A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phát triển nghề nuôi chim yến: Sao cho bền vững? (Kỳ 1)

15:57 | 08/08/2017

Dù chỉ mới xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây, nhưng nghề nuôi chim yến đã phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là TP. Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, nghề nuôi chim yến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác động xấu đến môi trường.

Kỳ 1: Nuôi chim yến: Mô hình đầu tư mới

Được biết đến là nghề hái ra tiền, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh sẵn sàng đầu tư tiền của để xây nhà hoặc nhường chỗ ở nhằm thu hút chim yến đến cư ngụ và làm tổ với mong muốn thu về “vàng trắng”.

Nghề  “độc nhất vô nhị”

Năm 2011, sau khi cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phát hiện những đàn chim nhỏ bay vào làm tổ trên trần nhà trụ sở và mời chuyên gia của Công ty Yến sào Khánh Hòa đến kiểm tra, xác nhận đây đúng là loài yến nhà, Viện đã hợp đồng với Công ty để được hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc. Cũng xuất phát từ nhà chim đầu tiên này, dần dần nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư kinh phí để thuê các đơn vị, chuyên gia đến cải tạo nhà ở, mua sắm trang thiết bị làm nhà nuôi yến.

Anh Nguyễn Đình Chung phấn khởi

Anh Nguyễn Đình Chung phấn khởi "khoe" thành quả thu hoạch từ nhà nuôi yến của mình.

Là một trong những hộ đầu tiên nuôi chim yến tại TP. Buôn Ma Thuột, anh Lê Quang Tích (phường Thắng Lợi) đã cải tạo ngôi nhà 3 tầng của mình trước đây dùng để phục vụ kinh doanh sang nuôi thêm chim yến. Ban đầu, anh thuê đơn vị tư vấn về nuôi yến đến hỗ trợ phát tín hiệu bằng sóng âm để gọi và chỉ trong thời gian ngắn yến đã bay về tụ tập quanh khu vực nhà anh. Thấy thế,  anh Tích quyết định cải tạo phần sân thượng của gia đình để xây dựng nhà yến. Được một cơ sở nuôi yến chuyên nghiệp chuyển giao công nghệ và học hỏi thêm kinh nghiệm của những người nuôi yến lâu năm tại các tỉnh, thành khác, anh mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống phun sương tạo hơi ẩm, sóng âm thanh gọi yến về... Dần dần, đàn yến của gia đình anh phát triển lên đến hàng nghìn con. Anh Tích cho hay: “Nuôi yến khó nhất là khâu dẫn dụ, kế đến là tạo ra môi trường thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh, ít người lui tới. Vật liệu làm tổ cho chim mềm, không có mùi vị khác thường, nếu có mùi lạ chim sẽ không về làm tổ nữa”.

 
“Nuôi chim yến là nghề đem lại giá trị kinh tế rất cao nếu thành công. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi sự đầu tư về trí tuệ, ngoài niềm say mê, nắm vững kỹ thuật cũng cần có hiểu biết nhất định về các đặc điểm sinh học của loài chim để không ngừng hoàn thiện căn nhà cho chim yến cư ngụ”.
 
Anh Nguyễn Đình Chungnhấn mạnh

Hay như với gia đình anh Nguyễn Đình Chung (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar), cách đây 2 năm, khi tình cờ thấy vài con chim yến bay về sinh sống trên khu nhà kho để trống của gia đình, anh đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật về cách nuôi chim yến tại nhà. Thấy hiệu quả mang lại từ nghề nuôi chim yến khá cao, đầu năm 2015, gia đình anh Chung đã chuyển đến nơi ở khác, sửa sang toàn bộ ngôi nhà hai tầng với tổng diện tích trên 300 m2 để nuôi chim yến. Bên cạnh đó, anh cho lắp đặt các thiết bị mời gọi đàn yến bay về làm tổ. Hiện nay khu nhà nuôi yến của anh đang có khoảng trên 6 nghìn con chim yến.

“Lộc" trời cho

Đắk Lắk là địa phương có nhiều ao hồ lớn, thời tiết ôn hòa, địa hình đồi núi hoang sơ, không khí trong lành, khá gần vùng biển, thích hợp cho yến cư ngụ. Hơn nữa, nuôi yến chỉ đầu tư hạ tầng trang thiết bị một lần và dùng lâu dài, không mất chi phí giống, thức ăn…; hằng tháng, chỉ tốn chi phí điện để thắp sáng, phát loa đài, chạy máy phun sương. Trong khi đó, nếu chim yến vào ở và làm tổ có thể cho nguồn thu thường xuyên, lâu dài. Vì thế, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là TP. Buôn Ma Thuột đã mạnh dạn đầu tư nuôi chim yến.

Theo anh Chung, ban đầu cứ tưởng nuôi chim yến dễ, nhưng thực ra rất khó. Đặc tính của loài chim này là sống theo bầy đàn, đến mùa sinh sản nghe tiếng loa chúng bay đến tìm “bạn tình”, nhưng chưa chắc đã ở lại làm tổ. Một lưu ý nữa khi nuôi là vị trí xây nhà yến phải đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng, cùng với đó là hệ thống giá tổ, tạo mùi và thông gió phải phù hợp với tự nhiên nhằm đánh lừa được sự nhạy cảm của loài chim yến để thu hút chúng về làm tổ. Bên cạnh đó, khu vực nuôi yến phải gần nguồn thức ăn, gần nguồn nước, xa  khu công nghiệp… Khi chim đã về cư ngụ, phải cho loài chim này nghe ít nhất 3 loại nhạc, thứ nhất là phát “tín hiệu”, thứ hai là loại “gọi mời” và thứ 3 là “hát ru”.

Để được hưởng “lộc trời” cho cũng khá gian nan, bởi như lời anh Chung độ rủi ro trong nuôi chim yến cao, nếu không nắm vững kỹ thuật thì dù đầu tư tiền tỷ để xây nhà nuôi yến vẫn dễ thất bại. Được biết, sau hơn 2 năm đầu tư nuôi chim yến, hiện nay với khoảng 6.000 con chim yến đang cư ngụ, trung bình mỗi tháng gia đình anh Chung thu được 4 kg tổ yến, với giá bán yến thô chưa qua sơ chế hiện nay 20 triệu đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập cho gia đình 80 triệu đồng/tháng.

(Còn nữa)

Thúy Hồng

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ