A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người trồng cà phê phấn khởi

14:42 | 15/09/2016

Vào thời điểm này, người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh phấn khởi vì giá cà phê tăng trở lại với mức trên dưới 40.000 đồng/kg. Vui mừng hơn nữa là đa số các vườn cây đều sai quả, dịch bệnh không đáng kể.

Hiện tại, nông dân đang tích cực chăm sóc, bổ sung dưỡng chất để vườn cà phê đạt năng suất cao, đồng thời giữ vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt cho mùa sau.

Sau những tháng nắng nóng, khô hạn nặng, nhiều vườn cà phê của nông dân bị vàng úa do không đủ nước tưới. Song, nhờ nỗ lực chăm sóc, đến nay, hầu hết các vườn cà phê đã xanh tốt, tỷ lệ đậu quả cao, hứa hẹn một vụ thu hoạch như mong đợi.

Người dân thôn 9B, xã Đắk Lao (Đắk Mil ) làm cỏ, vệ sinh vườn cà phê

Tại xã Nam Nung (Krông Nô), nơi mà chỉ mấy tháng trước được xem là một trong những vùng trọng điểm về hạn hán, nhưng nay, hầu hết vườn cà phê của nông dân đều phát triển, cành tán trĩu quả. Cũng như nhiều hộ trồng cà phê trong xã, gia đình ông Nguyễn Văn Hiền ngay từ đầu mùa mưa đã tập kết phân bón, công lao động chăm bón, tỉa cành giúp vườn cà phê lấy lại sức.

Ông Hiền cho biết: “Qua những tháng nắng hạn, vườn cây bị mất sức nhiều nên tôi đã tập trung mua các loại phân NPK, phân bón lá bón cho cà phê có đủ dinh dưỡng để nuôi quả và phát triển cành lá. Do vậy, đến thời điểm này, vườn cây sinh trưởng, phát triển khá tốt, tỷ lệ đậu quả không thua kém gì năm ngoái”.

Còn gia đình ông Hồ Văn Hoan ở khối 1, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) có 3,5 ha cà phê. Trong mùa khô vừa rồi nhờ có hệ thống ao hồ tự đào của gia đình tích trữ nước khá tốt nên cà phê của gia đình ông không bị ảnh hưởng nhiều. Cùng với đó, gia đình ông đã sử dụng vỏ cà phê ủ hoai để làm phân bón và giúp tăng độ mùn cho đất nên vườn cà phê luôn giữ được độ ẩm khá lâu sau một chu kỳ tưới. Do đó, tỷ lệ đậu quả của vườn cà phê gia đình ông Hoan vụ này cũng đạt tỷ lệ cao.

Ông Hoan cho biết: Trong 2 – 3 năm trở lại đây, nắng hạn luôn gay gắt nhưng 3,5 ha cà phê của gia đình tôi luôn đạt trung bình từ 5 – 6 tấn/ha. Theo ông Hoan thì những năm trước đây do chưa nắm được kỹ thuật nên ông bón toàn phân hóa học cho cà phê. Những năm đầu vườn cà phê cũng sinh trưởng tốt và cho năng suất rất cao, nhưng chỉ được vài năm là cây chững lại. Sau này, ông đã tận dụng vỏ cà phê, chất thải gia súc về ủ với các loại chế phẩm sinh học tạo ra phân bón hữu cơ, vi sinh để bón cho vườn cây. Kết quả, bón phân hữu cơ từ vỏ cà phê không những mang lại hiệu quả về năng suất mà còn giảm được khá nhiều chi phí mua phân hóa học.

Tương tự, vườn cà phê hơn 1,5 ha của gia đình ông Lê Văn Quyền ở xã Đắk N’Drung (Đắk Song) mùa khô vừa rồi thiếu đến 2 đợt tưới, nhưng sau khi nỗ lực chăm sóc vườn cây đã sinh trưởng ổn định trở lại.

Ông Quyền cho biết: “Toàn bộ thu nhập của gia đình dựa vào rẫy cà phê, vậy mà khô hạn khiến cho toàn bộ vườn cà phê cháy trụi lá. Tôi rất lo lắng nhưng may là đến nay vườn cây đã xanh tốt trở lại và đạt khoảng 70 – 80% năng suất”.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp - PTNT) tỉnh thì trong thời kỳ cà phê bước vào giai đoạn chắt nhân như hiện nay thường hay bị các loại sâu hại, nấm bệnh như mọt đục cành, sâu đục thân, bệnh gỉ sắt, đốm mắt cua, nấm hồng, lở cổ rễ... tấn công.

Một điều đáng chú ý nữa là do tác động của thời tiết lẫn sự điều tiết sinh trưởng cây thường đẫn đến hiện tượng rụng quả non trên cây cà phê. Đây là hiện tượng thường gặp và diễn ra trong suốt mùa mưa. Qua tìm hiểu thì thời gian qua, hiện tượng rụng trái trên cây cà phê diễn ra với tỷ lệ không cao lắm.

Theo cán bộ kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật, để khắc phục hiện tượng rụng quả, bà con cần phải thăm vườn thường xuyên và sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp cộng với bổng sung chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đồng thời, nông dân cũng cần chú ý việc kết hợp phân đạm và dùng phân bón lá bón gốc và xịt lên lá, quả non. Quan sát cuống hoa hoặc khi thấy cây có hiện tượng bồ hóng trên lá thì xử lý bằng thuốc chống nấm có hoạt chất Manozeb, có các tên thương mại là Dithane M-45 xanh, Manozeb 80WP, Vimancoz 80WP…

Khi đã có hiện tượng rụng quả non hàng loạt thì xử lý bằng thuốc chống nấm có hoạt chất Carbendazim như: Indiavil 5 SC, Bavistin 50 FL, Carban 50 S, Carbenda 50 SC, Vicarben 50 S, Appencarb Super 75 DF… Đồng thời, nông dân cần cắt tỉa cành cho cây thông thoáng để tiếp nhận được nhiều ánh sáng ngăn không cho bào tử nấm phát triển, như vậy mới có thể khắc phục được hiện tượng rụng quả non.

Bài, ảnh: Văn Tâm

 

    Nguồn "Đắk Nông Điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ