A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ngành mía đường gặp khó

08:33 | 20/03/2018

Niên vụ mía đường 2017 – 2018 đang vào cao trào sản xuất. Giá đường giảm mạnh, các cuộc “giải cứu” hàng chục ngàn tấn đường tồn kho đã được phát động ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL),...

...  cho thấy các doanh nghiệp (DN) mía đường trong nước phải nhanh chóng cải tổ lại phương thức sản xuất, kinh doanh, để không bị thua ngay trên sân nhà.

Giá thu mua mía giảm mạnh, người trồng mía gặp khó.

Nguy cơ trắng tay

Cuối tháng, nắng nóng kéo dài ở tỉnh Gia Lai. Tiến độ thu mua mía chậm từ các nhà máy (NM) khiến nhiều cánh đồng mía ở các huyện Kông Chro, Chư Prông, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) thêm phần nóng ran. Thời điểm này, trên địa bàn xã Ia Piơr, huyện Chư Prông xảy ra nhiều vụ cháy, làm thiệt hại 72ha mía của bà con nông dân, ước thiệt hại hàng tỷ đồng. Đối với những diện tích bị “giặc lửa” tấn công này, nếu thời gian tới vẫn không thu hoạch và tiêu thụ được thì đành phải phá bỏ, vì lượng đường trong cây mía đã giảm, để lâu sẽ bị hỏng. 

Cũng trong thời gian này, trên địa bàn thôn 5, xã Thành An (thị xã An Khê) cũng đã xảy ra vụ cháy gần 3ha mía, ước thiệt hại ban đầu hơn 55 triệu đồng. Tình trạng cháy mía còn xảy ra ở các huyện Đăk Pơ, Kông Chro, Kbang… Hiện nay trên địa bàn các huyện, thị xã vùng Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai vẫn còn rất nhiều diện tích mía đang “đứng đồng” và có nguy cơ xảy ra cháy mía rất cao. 

Không chỉ lo với thực trạng mía cháy, đang vào cao điểm mùa thu hoạch mía nguyên liệu lúc này, bà con nông dân ở Gia Lai còn rầu lòng vì giá thấp. Từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, giá mía trên địa bàn tỉnh chỉ được các NM đường Ayun Pa (thuộc Tập đoàn Thành Thành Công) và NM đường An Khê (thuộc CTCP đường Quảng Ngãi) mua với giá 700.000 – 800.000 đồng/tấn, giảm từ 150.000 – 200.000 đồng/tấn so với vụ sản xuất 2016 – 2017. Những vựa mía lớn trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện Đắk Pơ, Kông Chro, Kbang, Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã An Khê, với quy mô lên đến 30.000ha, đứng đầu diện tích vùng nguyên liệu trong toàn quốc. 

Ông Hồ Thanh Danh, nông dân xã An Thành, huyện Đăk Pơ cho hay, gia đình ông vụ này trồng 15ha mía, nhưng mới chỉ chặt bán được chừng 10 xe, trung bình mỗi xe chất khoảng 20 tấn. Như những năm trước, các hộ trồng mía trong xã hào hứng lắm, nhưng năm nay giá mía giảm mạnh, nếu trữ đường thấp thì NM đường An Khê chỉ thu mua chừng 700.000 đồng/tấn, vậy nên nông dân không buồn ra đồng chặt mía.

Mọi năm mỗi ha mía có thể thu về khoảng 35 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông lãi từ 15 -17 triệu đồng. Song năm nay do giá mía giảm mạnh, gia đình ông đang lo phải bỏ thêm tiền để trả công cán thu hoạch chứ không dám mong lời lãi.

Tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, bức tranh mía đường cũng không sáng sủa gì hơn so với khu vực Tây Nguyên. Nhiều nông dân ở các địa phương này rơi vào cảnh chật vật vì các NM đường đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Lại giải cứu! 

Tại vùng ĐBSCL, những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tình hình sản xuất, kinh doanh mía đường gặp nhiều khó khăn và bị tồn kho với số lượng lớn, lên đến gần 400.000 tấn đường, tăng hơn 100.000 tấn so với giữa tháng 12/2017.

Trong số 10 nhà máy mía đường tại ĐBSCL thì đến nay đã có 4 nhà máy phải đóng cửa do sản xuất không hiệu quả. Nguyên nhân chính là sản phẩm đường không thể cạnh tranh giá bán với mặt hàng đường từ các nước khu vực ASEAN.

Theo nhận định của Hiệp hội mía đường Việt Nam, đến năm 2025, có thể thị trường chỉ còn 15 trong số 40 nhà máy đường trong nước hiện nay còn hoạt động. 

Một điều thấy rất rõ hiện nay là đường Thái Lan vào Việt Nam chỉ 11.000 đồng/kg, trong khi đường trong nước giá tới 12.500 đồng/kg. Đây cũng chính là lý do khiến đường nhập lậu từ Thái Lan liên tục xâm nhập vào Việt Nam.

Thực trạng này đã tác động rất lớn đến CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco),  hiện DN này đang tồn khoảng 30.000 tấn đường trong kho. Triển khai cuộc “giải cứu” cho Casuco, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đề nghị cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ mua ủng hộ 20kg đường/người, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 10kg/người, cán bộ, công chức 5kg/người. Kế hoạch này sẽ được triển khai ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, bất cứ một DN nào, để phát triển tốt, cạnh tranh được đều phải dựa vào quy luật thị trường và những thể chế chung của Nhà nước. Một nền kinh tế phải dựa vào các phương án “giải cứu” thì không thể nào tốt được. Bản thân DN đừng trông cậy vào những giải pháp này. Hãy tự mình tạo ra năng lực cạnh tranh.

Vẫn còn lối đi

Tương lai ngành mía đường Việt Nam được nhận định còn nhiều khó khăn, nhưng thực tế hiện tại, một số DN mía đường vẫn đang làm ăn ổn định. Đơn cử như các nhà máy đường thuộc CTCP đường Quảng Ngãi, trong năm 2016, nhà máy đường An Khê lãi ròng 165 tỷ đồng, nhà máy đường Phổ Phong lãi gần 50 tỷ đồng. Đây là những nhà máy có công nghệ sản xuất, công tác quản trị tốt. 

Nhìn nhận ngành mía đường vẫn có “điểm sáng”, vừa qua Vinamilk đã đầu tư vào CTCP Đường Việt Nam (Vietsugar) tại tỉnh Khánh Hòa. Với công ty này, Vinamilk mong muốn mang lại hướng đi mới cho ngành mía đường Việt Nam, chủ động hội nhập vào sân chơi khu vực và toàn cầu.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Công cho biết, Tổng công ty Sugar đã hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy việc ứng dụng giải pháp công nghệ vào trong quá trình sản xuất. Vì thế, bên cạnh sản xuất, kinh doanh đường trong nước, Tổng công ty còn xuất khẩu đường sang Trung Quốc, Indonesia… Như vậy có thể thấy, nếu chịu thay đổi và chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng, tương lai ngành mía đường Việt Nam vẫn tươi tắn, chứ không phải không có lối đi.

Trong bối cảnh ngành mía đường nước ta đang có những thách thức nhất định, vấn đề cần thay đổi ngay bây giờ chính là phải kéo giá nguyên liệu xuống, bởi đây là khâu quan trọng nhất khiến giá thành đường trong nước cao hơn đối thủ cạnh tranh.

Để làm được việc này, không còn cách nào khác là phải thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng quy mô lớn, cỡ 100ha, thậm chí lên đến vài ngàn ha để cơ giới hóa. Hơn thế nữa, việc dỡ bỏ ATIGA (thuế xuất nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực ASEAN) phải tiến hành từng bước để nông dân không bị sốc. Như vậy, DN sẽ giảm được chi phí so với cách làm hiện nay. 

Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Văn Hảo, phó Giám đốc nhà máy đường An Khê cho hay, đơn vị đã có hướng đầu tư chiến lược để hội nhập AFTA và cụ thể là cạnh tranh trực tiếp với ngành đường của nước láng giềng Thái Lan. Song song với việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, tạo giá trị gia tăng cho chuỗi sản xuất, tiêu thụ và chế biến, những năm qua, nhà máy đã liên kết với nông dân để nhân rộng mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn 4 huyện, thị xã phía Đông Gia Lai, định hướng đến năm 2020 sẽ phấn đấu đạt 10.000 ha. 

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, các DN mía đường có nhà máy công suất lớn, chủ động được vùng nguyên liệu, giá thành thấp, chuẩn bị tốt sẽ có cửa cạnh tranh. Ngược lại, những DN có nhà máy nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu sẽ chết dần hoặc chọn phương án đóng cửa nhà máy, chuyển sang nhập đường thô về tinh luyện, không thu mua mía của nông dân. Đó là chuyện tất yếu trong cơ chế thị trường.

Trong số 10 nhà máy mía đường tại ĐBSCL thì đến nay đã có 4 nhà máy phải đóng cửa do sản xuất không hiệu quả. Nguyên nhân chính là sản phẩm đường không thể cạnh tranh giá bán với mặt hàng đường từ các nước khu vực ASEAN. Theo nhận định của Hiệp hội mía đường Việt Nam, đến năm 2025, có thể thị trường chỉ còn 15 trong số 40 nhà máy đường trong nước hiện còn hoạt động. 
 

Quốc Định- Đại Dương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ