A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hồ tiêu Việt Nam đang rơi vào bẫy sản lượng

08:08 | 18/01/2018

Trăn trở lớn nhất với xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam hiện nay không chỉ đơn giản là gia tăng sản lượng để chiếm giữ thị phần hàng đầu thế giới mà là làm thế nào gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu....

...  Nhất là khi giá hồ tiêu đang giảm mạnh, tồn kho lớn, lại phải đối mặt những hàng rào kỹ thuật và thiếu các sản phẩm có giá trị cao.

Ngành hồ tiêu trong nước đang gặp nhiều thách thức. 

Những thách thức

Tại buổi gặp gỡ các nhà nhập khẩu lớn từ Mỹ vừa được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã chia sẻ về những thách thức của xuất khẩu hồ tiêu vào thị trường Mỹ.

Theo đó, bắt đầu từ năm 2018 khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) áp dụng nhiều quy định mới đối với lĩnh vực gia vị trong Đạo Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA). Cũng theo bà Oanh, chẳng hạn như Tập đoàn thu mua toàn cầu Walmart (Mỹ) nếu muốn thu mua hồ tiêu từ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam để đưa mặt hàng này vào thị trường Mỹ thì liệu có vượt qua được những thách thức này?   

Đây cũng chính là trăn trở chung của nhiều DN hồ tiêu Việt dù cho Mỹ vẫn đang là một trong ba thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 18% trong tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của cả nước). Số liệu xuất khẩu hồ tiêu 10 tháng của năm 2017 sang thị trường này cho thấy chỉ đạt 31.876 tấn, tương đương 186,46 triệu USD (giảm 6,7% về lượng và giảm đến 37% giá trị so với cùng kỳ 2016).

Sự sụt giảm mạnh về mặt giá trị không chỉ với thị trường Mỹ mà là thực trạng chung với nhiều thị trường khác trên thế giới mà ngành hồ tiêu Việt đang phải gánh chịu. Và nhất là các thị trường nhập khẩu hồ tiêu chính của Việt Nam sẽ gia tăng các biện pháp kiểm soát chất lượng hồ tiêu nhập khẩu, điển hình như Mỹ, EU. Có nhận định cho rằng, trên thị trường thế giới, hồ tiêu Việt Nam đang chiếm tỷ trọng rất cao, đến 62,5% lượng hồ tiêu toàn cầu. Việt Nam nắm trong tay sản lượng tiêu lớn như thế nên giá phải giảm để giành thị trường và thúc đẩy xuất khẩu. Và như thế, hồ tiêu Việt lại rơi vào “bẫy” giá trị thấp.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng, hồ tiêu Việt Nam là ngành luôn giữ thị phần hàng đầu thế giới liên tục trong 15 - 16 năm. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam thường chiếm 50 - 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới; năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 1,44 tỷ USD. Tuy nhiên, điều muốn nói ở đây là trong 1,44 tỷ USD này thì tăng về lượng khá là nhiều (tăng khoảng 34%) nhưng về giá thì chỉ khoảng 12 - 13%. 

Lượng tăng nhưng giá giảm

Điều đáng bàn, chỉ tính riêng nửa đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu hơn 100.000 tấn, tăng 13% về mặt số lượng nhưng xét về mặt giá trị thì lại giảm đến 13%. Như vậy, vấn đề trăn trở lớn là hồ tiêu không chỉ đơn giản tăng về lượng mà phải tăng tổng thể về mặt giá trị. Ở góc độ Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, bà Nguyễn Mai Oanh chia sẻ, trong các mặt hàng nông sản Việt thì hạt điều, hạt tiêu vẫn là hai mặt hàng gia tăng giá trị tốt nhất trong 10 năm trở lại đây và cũng đã chớp được nhiều cơ hội xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, như lưu ý của bà Oanh, “bức tranh” hiện nay cho thấy ngành hồ tiêu Việt đang có vấn đề. Xuất khẩu hồ tiêu trong năm nay có thể sẽ đạt trên 200.000 tấn, nhưng xét về giá trị xuất khẩu, nếu như năm 2016 xuất khẩu 179.000 tấn thì đã thu về hơn 1,4 tỷ USD, còn tính đến tháng 10/2017, xuất hơn 190.000 mà chỉ thu về khoảng 1 tỷ USD.

“Điều đó cho thấy giá trị của xuất thô hồ tiêu đã bắt đầu đi xuống vì nguồn cung nhiều. Ngành hồ tiêu cần phải có thay đổi và việc gia tăng giá trị là yêu cầu rất cần thiết trong lúc này” - bà Oanh nói.

Theo giới chuyên gia, kinh nghiệm từ ngành hồ tiêu ở Ấn Độ (đứng thứ 2 sau Việt Nam về mặt xuất khẩu) cho thấy mỗi năm họ sản xuất khoảng 50.000 tấn (chỉ bằng 1/3 hay 1/4 của Việt Nam) nhưng giá trị xuất khẩu đối với mặt hàng dầu nhựa tiêu của họ (vốn có giá trị cao) lại chiếm đến 12% lượng xuất khẩu hồ tiêu. Trong khi Việt Nam lại chưa làm được điều đó, chỉ xuất khẩu tiêu đen, tiêu trắng, tiêu xanh, tiêu xay.

Có lẽ việc say sưa gia tăng sản lượng xuất khẩu hồ tiêu là bài học mà Việt Nam cần rút kinh nghiệm, đặc biệt là trong bối cảnh giá thấp, để “thoát bẫy” là cả bài toán nan giải. Theo bà Nguyễn Mai Oanh, điều cần làm với ngành hồ tiêu Việt Nam hiện giờ để tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu là nên xây dựng chuỗi nguyên liệu sạch và nên có những thương hiệu mạnh. Hơn nữa, cần phải chú ý đến những sản phẩm hồ tiêu gia tăng được giá trị cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dụng hạt tiêu sạch Organic đang thịnh hạnh trên thế giới (loại tiêu này hiện vào khoảng 7.500 USD/tấn, có giá gấp đôi so với loại tiêu thường mà Việt Nam đang xuất khẩu).    

Quốc Định - Đại Dương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ