A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hiệu quả bước đầu từ công tác xã hội hóa chợ nông thôn

07:52 | 28/12/2015

Nhiều năm trở lại đây, mạng lưới chợ tại các vùng nông thôn trong tỉnh được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu giao thương, tiêu dùng của người dân.

Là chợ tuyến xã nhưng không khí mua bán của chợ Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) nhộn nhịp không kém các chợ ở thị thành. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng Ban quản lý chợ, trước đây chợ chỉ họp một buổi sáng nhưng từ khi được xây mới  thì với nhu cầu ngày càng  tăng cao của người dân, chợ họp cả ngày, từ 2 giờ sáng là đã bắt đầu mở cửa để các chuyến xe tải vào ra vận chuyển hàng hóa, nhiều tiểu thương từ các xã khác như Ea Drơng, Cư Bao (Cư M’gar), Ea Kênh (Krông Pắc) cũng đến đây thật sớm để nhập hàng về bán. Thời điểm này, chợ càng nhộn nhịp hơn bởi lượng hàng hóa tập kết về nhiều, phục vụ cho nhu cầu sắm tết của bà con trong vùng.

Người tiêu dùng chọn mua hoa tết tại chợ Hòa Hiệp.

 

Chợ Cuôr Đăng được xem như chợ đầu mối, phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi và phân phối hàng hóa cho các xã lân cận. Chị Nguyễn Thị Phượng, người dân xã Cuôr Đăng cho hay, trước đây, muốn sắm sửa một vài thứ cần thiết trong nhà, chị phải lặn lội hàng chục cây số chạy lên chợ huyện hoặc lên tận TP. Buôn Ma Thuột để mua. Giờ, chuyện đó đã thành “xưa”, bởi chợ Cuôr Đăng hầu như có đủ đầy có mặt hàng, từ hải sản tươi sống, trái cây nhập ngoại đến các loại quần áo, giày dép bình dân hay cao cấp đều có cả, muốn sắm sửa gì chỉ cần xách giỏ bước đến chợ là cứ thỏa sức mà lựa chọn. Từng là khu chợ tạm ọp ẹp, chỉ họp một buổi, để thúc đẩy hoạt động thương mại ở đây phát triển, năm 2010 chợ chính thức được đầu tư xây mới với kinh phí gần 6 tỷ đồng, trong đó, tiểu thương đóng góp 4,9 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước, đường giao thông xung quanh chợ. Hiện, chợ có gần 150 gian với 160 hộ kinh doanh, được phân làm các khu chợ lồng, ki-ốt, khu buôn bán hàng nông sản địa phương, bãi để xe, khu vệ sinh… Ông Hoàng Viết Cát, Chủ tịch UBND xã cho biết từ khi được đầu tư xây mới, chợ Cuôr Đăng đã đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân. Mọi thứ đủ đầy, hàng hóa mang đến chợ cũng tăng về số lượng và chất lượng, người dân không còn phải nhọc nhằn tìm kiếm nguồn hàng phục vụ sinh hoạt hằng ngày như trước nữa.

Khách chọn mua hàng tại chợ Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin).

Chợ Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, tuy là chợ vùng xa, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nhưng chợ ở đây không kém phần nhộn nhịp, nhất là vào thời điểm giáp tết. Dường như đã qua rồi cái thời “muốn mua mà chẳng có”, chợ bây giờ chẳng thiếu thứ gì, từ quần áo, giày dép, bánh mứt, hoa trái…. nên người dân  chẳng cần đi mua sắm ở đâu xa như trước nữa. Thay vì khu chợ tạm bợ, năm 2013, chợ được đầu tư sửa chữa, nhất là khu nhà lồng được sắp xếp lại khoa học hơn, không gian thoáng đãng, tạo thuận lợi cho cả người bán lẫn người mua. Ngoài số tiền 140 triệu đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới, tiểu thương tại chợ đã đóng góp 150 triệu đồng để tu sửa, hình thành khu chợ khang trang như bây giờ và đã đạt tiêu chí về chợ nông thôn mới. Chợ được thiết kế bài bản theo từng khu riêng biệt: khu thực phẩm tươi sống, khu giày dép, quần áo, khu hàng ăn…; các lối đi vào chợ được bố trí thuận tiện, hàng hóa phong phú, bắt mắt, sức mua ngày càng lớn, người đến chợ cũng tấp nập hơn xưa. Chị Mai Thị Lệ Hiền chủ cửa hàng giày dép lớn nhất, nhì ở chợ cho hay, nhờ chợ được đầu tư sửa chữa khang trang, sạch sẽ nên việc buôn bán của chị cũng thuận lợi hơn. Trước đây, cửa hàng giày da này chỉ là một tiệm buôn bán nhỏ trong chợ, từ khi chợ được đầu tư nâng cấp quy mô hơn, chị cũng mạnh dạn mở rộng thành cửa hàng đầu mối chuyên đóng các loại giày dép cao cấp, với mẫu mã đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hai chợ trên chỉ là một trong số hàng chục chợ nông thôn trong toàn tỉnh được đầu tư, nâng cấp sửa chữa trong thời gian qua để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân vùng nông thôn. Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có 148 chợ, trong đó, khu vực nông thôn có 106 chợ (chiếm tỷ lệ trên 72%). Tính  trong 5 năm, từ 2010-2015, đã có 9 chợ ở khu vực nông thôn được xây mới, đầu tư nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí lên đến 15 tỷ đồng, trong đó, có 9,5 tỷ đồng được huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế. Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, việc đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới chợ nông thôn để phục vụ bà con, nhất là các chợ thuộc địa bàn xã khó khăn là rất cần thiết, bởi trên thực tế, phần lớn đều là chợ tạm, cấp xuống, chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân. Tuy nhiên để giảm bớt gánh nặng chi tiêu ngân sách, việc kêu gọi xã hội hóa trong xây dựng chợ là rất cần thiết  và đang được đơn vị tập trung đẩy mạnh… 

Trâm Anh

 

    nguồn "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ