A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bất cập trong quản lý, vận hành công trình thủy điện

10:05 | 14/08/2017

Thời gian qua, các công trình thủy điện (CTTĐ) trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành khai thác các công trình vẫn còn những bất cập.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 23 CTTĐ đã đưa vào vận hành phát điện đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia với tổng công suất hơn 950 MW, tổng sản lượng điện sản xuất khoảng 3,8 tỷ kWh/năm. Cụ thể, 7 công trình công suất lắp máy từ 30 MW trở lên, tổng công suất 824 MW, sản lượng điện sản xuất khoảng 3,4 tỷ kWh/năm và 16 công trình quy mô vừa và nhỏ, tổng công suất gần 130 MW, sản lượng điện 400 triệu kWh/năm. Theo ông Phạm Thái, Giám đốc Sở Công thương, nhìn chung các CTTĐ sau khi đi vào hoạt động đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách cho địa phương, tạo việc làm cho lao động địa phương, đồng thời góp phần cải tạo môi trường, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân vùng hạ lưu và khu vực xung quanh hồ chứa.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra công trình thủy điện Hòa Phú.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra công trình thủy điện Hòa Phú.

Tuy nhiên, việc vận hành, khai thác các CTTĐ hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, ngày 23-7-2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpốk nhằm bảo đảm các hồ thủy điện vận hành an toàn cả trong mùa mưa và mùa khô. Nhưng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự hình thành một số CTTĐ mới như Krông Nô 2, Krông Nô 3, Hòa Phú và một số công trình thủy lợi trên lưu vực sông Sêrêpốk đã làm thay đổi cơ bản về lưu lượng dòng chảy của sông nên các thông số tính toán, đánh giá không còn phù hợp với thực tế về khí tượng, thủy văn. Do đó, chủ đầu tư các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh đã kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong quy trình vận hành hồ chứa. Cụ thể, các nhà máy thủy điện Buôn Tua Sarh, Buôn Kuốp, Sêrêpốk 3, Sêrêpốk 4, Sêrêpốk 4A, Krông Nô 2, Krông Nô 3, Hòa Phú đề nghị điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ chứa trên sông Sêrêpốk theo phê duyệt của Chính phủ và Bộ Công thương. Thủy điện Krông Kmar đề nghị điều chỉnh về vận hành công trình góp phần điều tiết chống lũ trong mùa mưa, cấp nước phục vụ sản xuất trong mùa khô và xây dựng quy chế phối hợp, trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Hệ thống cửa xả nhà máy thủy điện Buôn Kuốp.

Hệ thống cửa xả nhà máy thủy điện Buôn Kuốp.

Ngoài ra, việc đánh giá tác động môi trường của một số công trình chưa được thực hiện đầy đủ, mang tính chủ quan và chưa nghiên cứu toàn diện về tác động của hệ thống hồ chứa, kênh dẫn, tác động của việc sử dụng nguồn nước và biến đổi khí hậu. Do đó, khi đưa vào khai thác vận hành, một số công trình đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong khu vực. Bên cạnh đó, một số công trình không có cống xả bùn, cát, nên sau một thời gian hoạt động, hồ chứa bị bồi lắng làm thay đổi dung tích, mực nước dẫn đến thay đổi dòng chảy, xói lở bờ sông. Có công trình thi công kênh dẫn dòng đã làm thay đổi trạng thái lưu lượng dòng chảy của đoạn sông dẫn đến các thông số về thủy văn, dự báo lũ không chính xác nên không chủ động trong công tác phòng chống lũ lụt

Không chỉ hạn chế trong vận hành, khai thác, công tác quản lý nhà nước đối với thủy điện vừa và nhỏ vẫn còn những bất cập. Cụ thể, một số quy định về quản lý an toàn đập của các CTTĐ đã không còn phù hợp với thực tế. Đơn cử như việc phân cấp quản lý về an toàn đập, vận hành hồ chứa, các tình huống vỡ đập trong Phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để áp dụng thiết kế các CTTĐ chưa đầy đủ, nên một số hạng mục công trình như hồ, đập phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của… công trình thủy lợi. Về môi trường, một số đơn vị chưa báo cáo tình hình khai thác, sử dụng mặt nước và chưa lắp đặt thiết bị giám sát quan trắc mực nước, dòng chảy theo quy định.

Kế hoạch năm 2017, tổng sản lượng điện sản xuất của các CTTĐ dự kiến đạt 3,6 tỷ kWh, tổng giá trị sản xuất điện dự kiến đạt trên 3.600 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 630 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, sản lượng điện sản xuất đạt gần 2,3 tỷ kWh, tăng 2,4 lần so với năm 2016. Nguyên nhân khiến sản xuất điện tăng mạnh là năm nay lượng mưa nhiều, mực nước các hồ ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận hành phát điện của các nhà máy.


Minh Thông

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ