A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khởi nghiệp từ công nghệ thủy canh

09:28 | 16/01/2018

Thời gian qua, nhiều bạn trẻ, doanh nghiệp đã khởi nghiệp bằng ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó nổi bật là phương pháp sản xuất rau bằng công nghệ thủy canh…

Giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao

Đang có một công việc mà nhiều người mơ ước tại Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank chi nhánh Đắk Lắk, nhưng Nguyễn Minh Tín và Nguyễn Hoàng Phương (cùng SN 1985) quyết định nghỉ làm về trồng rau sạch.

Là cử nhân của Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nên Phương phụ trách việc lên kế hoạch, còn Tín - cử nhân Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thì sang tỉnh Lâm Đồng tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời lên mạng Internet tìm hiểu công nghệ trồng rau thủy canh. Năm 2016, Tín và Phương bắt tay trồng thử nghiệm 1 sào rau thủy canh. Ở Đắk Lắk không có thợ chuyên môn thi công hệ thống trồng rau thủy canh nên từ khâu thiết kế, thi công đều do Tín đảm nhiệm. Qua nhiều lần điều chỉnh cho phù hợp, hệ thống thủy canh đã được Tín thiết kế chắc chắn hơn để tránh gió mạnh, lốc tố và mưa lớn. Chưa hết, hệ thống thủy canh cũng được cải tiến lại bảo đảm tuần hoàn nước để thường xuyên bổ sung các chất vi lượng, khoáng… cho cây kết hợp với đèn chiếu sáng.

Chị Nguyễn Thị Thái Thanh (bìa phải) hướng dẫn nhân viên cách chăm sóc rau thủy canh.

Chị Nguyễn Thị Thái Thanh (bìa phải) hướng dẫn nhân viên cách chăm sóc rau thủy canh.

Mô hình trồng rau sạch cho kết quả tốt, tháng 6-2017 Tín và Phương quyết định thành lập Công TNHH Nông nghiệp xanh Tín Phương và tiến hành xây dựng hệ thống nhà lồng, nhà lưới sử dụng phương pháp trồng thủy canh, bán thủy canh và tưới tiết kiệm trên diện tích 3 sào ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột). Thấy mô hình trồng rau của Tín và Phương đem lại hiệu quả, một số người đã đến tham quan, học hỏi và đều được hai bạn hướng dẫn tận tình. “Tụi em khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, được nhiều người giúp đỡ về kiến thức, kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ. Bây giờ, nếu ai có nhu cầu, chúng em sẵn sàng chia sẻ để cùng chung tay phát triển một nền nông nghiệp bền vững”, Phương tâm sự.

“Độc, lạ” quán cà phê rau sạch

Gần một năm nay, quán cà phê “Rau 47” ở phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) được nhiều thực khách tìm đến thưởng thức các món giải khát được chế biến từ rau được trồng theo công nghệ thủy canh ngay tại quán.

Anh Nguyễn Minh Tín (trái) và Nguyễn Hoàng Phương đang kiểm tra sản phẩm rau sạch tại hệ thống thủy canh của mình.

Anh Nguyễn Minh Tín (trái) và Nguyễn Hoàng Phương đang kiểm tra sản phẩm rau sạch tại hệ thống thủy canh của mình.

Từng làm trong lĩnh vực môi trường, chị Nguyễn Thị Thái Thanh (SN 1975) - chủ quán có cơ hội tiếp xúc với nhiều mô hình nông nghiệp tiên tiến của Isarel, Nhật Bản. Nhận thấy tiềm năng đất đai, khí hậu ở Đắk Lắk phù hợp với sản xuất nông nghiệp bền vững, chị Thanh quyết định khởi nghiệp bằng công nghệ thủy canh. Là người “ngoại đạo” ở lĩnh vực này, chị Thanh gặp không ít khó khăn. Chị dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các trang trại trồng rau sạch ở TP. Hồ Chí Minh. Khi đã có kha khá kiến thức về công nghệ thủy canh, chị Thanh tự mua ống nước, máy đo pH, độ ẩm, hệ thống máng, giống rau phù hợp  và tự thiết kế hệ thống thủy canh tại nhà riêng. Do môi trường canh tác có nhiều khác biệt so với lúc tìm hiểu tài liệu nên nhiều lứa rau thất bại. Thêm một khó khăn nữa là hệ thống thủy canh tự thiết kế vượt quá không gian của gia đình. Không nản lòng, chị Thanh tiếp tục cải tiến cho phù hợp hơn.

Tháng 4-2017, chị Thanh thành lập Công ty TNHH Ban Mê Green Farm với mong muốn chuyển giao công nghệ này đến những hộ gia đình có nhu cầu về sản xuất rau sạch; đồng thời cải tạo không gian quán cà phê “Rau 47” thành nơi giới thiệu sản phẩm của công ty. Thời gian đầu, chị Thanh chỉ chuyển giao công nghệ này cho bạn bè và người thân. Nhận được sự phản hồi tích cực, nhiều người đã tìm đến quán để tìm hiểu mô hình công nghệ thủy canh tại nhà, đến nay, đã có 40 khách đặt làm 70 dàn thủy canh. Đã trở thành bà chủ nhưng công ty chỉ mới có 7 nhân viên nên mỗi khi khách hàng cần, chị Thanh tự tay lắp ráp dàn, ươm giống và tư vấn cho khách hàng. Chị Thanh chia sẻ: “Khởi nghiệp bằng ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp cần nguồn vốn không nhỏ. Do đó, cũng như các doanh nghiệp trẻ, công ty tôi rất mong được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để có thêm nguồn lực phát triển”.

Nguyễn Gia

 

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ