Bích. Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị của nhà trường, do điện thoại của nữ sinh không khóa nên cô Bích thấy trên màn hình hiện cuộc nói chuyện trên nhóm Facebook có tên là “Động Cô Bích”.

Kiểm tra, cô giáo phát hiện các cuộc trò chuyện có nội dung tục tĩu, nói xấu xúc phạm thầy cô, nhà trường. Ban giám hiệu nhà trường sau đó đã mời đại diện hội cha mẹ học sinh và các phụ huynh liên quan thông báo sự việc, đồng thời yêu cầu học sinh viết tường trình. Ông Bùi Nguyên Tiến cho biết, những em này đã “dùng mạng xã hội xúc phạm danh dự và uy tín của giáo viên, gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của nhà trường”. 

Theo biên bản được Hội đồng kỷ luật nhà trường lập, đầu năm học 2018-2019, lớp 10A5 gồm 48 thành viên lập nhóm trên Facebook đặt tên “Động Cô Bích”. Học sinh chia sẻ nhiều chuyện, khi đề cập đến những chuyện không vừa ý như bị ghi sổ đầu bài, thu điện thoại vì sử dụng trong giờ học, nhiều em dùng lời lẽ thô tục xúc phạm giáo viên. Một số em còn đe dọa đốt sổ đầu bài, phá lớp, phá trường, ném mắm tôm vào nhà cô chủ nhiệm Đậu Thị Bích và hai giáo viên bộ môn tiếng Anh, Thể chất. Việc xúc phạm, nói xấu thầy cô diễn ra nhiều ngày. Những tin nhắn sau đó lộ ra ngoài gây xôn xao trường học.

Là thành viên Hội đồng kỷ luật, Hiệu phó Vũ Thị Xuyến cho biết cho dù bị nhắc nhở nhiều lần, ghi sổ đầu bài, mời phụ huynh đến phối hợp giáo dục, song nhóm học sinh “không hối lỗi, tiếp tục vi phạm nề nếp, có thái độ thách thức...”.

Băn khoăn

Sự việc trên ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận. Trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, giáo dục là một quá trình lâu dài, chúng ta phải nghĩ đến tương lai của các cháu, đặc biệt là phản ứng của phụ huynh học sinh. Chúng ta phải phân tích rõ, có những giải pháp để nâng cao vai trò của giáo dục. Trong giáo dục thì cần phải có giáo dục ý thức pháp luật.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (đoàn TP HCM), trong môi trường sư phạm, các thầy cô giáo có nhiệm vụ không chỉ truyền đạt tri thức mà phải rèn luyện đạo đức, hướng dẫn các em tuân thủ theo quy định của  pháp luật để các em trở thành công dân tốt. 

Xung quanh vụ việc này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, mặc dù hành vi của các em đã sai nhưng không quá lớn vì các em trao đổi với nhau qua nhóm kín chứ không phải là đưa công khai rộng rãi trên mạng xã hội.

Theo ông Tùng Lâm, nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục các em, giúp các em nhận biết hành vi sai phạm để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Các thầy cô giáo phải nhận biết là hệ lụy của việc đuổi học trong thời gian dài, nếu không quản lý chặt chẽ thì các em có thể sa ngã, bị bạn bè xấu lôi kéo thì rất nguy hiểm.

Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), cũng cho rằng việc áp dụng hình thức khắt khe để kỷ luật học sinh là “không mang tính giáo dục hiện đại”. Ở lứa tuổi dậy thì (dưới 18), học sinh đang trong quá trình phát triển, hình thành nhân cách nên nhận thức chưa được đúng đắn. Hành xử của thầy cô cần mang tính thuyết phục, động viên và giúp đỡ các em nhận ra lỗi lầm, sửa chữa.

Quản thế nào?

Vài năm trước, các giảng viên khoa tâm lý - giáo dục ĐH Sư phạm TP HCM khảo sát 600 trẻ vị thành niên thì có hơn 97% trẻ đang sử dụng Facebook. Trong số đó có 56,3% ở mức có xu hướng nghiện, 37,5% ở mức nghiện nhẹ, 0,4% ở mức nghiện vừa và 0,2% ở mức nghiện nặng.

Có thể nói sử dụng facebook một cách quá mức dẫn đến nghiện đang dần trở nên đáng báo động đối với toàn xã hội. 

Đó là chưa kể hàng loạt sự lệch chuẩn hành vi khi sử dụng facebook. Cụ thể như lên FB cxúc phạm thầy cô, kết bè kết phái và gây sức ép đối với bạn bè cùng lớp, cùng trường. Sử dụng FB để đăng tải những hình ảnh quái dị, những biểu hiện của lối sống lệch lạc, hiện tượng “nói là làm” thách đố nhau trên FB diễn ra gần đây. Điển hình là việc nữ học sinh thực hiện lời hứa “status đạt 1.000 like” trên Facebook sẽ đốt trường ở Khánh Hòa.  

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng xét trong những hành vi nghiện, hành vi nghiện facebook có thể là một kiểu của hành vi nghiện mới. Hành vi này chưa hoàn toàn đáng sợ xét trên bình diện hậu quả lâm sàng hay hậu quả xã hội. Nhưng xét trên bình diện độ tuổi và nhân cách của con người, hành vi này sẽ ảnh hưởng khủng khiếp đối với hoạt động học tập của học sinh. 

Ở góc độ quản lý, hiện ngành giáo dục chưa quy định học sinh phải sử dụng facebook ra sao. Điều đáng lo ngại là hệ lụy của facebook không dừng trong thế giới ảo. Đơn giản nhất là cãi nhau, đánh nhau, xúc phạm thầy cô giáo, phản đối nhà trường, mà còn có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng. 

Trở lại việc định hướng cho học sinh việc sử dụng facebook sao cho phù hợp, theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, chúng ta không chỉ trách cứ các bạn trẻ mà cần hiểu và đồng cảm. Đối với gia đình cần, định hướng và nhắc nhở con cái trong việc lựa chọn loại hình giải trí lành mạnh và sử dụng facebook một cách hợp lý. Về phía nhà trường phải tăng cường giáo dục tính hai mặt của các trang mạng xã hội. 

Lê Vân 

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ