A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Nghỉ học vì dịch Covid-19: Học bù vào năm sau?

11:06 | 30/03/2020

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mới đây, Bộ GDĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp tinh giản chương trình và hướng dẫn dạy học qua truyền hình và trực tuyến.

Theo đó, các địa phương đề nghị Bộ GDĐT cần có giải pháp tốt nhất cho tình huống xấu nhất khi dịch có thể kéo dài đến hết năm học.

Dạy và học qua truyền hình đang được áp dụng. 

Cắt giảm chương trình thế nào?

Theo thông tin từ Bộ GDĐT, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GDĐT mới đây, ông Phùng Xuân Nhạ- Bộ trưởng Bộ GDĐT, đã yêu cầu các vụ chức năng rà soát để đưa ra phương án cắt giảm, tinh giản chương trình theo hướng đảm bảo chất lượng; hướng vào những nội dung không thật sự cần thiết.

Về việc tinh giản chương trình và nội dung dạy học do học sinh (HS) phải nghỉ quá dài ngày vì dịch Covid-19, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Vụ đã làm đầu mối, cùng một số chuyên gia nghiên cứu nhằm tinh giản một số nội dung dạy học, sao cho đảm bảo các nguyên tắc: Thứ nhất, căn cứ vào chương trình và đối chiếu với SGK, các tiểu ban sẽ đưa ra các nội dung trong sách đang ở mức vận dụng cao để tinh giản. Thứ hai, sẽ rà soát để tích hợp các bài học trong SGK thành các bài học theo chủ đề. Theo đó, hướng dẫn các địa phương dạy học sao cho tiết kiệm thời gian và thiết kế các bài giảng trên internet và trên truyền hình sao cho tự học nhiều hơn bởi hiện các em đang ở nhà và có SGK trong tay. Thứ ba, có những nội dung giao thoa giữa môn này và môn kia. Nếu trước đây có thời gian, vẫn giữ lại các phần này. Nhưng do thực tiễn nghỉ học dài ngày nên các tiểu ban sẽ họp để có thể bỏ hẳn một hai môn, chỉ giữ lại để dạy trong một môn chiếm ưu thế.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng cho biết Bộ đang chỉ đạo các tiểu ban tinh giản chương trình khẩn trương rà soát để có hướng dẫn trong tháng 3 cho các địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai thực hiện. “Hướng dẫn tinh giản này chỉ áp dụng trong học kỳ 2 của năm học này”- ông Độ nhấn mạnh.

Biết là Bộ GDĐT đang xây dựng phương án cắt giảm chương trình do HS phải nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19. Tuy nhiên các nhà trường và xã hội quan tâm đến việc Bộ sẽ cắt giảm thế nào? Ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó giám đốc Sở GDĐT TP HCM, đề nghị không nên tinh giản theo hướng cắt giảm chương trình mà theo hướng hạ thấp mức độ yêu cầu với từng nội dung cụ thể trong chương trình của tất cả các lớp; từ lớp 1 - 11 có thể bù đắp những nội dung cần thiết vào năm sau. Bộ cần nhiều phương án tinh giản ứng với thời gian thực học khác nhau, vì chưa biết bao giờ dịch bệnh kết thúc để học sinh trở lại trường. Thời gian kết thúc năm học là ngày 15/7, nhưng nếu tháng 4 tới HS chưa thể đi học thì cần có phương án tinh giản nhiều hơn. 

Chỉ yêu cầu học sinh đạt những kiến thức cơ bản

Ông Thành cho hay, năm nay do tình hình đặc biệt dịch Covid-19 kéo dài nên có thể hạ thấp yêu cầu cần đạt. Tức là vẫn yêu cầu HS đạt những kiến thức cơ bản nhưng có thể giảm phần nâng cao. Theo đó, mỗi môn học sẽ được thiết kế các bài học phù hợp để giảng dạy trên truyền hình. Khoảng thời gian đã dạy trên truyền hình và trên internet trong thời gian nghỉ, các em đã thu được một số kiến thức nhất định, phần còn lại sẽ được hoàn thiện tiếp sau khi trở lại trường học.

Điều băn khoăn nhất đối với nhiều phụ huynh và học sinh là việc đánh giá kết quả học tập của HS học qua trực tuyến, trên truyền hình như thế nào để đảm bảo công bằng. Về vấn đề này, ông Độ khẳng định: “Bộ thống nhất ý kiến việc kiểm tra định kỳ, cuối kỳ sẽ được thực hiện tại các trường khi HS đi học trở lại. Trước đó, khi HS mới quay lại trường, các em sẽ được cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức đã học trực tuyến, trên truyền hình”. Mục tiêu là giảm được từ 5 - 7 tuần so với chương trình hiện nay để đến ngày 15/7 là kết thúc năm học. Tuy nhiên, việc tinh giản không thực hiện cơ học và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho HS, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.

Theo ông Độ, Bộ sẽ phải đưa ra một “mức trần” thấp nhất trong phương án tinh giản chương trình trong điều kiện có thể, bởi phải tính đến tình huống thời gian học trực tiếp còn quá ít. Mong muốn đặt ra của Bộ là HS vẫn hoàn thành chương trình năm học này ở mức tối thiểu. Những phần nội dung còn thiếu hụt sẽ được bổ trợ vào năm học sau. 

Học bù vào năm sau?

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết, khi việc nghỉ học còn tiếp tục kéo dài sang tháng 4, thì việc dạy học trên truyền hình là giải pháp mà Bộ dự kiến áp dụng rộng rãi trên cả nước cho tất cả các cấp học, trong đó có cả tiểu học. Bộ đang phối hợp Bộ Thông tin -Truyền thông và các địa phương bố trí khung giờ phát sóng phù hợp với lứa tuổi HS. Ví dụ, HS THPT học vào buổi sáng, THCS học buổi chiều và HS tiểu học học buổi tối, khi có cha mẹ ở bên theo dõi và hỗ trợ cho con vì lứa tuổi tiểu học chưa thể tự học bằng hình thức từ xa được.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Chử Xuân Dũng- Giám đốc Sở GDĐT  Hà Nội, cho biết HS của tất cả các cấp ở Hà Nội nghỉ hoàn toàn từ ngày 3/2 đến dự kiến hết ngày 5/4. Tuy nhiên, có thể với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, còn phải nghỉ học kéo dài thêm. Hà Nội đã chủ động học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho HS từ lớp 4 đến lớp 12, với thời lượng phát sóng là 88 chương trình/tuần ở cả 2 kênh của Đài truyền hình Hà Nội.

Song theo ông Dũng cần có phương án hỗ trợ trực tiếp HS để kiểm soát được việc học tập của các em, cũng như đánh giá khả năng tiếp thu của người học. Các thầy cô cần xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn HS học theo bài, biên soạn các bài tập, giao nhiệm vụ cho HS thực hiện sau giờ học trên truyền hình. Khi HS đi học trở lại, tất cả các nhà trường phải dành thời lượng thích đáng để bổ trợ kiến thức đã dạy trên truyền hình cho các em.

Ở góc độ phụ huynh và học sinh, những chủ thể chịu ảnh hưởng thật sự của việc nghỉ học kéo dài chưa từng có này thì Bộ nên tính đến nhiều phương án như tinh giản, giới hạn kiến thức, học đến đâu thi đến đó, miễn thi, xét tốt nghiệp... Bộ cần lựa chọn phương án nào để ít ảnh hưởng đến HS nhất. Thậm chí nhiều ý kiến còn  cho rằng nếu tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến xấu thì có thể Bộ GDĐT cho tất cả các em bảo lưu lại một học kỳ để năm sau sẽ học tiếp chứ rút ngắn chương trình thì rất khó khăn cho các em, sẽ không nắm vững được kiến thức để học lên các lớp cao hơn...

                Lan Phương

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/giao-duc/nghi-hoc-vi-dich-covid-19-hoc-bu-vao-nam-sau-tintuc462692

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ