A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bơ Booth mất mùa, rớt giá

09:53 | 11/10/2017

Sau nhiều năm thắng lớn, năm nay, người trồng bơ Booth trên địa bàn tỉnh lâm vào tình cảnh thất thu vì bơ mất mùa, rớt giá.

Gia đình anh Hà Công Đảng, thôn 2, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột có 40 cây bơ Booth trồng xen cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Vụ bơ năm nay, vườn bơ của anh giảm năng suất hơn 50%. Cụ thể, một số cây không cho quả, còn lại cũng chỉ đạt sản lượng 25 kg/cây, tổng cả vườn chưa đạt 1 tấn (bình quân đạt 2 tấn), quả sần sùi, không đều về kích thước. Được biết, toàn xã Hòa Thắng hiện có 10 ha bơ Booth đang cho thu hoạch, hầu hết nhà vườn đều bị mất mùa, một số diện tích chỉ đạt 10% sản lượng so với năm trước.

Năng suất giảm, nhưng có thu hoạch cũng đã là may mắn với người trồng bơ. Bởi nhiều chủ vườn, đơn cử như anh Nguyễn Văn Ngọc ở xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) thì toàn bộ diện tích bơ bị mất trắng. Gia đình anh có 50 cây bơ Booth trồng  từ năm 2010. Năm 2016, gia đình anh thu hoạch được 7 tấn bơ, nhưng năm nay phần lớn diện tích bơ không cho quả, còn lại mỗi cây chỉ đậu được vài quả. “Có bỏ công hái thì cũng chưa đầy 1 tạ bơ, nên tôi bỏ luôn không thu hoạch, tính ra thất thu khoảng 300 – 400 triệu đồng”, anh Ngọc xót xa. Tương tự là anh Nguyễn Thanh Thế, xã Hòa An (huyện Krông Pắc), với 200 cây bơ Booth, nhưng chỉ thu được hơn 1 tạ quả, so với năm trước thất thu gần 1 tỷ đồng.

Hầu hết bơ Booth của gia đình anh Hà Công Đảng (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cho quả rất ít.

Hầu hết bơ Booth của gia đình anh Hà Công Đảng (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cho quả rất ít.

Theo tìm hiểu, hầu hết diện tích bơ Booth tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Krông Năng, Krông Pắc… đều mất mùa nặng. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, từ giữa đến cuối tháng 3, thời điểm bơ Booth ra hoa đạt tỷ lệ trên 90% thì gặp mưa trái mùa khiến bơ không thể thụ phấn, đậu quả, dẫn đến mất mùa.

Không chỉ mất mùa, giá bơ Booth năm nay cũng rất thấp, khiến thiệt hại của nông dân càng lớn hơn. Cụ thể, giá thu mua tại vườn thời điểm này chỉ khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg (đầu mùa chỉ 30.000 đồng/kg), trong khi năm 2016, giá bơ đạt 70.000 – 80.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 100.000 đồng/kg. Theo lý giải của bà con, phần lớn sản lượng bơ Booth được xuất đi ngoại tỉnh, nhưng hiện tiêu thụ gặp khó khăn nên thương lái không muốn thu mua nhiều. Mặt khác, một số hộ trồng bơ muốn ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài với doanh nghiệp nhưng không được vì các đầu mối thu mua lớn chỉ ký hợp đồng bao tiêu với số lượng từ 10 tấn trở lên.

Giống bơ Booth có nguồn gốc từ Mỹ, được đưa vào trồng ở Đắk Lắk từ đầu những năm 2000 và phát triển mạnh trong 5 năm gần đây. Loại bơ này có có ưu điểm là sinh trưởng khỏe, phát triển mạnh, cho thu hoạch muộn hơn các giống bơ khác; thịt dày, vàng, dẻo cao, béo vừa nên được nông dân trồng nhiều và người tiêu dùng ưu chuộng. Toàn tỉnh hiện có hơn 2.400 ha bơ các loại, trồng thuần và xen canh, riêng bơ Booth thì phần lớn được trồng xen trong vườn tiêu, cà phê, sầu riêng. Loại cây này đã mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân và từng bước tạo được uy tín trên thị trường.

Một điểm thu mua bơ tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar.

Một điểm thu mua bơ tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar.

Đây là năm thứ 2 liên tục cây bơ Booth trên địa bàn tỉnh bị mất mùa, khiến người nông dân lo lắng trước lựa chọn có nên tiếp tục phát triển loại cây này hay không. Tuy nhiên, theo ngành Nông nghiệp, đây là hiện tượng nhất thời, không đáng lo ngại, bởi nguyên nhân của tình trạng này đơn thuần là do ảnh hưởng của thời tiết chứ không phải do không phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Về việc giảm giá cũng chỉ mang tính thời điểm, không phải do diện tích trồng vượt quy hoạch, cung vượt quá cầu. Do đó, người dân không nên vội vàng chặt bỏ hay chuyển đổi; song trước mắt, để tránh thiệt hại, nên trồng xen bơ Booth với các loại bơ và cây trồng khác, sử dụng chế phẩm sinh học, hữu cơ để bảo vệ và chăm sóc cây.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ ổn định diện tích trồng  bơ ở mức 10.000 ha, theo hướng trồng xen canh. Hiện, Sở NN-PTNT đang tham mưu UBND tỉnh đề xuất đặt hàng cho Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu cụ thể về quy trình kỹ thuật trồng xen, vùng trồng, loại giống, cũng như thị trường tiêu thụ bơ. UBND tỉnh cũng định hướng cho người nông dân phát triển loại cây này theo tiêu chuẩn VietGAP, GloboGAP để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra cũng rất khả quan. Hiện nay, quả bơ chủ yếu do các thương lái trong và ngoài tỉnh thu mua, tuy nhiên nhu cầu tiêu tụ rất lớn, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã và đang xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến bơ quy mô công nghiệp có khả năng tiêu thụ một lượng rất lớn sản phẩm.

Về phía nông dân, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nên trồng bơ theo quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, hình thành các tổ, nhóm, câu lạc bộ trồng bơ nhằm hỗ trợ, liên kết sản xuất, tạo sản phẩm số lượng lớn, đồng đều về chất lượng và ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp một cách ổn định.

Minh Thông

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ