Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2022, sáng 11-10, Báo Người Lao Động tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nhìn lại kỳ tuyển sinh ĐH 2022" với sự tham gia của chuyên gia, đại diện các trường ĐH.

Lúng túng, lo lắng kéo dài

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, chỉ ra rằng kỳ tuyển sinh 2022 trên thực tế thay đổi khá nhiều so với các kỳ tuyển sinh trước nhưng quy chế tuyển sinh và các hướng dẫn thực hiện quy chế tuyển sinh được ban hành rất muộn (quy chế tuyển sinh ban hành ngày 6-6-2022 và hướng dẫn thực hiện quy chế ban hành ngày 24-6-2022, khi mà các phương thức xét tuyển sớm đã triển khai trước đó 2-3 tháng). Quy chế tuyển sinh 2022 thay đổi ở cả 3 khâu quan trọng: đăng ký xét tuyển chung trên hệ thống tuyển sinh, xét tuyển lọc ảo chung tất cả các phương thức và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh.

Tuyển sinh 2022: Thay đổi không như kỳ vọng - Ảnh 1.

Các chuyên gia, đại diện các trường ĐH trao đổi tại tọa đàm .Ảnh: QUANG LIÊM

Việc chuyển đổi quy định tuyển sinh muộn khiến các trường ĐH và thí sinh không khỏi lúng túng. Chính Bộ GD-ĐT cũng phải nhiều lần điều chỉnh các mốc thời gian đã công bố trước đó để thí sinh kịp đăng ký xét tuyển, đóng lệ phí xét tuyển cũng như thực hiện một số quy định thủ tục khác.

Ở góc độ trường ĐH, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết các trường đã lo lắng trong thời gian dài về 2 khó khăn chính. Đó là quy chế tuyển sinh năm 2022 yêu cầu xác định chỉ tiêu theo lĩnh vực (tức được phân nhỏ hơn so với khối ngành như trước đây) trong khi thí sinh có xu hướng đăng ký vào một số ngành rất đông, trong khi một số ngành còn lại rất ít nên việc tuyển đủ chỉ tiêu là một thách thức lớn, đặc biệt là với các trường ĐH đa ngành. Ngoài ra, thay đổi về phương thức lọc ảo làm cho các trường khó đoán tỉ lệ ảo trong việc gọi thí sinh trúng tuyển, trong khi thực tế tỉ lệ trúng tuyển không xác nhận nhập học năm nay vẫn cao và dao động khoảng 20%, dẫn đến một số ngành tuyển không đạt chỉ tiêu khi mà nguồn tuyển bổ sung hầu như không đáng kể. Bên cạnh đó, tiến độ cũng bị đẩy lùi làm cho thời gian đào tạo chung của các trường bị ảnh hưởng.

Năm 2022 là năm tuyển sinh thành công của Trường ĐH Ngân hàng TP HCM nhưng ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, cho biết trong quá trình thực hiện cũng có những khó khăn nhất định. Thứ nhất, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển có số nguyện vọng sụt giảm so với các năm trước. Điều này làm cho trường rất lo lắng lúc đầu. Tuy nhiên, rất may là không có tác động nhiều đến điểm chuẩn. Qua đó cho thấy số lượng nguyện vọng giảm nhưng chủ yếu giảm ở phân khúc các thí sinh có điểm thi thấp. Thứ hai, phương thức tuyển sinh có sự thay đổi lớn nhưng việc ban hành chính thức còn khá chậm, dẫn đến sự bị động nhất định trong công tác tư vấn tuyển sinh cũng như thực hiện các công tác tuyển sinh nói chung. Thứ ba, thời gian thực hiện các công đoạn tuyển sinh khá dài nên việc triển khai đào tạo có phần bị chậm so với các năm học bình thường.

Không nên đặt vấn đề "ảo" vào tuyển sinh

TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết năm 2022, tổng chỉ tiêu của các trường ĐH và của trường CĐ ngành giáo dục mầm non là hơn 585.000 thí sinh. Qua quá trình xử lý nguyện vọng, đã có 567.000 thí sinh được xác định trúng tuyển. Số lượng thí sinh xác nhận nhập học là 464.000, đạt trên 82% so với số thí sinh trúng tuyển. Trong đó, số thí sinh trúng tuyển cao nhất ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT với 51,16%, xét học bạ là 41.86%, các phương thức khác là gần 7%.

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá kỳ tuyển sinh năm 2022 rất thành công, có những kết quả đúng như kỳ vọng. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm hẳn, các trường tuyển sát hơn với chỉ tiêu. Thí sinh được bảo đảm quyền lựa chọn trường, chọn ngành và cơ hội trúng tuyển lớn nhất. Tuy nhiên, ở góc độ kỹ thuật và triển khai thực tế của quy chế tuyển sinh, vẫn còn nhiều điều cần hoàn thiện nếu muốn tiếp tục cải tiến công tác tuyển sinh cho những năm sau.

Một trong các mục tiêu chính của việc điều chỉnh tuyển sinh là để lọc ảo tất cả các phương thức nhưng với gần 570.000 thí sinh đã được xét trúng tuyển chỉ có 467.000 thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống thì tỉ lệ ảo vẫn còn khá cao. Nếu tính trên con số thí sinh nhập học thực tế tại trường, có lẽ tỉ lệ ảo sẽ còn cao hơn. Hệ quả là rất nhiều trường ĐH vẫn phải xét tuyển bổ sung, thậm chí phải công bố xét tuyển bổ sung ngay sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1.

"Về bản chất, lọc ảo chung tất cả các phương thức là để loại trừ khả năng 1 thí sinh trúng tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành khác nhau nhưng kết quả không được như kỳ vọng" - TS Nguyễn Đức Nghĩa đánh giá.

TS Nguyễn Trung Nhân cho rằng về quản lý nhà nước không nên đặt vấn đề ảo vào tuyển sinh nữa vì làm cách nào cũng ảo, tuyển sinh của các trường ĐH trên thế giới cũng ảo. Vấn đề là làm cơ chế ổn định để các trường có tầm nhìn dài hạn trong tuyển sinh.

Cần ban hành sớm quy chế tuyển sinh 2023

Ủng hộ cần có dữ liệu chung quốc gia nhưng các trường ĐH mong muốn có quy chế ổn định để trường không bị động và thí sinh cũng không bất ngờ.

Theo TS Nguyễn Trung Nhân, năm nay việc đăng ký xét tuyển ĐH của thí sinh được thực hiện khi các em biết kết quả thi tốt nghiệp THPT - nghĩa là không còn ngồi trên ghế nhà trường nên không còn được hỗ trợ tốt của giáo viên. Điều này gây không ít khó khăn cho các em khi quy chế có hàng loạt thay đổi. Ông đề nghị việc đăng ký xét tuyển được thực hiện ngay khi các em còn trên ghế nhà trường để được giáo viên hỗ trợ. Trường ĐH Công nghiệp TP HCM mong muốn Bộ GD-ĐT khắc phục các lỗi kỹ thuật của phần mềm xét tuyển và lọc ảo chung. Tiếp theo là nên công bố sớm (tốt nhất là trong tháng 11-2022) các thay đổi trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm 2023 và các năm tiếp theo để trường tiến hành xây dựng quy chế tuyển sinh của mình cũng như thực hiện các công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh đến học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12. Về phía học sinh, các em cũng có thời gian chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

ThS Nguyễn Anh Vũ cho rằng vấn đề quan trọng nhất là mọi kế hoạch, phương thức, quy định cần phải được thông qua cụ thể và sớm trước mỗi mùa tuyển sinh. Thời điểm hiện tại, các trường đại học và các thầy cô trường THPT đã tiến hành tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh cho các em học sinh lớp 12.

Khi thông tin ra quá muộn, công tác truyền thông tư vấn gặp rất nhiều khó khăn. Các thông tin chính thức cần phải có sớm và giữ ổn định trong một khoảng thời gian nhất định, các thay đổi cần có lộ trình cụ thể, được thông báo trước. Làm sao để các thầy cô tư vấn không phải dùng cụm từ "về cơ bản không có sự thay đổi so với năm trước", mà có thông tin đầy đủ, chính thức, chính xác để tư vấn cho các em.

Trên cơ sở hệ thống đã được vận hành tốt, thí sinh được tư vấn đầy đủ và sớm hơn, năm nay bộ có thể xem xét điều chỉnh thời gian, rút ngắn thời gian các công đoạn trong quá trình đăng ký xét tuyển để bảo đảm kế hoạch đào tạo của các trường.

TS Nguyễn Đức Nghĩa đề nghị các quy định tuyển sinh cần đơn giản hóa, không quá phức tạp. Trên thực tế, ở năm 2022, các quy định tuyển sinh vô cùng rối rắm, thể hiện ở việc thí sinh đã phải đăng ký xét tuyển đại học đến 4 lần (một lần khi đăng ký dự thi tốt nghiệp để nhận mã code đăng ký xét tuyển, một lần đăng ký xét tuyển tại trường, một lần đăng ký xét tuyển trên hệ thống và một lần nộp lệ phí xét tuyển). Phần mềm xét tuyển chậm hoàn thiện, thời gian xét tuyển lọc ảo dài, xác nhận nhập học đến 2 lần và kéo dài (một lần trên hệ thống và một lần tại trường).

Những vấn đề trên ảnh hưởng không ít đến kế hoạch năm học của các trường ĐH. "Tất cả những bất cập đó cần được khắc phục, cải thiện trong kỳ tuyển sinh sắp tới" - TS Nguyễn Đức Nghĩa đề xuất

Thí sinh bị động khi chọn ngành nghề

TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác Sinh viên, ĐHQG TP HCM - dẫn ra những thống kê như 35% thí sinh trúng tuyển sớm không đăng ký lại trên hệ thống; chỉ có 28% thí sinh trúng tuyển thẳng (được các giải học sinh giỏi quốc gia, giải thưởng cuộc thi khoa học kỹ thuật...) xác nhận nhập học ngay. Nghĩa là có 72% thí sinh trúng tuyển thẳng đã không dùng quyền được tuyển thẳng, mà tiếp tục lựa chọn đăng ký xét tuyển và tỉ lệ trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT (51,16%) và xét điểm học bạ (41,86%) vẫn chiếm ưu thế so với các phương thức khác (6,98%) cho thấy nổi lên một số vấn đề, đó là: công tác tự hướng nghiệp của thí sinh hoặc việc xác định ngành học theo năng lực và sở thích, thí sinh vẫn còn lúng túng; thí sinh diện tuyển thẳng, thí sinh diện trúng tuyển sớm có thể trúng tuyển vào ngành chưa phải là ưu tiên cao nhất, cho nên vẫn trông chờ vào cơ hội ở các phương thức khác; bị động về thay đổi kỹ thuật tuyển sinh năm nay, vốn dĩ yêu cầu thí sinh phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nghề - ngành.

Như vậy, đặt ra vấn đề kỹ thuật tuyển sinh nếu thay đổi cần được phổ biến sớm nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường ý thức chọn ngành học của học sinh thông qua quá trình hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh.

Báo Người Lao Động trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2022":

- Công ty CP Phân bón Bình Điền

- Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sungroup)

- Trường Cao đẳng Nova (Nova College)

- Tập đoàn Vingroup

- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh TP HCM

- Công ty CP Uniben

Nhóm Phóng viên

Bài viết gốc; https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tuyen-sinh-2022-thay-doi-khong-nhu-ky-vong-20221011201935585.htm