A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dệt may đối diện thách thức

08:22 | 19/03/2018

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may. Tuy nhiên, liệu ngành này có được hưởng lợi một cách dễ dàng từ CPTPP? Câu trả lời là: Không đơn giản!

Doanh nghiệp dệt may còn phải đối diện với thách thức.

Lợi ích lớn

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, một trong những ngành có nhiều lợi thế khi CPTPP thực thi, đó là dệt may và da giầy. Đây sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng cao khi CPTPP có hiệu lực, dự báo tăng trưởng xuất khẩu của hai ngành này có thể tăng thêm 8,3 -10,8%/ năm. Nhận định rõ hơn về điều này, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, hàng dệt may và da giày hiện được bảo hộ khá cao ở châu Mỹ, nên sau khi cắt giảm thuế quan thông qua CPTPP, sức cạnh tranh của các sản phẩm này của Việt Nam sẽ nâng lên đáng kể. 

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), mặc dù không có sự tham gia của Mỹ, quy mô thị trường bị thu hẹp hơn, thế nhưng, CPTPP vẫn là một Hiệp định thương mại tự do quan trọng tạo đà và lực đẩy cho các ngành xuất khẩu, trong đó có dệt may. Theo ông Trường, thị trường Australia là nơi mà dệt may hy vọng nhiều hơn cả, bởi xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này mới dừng ở 200 triệu USD/năm. Và khi  có CPTPP, kim ngạch 1 tỷ USD/năm của ngành dệt may là không quá khó. 

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, lợi ích từ tham gia CPTPP với ngành dệt may không chỉ là câu chuyện giảm thuế suất. Có những lợi ích thậm chí còn lớn hơn lợi ích về kinh tế khi mà dệt may có thể tiếp cận được nhiều thị trường tiềm năng như Canada, Chile… Trong đó có nhiều thị trường hiện Việt Nam chưa có FTA. Từ đó có thể tận dụng được nguồn cung nguyên liệu, học hỏi công nghệ sản xuất và trình độ quản lý từ các nước nội khối, kết hợp cùng phát triển. Đồng thời tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành…

Thách thức không nhỏ

Bên cạnh những thuận lợi, theo nhiều chuyên gia, những khó khăn của doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam khi tham gia vào CPTPP cũng không nhỏ. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, những yêu cầu khắt khe của CPTPP là “nguyên tắc xuất xứ”. Nếu muốn hướng thuế suất bằng 0% khi xuất khẩu thì các DN cần phải chứng minh được là nguyên vật liệu sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu đó hoàn toàn là sản xuất trong nước hoặc là nhập khẩu từ các nước tham gia CPTPP khác chứ không phải là nguyên liệu (tính từ sợi) nhập khẩu từ các nước ngoài CPTPP như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đây là thách thức lớn nhất bởi hiện nay dệt may đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ những nước không tham gia CPTPP.

Ngoài ra, những áp lực về đổi mới công nghệ cũng đang đè nặng trên vai các DN Việt. Theo ông Vương Quang Ngọc, Giám đốc công ty Cổ phần may Sài Đồng, có điểm bất cập của ngành may là sự cạnh tranh lao động, các DN phải đi trước đón đầu các thiết bị tự động vào sản xuất để tăng năng suất lao động. Nhiều DN may mở ra tại thời điểm này rất có thể sẽ không có lợi nhuận, bởi đơn giá gần như cố định hoặc có chút giảm xuống, trong khi chi phí nhân công, quản lý tăng nhanh, đã dẫn đến hiệu quả kinh doanh không còn cao như trước đây. 

Ông Ngọc nêu rõ, năm 2018 sẽ là năm mà DN may phải biết nắm bắt các công nghệ hiện đại thật nhanh. Tuy nhiên, nếu DN đầu tư công nghệ, yêu cầu về tiềm lực kinh tế phải rất lớn. Mà đây là vấn đề khó nhất đối với các DN nhỏ và vừa hiện nay. Một khó khăn nữa đối với các DN nhỏ và vừa là công nghệ thay đổi rất nhanh. Ví dụ, DN vừa đầu tư một hệ thống máy móc vài tỉ đến vài chục tỉ đồng nhưng năm sau rất có thể đã bị lạc hậu. Đây là áp lực đối với các DN nhỏ và vừa khi có ý định áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhưng nếu không chịu đầu tư thì sẽ khó trụ vì áp lực về năng suất là rất lớn.

“Bản thân DN của tôi những năm qua đã đầu tư khá nhiều máy móc áp dụng công nghệ mới, dù là một DN nhỏ nhưng đã đầu tư đến 5 -6 tỉ đồng cho đổi mới công nghệ, đào tạo lại nhân công, áp dụng các phương thức quản lý mới. Để tồn tại, DN chúng tôi đã dồn toàn lực cho 2 việc là đầu tư máy móc và đào tạo nhân sự. Riêng đào tạo từ công nhân cho đến đội ngũ quản lý cũng lên đến tiền tỉ” – ông Ngọc cho hay.

Rõ ràng, các FTA trong đó có CPTPP đang mở ra nhiều cơ hội cho các DN ngành dệt may, nhưng đối diện với đó cũng không ít thách thức. Trong năm 2018, ngành dệt may của Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 34 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với năm 2017 (31 tỷ USD). Đây được đánh giá là một mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh tổng cầu thế giới ít biến động. Giới chuyên gia nhận định, mục tiêu này đòi hỏi các DN dệt may của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất mạnh mẽ, có phần khốc liệt trong thời gian tới.

Minh Phương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ